KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI BÙI BẰNG ĐOÀN: LÀM TRÒN NHIỆM VỤ NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

09/09/2019

“Sự tham gia của Cụ Bùi Bằng Đoàn vào Quốc hội đã khẳng định tinh thần dân tộc của một nhân sĩ, một vị cựu Thượng thư của chế độ cũ góp phần củng cố Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó” - GS. TS. Mạch Quang Thắng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định.

Tích cực tham gia đối nội, đối ngoại và lập pháp

Ngày 6.1.1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của tất cả các đảng phái trong nước, thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Cụ Bùi Bằng Đoàn với chức danh Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Hồ Chủ tịch giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa I và đã trúng cử đại biểu của tỉnh Hà Đông (cũ). Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I, Cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Lúc này mặc dù nhiệm vụ chính vẫn ở Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, nhưng cụ đã tham gia một số hoạt động đối ngoại của Chính phủ, như tham gia đàm phán với Chính phủ Pháp sau khi ký Hiệp ước sơ bộ ngày 6.3.1946. Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa I (tháng 11.1946), Cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội.


Chủ tịch Hồ Chí Minh,Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn tại Lễ phong quân hàm Đại tướng ngày 28.5.1948 ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên - Ảnh Tư liệu

GS.TS. Mạch Quang Thắng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: “Sự tham gia của Cụ Bùi Bằng Đoàn vào Quốc hội đã khẳng định tinh thần dân tộc của một nhân sĩ, một vị cựu Thượng thư của chế độ cũ góp phần củng cố Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, tham gia bàn bạc góp ý kiến các chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ và tham gia giám sát các công việc của Chính phủ thực hiện công cuộc kháng chiến kiến quốc. Với tinh thần trách nhiệm cao, Cụ đã tham gia đóng góp cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947, chỉ đạo các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, lấy nguyện vọng nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo kháng chiến.

Ngoài các hoạt động đối nội, lập pháp, Cụ Bùi Bằng Đoàn còn tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại, thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí, đài phát thanh trong và ngoài nước về một số vấn đề trọng đại của đất nước, về chủ quyền của Việt Nam trong thời gian trước và sau khi hai đoàn đại biểu Việt Nam và Pháp ký Hiệp ước 6.3.1946 tại Đà Lạt.

Đề cao tư tưởng đại đoàn kết

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết để động viên các lực lượng tham gia kháng chiến, qua đó khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc đại diện cho ý chí của toàn dân, cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng: Trong bức thư gửi anh em chiến sĩ toàn quốc dịp Tết Đinh Hợi 1947, thay mặt Quốc hội, Cụ đã bày tỏ niềm tiếc thương và kính trọng đối với những chiến sĩ đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc: “Quốc hội xin kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước sau khi tác chiến một cách anh dũng, đã nêu cao tinh thần hy sinh và lòng ái quốc, làm cho người ngoại quốc cũng ngợi khen… Toàn thể quốc dân tin tưởng rằng với chí cương quyết, với sự dũng cảm, với lòng ái quốc của anh em, cuộc chiến đấu vì chính nghĩa của dân tộc ta sẽ được toàn thắng”.

“Bức thư của Cụ được gửi đến anh em chiến sĩ trong giai đoạn cuộc kháng chiến đang ở thời điểm quyết liệt, đã tạo ra động lực tinh thần và động viên toàn thể đồng bào, chiến sĩ quyết tâm một lòng chiến đấu đến cùng vì sự nghiệp bảo vệ nền độc lập, tự do và thống nhất của dân tộc” - Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Hùng nói.

PGS.TS. Bùi Đình Phong - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết thêm: Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Bùi Bằng Đoàn đã đi kinh lý nhiều địa phương. Sự có mặt của người đứng đầu Quốc hội khắp các mặt trận cho thấy một phẩm chất cao đẹp không chỉ là “Nhân” mà còn là “Dũng”, không chỉ là “Nghĩa” mà còn là “Chí công vô tư”. Sự có mặt của người đứng đầu Quốc hội ở mặt trận và hậu phương chứng kiến tận mắt già trẻ, gái trai, đồng bào đa số thiểu số, lương giáo, giàu nghèo đều đồng tâm nỗ lực góp sức của vào cuộc kháng chiến, không đơn thuần chỉ là sự động viên về mặt tinh thần, mà xét một cách sâu xa, đến cùng, đó chính là sức mạnh vật chất. Bởi vì, sự đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật đó đã biến thành một sức mạnh vật chất thật sự.

Từ Thượng thư bộ Hình Nam triều nổi tiếng thanh liêm, chính trực, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham gia chính quyền cách mạng một cách tự nguyện. Tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của Cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương sáng để chúng ta kính trọng và noi theo. Trong Điếu văn tại lễ tang Cụ Bùi Bằng Đoàn, quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng khẳng định: “Cụ mất đi sự nghiệp cụ vẫn còn. Đó là một sự nghiệp của một vị nhân sĩ yêu nước đã tin vào Hồ Chủ tịch, vào chế độ mới, vào tương lai”. Đọc diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa I (ngày 15.9.1955), quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng tiếp tục tỏ lòng thương tiếc: “Tất cả chúng ta hết sức tiếc nhớ cụ Bùi Bằng Đoàn, đại biểu tỉnh Hà Đông và Trưởng ban Thường trực Quốc hội đã tạ thế ngày 13.4.1955. Trong mấy năm đau bệnh nặng, cụ vẫn luôn cố gắng góp phần vào công việc của Quốc hội, vào công cuộc kháng chiến của toàn dân để giành độc lập và thống nhất cho nước nhà. Cụ đã làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân cho tới phút cuối cùng...”.

“Trong thời gian giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội (từ tháng 11.1946 - 9.1955), vào đúng giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, Cụ (Bùi Bằng Đoàn) đã được Ban Thường trực Quốc hội ủy nhiệm ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Đây là môi trường để những kiến thức, kinh nghiệm của Cụ phát huy giá trị, giúp ích cho công tác của Quốc hội, phục vụ cho lợi ích của Nhân dân, của cách mạng”. - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng

(Hương Linh - Báo Đại biểu nhân dân)