TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NGUYỄN VĂN TỐ - TẤM GƯƠNG SÁNG CHO NHIỀU THẾ HỆ

01/06/2019

Ngày 01/6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút hơn 40 tham luận của các Giáo sư, Phó Giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà khoa học phản ánh khá toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Cụ Nguyễn Văn Tố, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (05/6/1889 – 05/6/2019).

Cụ Nguyễn Văn Tố: Chủ tịch Quốc hội đầu tiên

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Cụ Nguyễn Văn Tố sinh năm 1889 ở Hà Nội, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Trước Cách mạng tháng 8, Cụ là người đứng đầu nhiều tổ chức khoa học, nhiều phong trào truyền bá tri thức đương thời như Hội những người bạn của Viện Viễn đông Bác cổ, Hội Trí tri, Hội Truyền bá Quốc ngữ... trong đó, Truyền bá Quốc ngữ là phong trào có nhiều ảnh hưởng đối với xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, góp phần giải phóng cho gần 7 vạn người thoát nạn mù chữ, là nền tảng vững chắc để giúp cho người dân giác ngộ cách mạng vùng lên tranh đấu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Cụ Nguyễn Văn Tố đặt nền móng cho tổ chức và hoạt động của mô hình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau này

Mùa thu năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Để lo việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ. Cụ nhậm chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, Cụ đã được cử tri tỉnh Nam Định bầu làm đại biểu Quốc hội. Ngày 02/3/1946, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá I đã họp tại Nhà hát lớn, thành phố Hà Nội. Cụ Nguyễn Văn Tố được bầu giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị này Cụ Nguyễn Văn Tố cùng với tập thể Ban Thường trực Quốc hội có nhiều đóng góp với cách mạng Việt Nam nói chung và với Quốc hội Việt Nam nói riêng, đặt nền móng cho tổ chức và hoạt động của mô hình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau này.

Về công tác lập hiến, lập pháp, Ban Thường trực Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Cụ đã cho ý kiến vào nhiều dự án quan trọng trình Quốc hội như Dự án Luật Lao động, Dự thảo Hiến pháp. Đặc biệt, bản Hiến pháp năm 1946.

Tham gia vào công cuộc kiến thiết đất nước, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã dành nhiều thời gian chỉ đạo các tiểu ban của Quốc hội cho ý kiến về các dự án sắc lệnh của Chính phủ; xét 98 dự án Sắc lệnh, những Sắc lệnh đó đều có tính cách các đạo luật; thông qua nhiều nghị quyết về nội trị, ngoại giao.

Về công tác đối ngoại, Cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng Ban Thường trực Quốc hội, Chính phủ thi hành nhiều phương sách thích hợp để cho nhân dân thế giới biết và ủng hộ về khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam. Trong đó, điển hình là việc Ban Thường trực Quốc hội đã cử một phái đoàn của Quốc hội Việt Nam sang thăm Cộng hòa Pháp vào năm 1946; cùng với Chính phủ thông qua chủ trương ký Hiệp định sơ bộ để “giảng hòa với Pháp nhằm giành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới...”.

Với vai trò là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Cụ đã điều hành những phiên họp quan trọng của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I vào tháng 11 năm 1946 với sự nghiêm túc và tinh thần dân chủ cao độ trong Quốc hội. Tại phiên chất vấn đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội Việt Nam, Cụ cũng đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội trong đó có vấn đề liên quan đến quốc kỳ, được nhiều người dân quan tâm. Phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Cụ đã thể hiện một niềm tin sắt đá: “Nước ta, với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể đồng bào, sẽ giành được độc lập và đi tới vinh quang, hạnh phúc”.

Ngày 03 tháng 11 năm 1946, tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá I, một lần nữa Cụ lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng không bộ. Chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội được chuyển cho Cụ Bùi Bằng Đoàn.

Cụ Nguyễn Văn Tố: Nhà lãnh đạo Chính phủ tài năng

Phân tích, làm rõ vai trò của Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố và những chính sách xã hội đầu tiên của Chính phủ Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Với lòng yêu nước thương dân của một nhà trí thức lớn, ngay sau Cách mạng Tháng tám thành công, Nguyễn văn Tố được Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chọn mặt gửi vàng” mời về làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ dân chủ cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung: Ở bất kỳ cương vị nào, Cụ Nguyễn Văn Tố cũng đều trung thành, tận tụy, hết lòng vì dân, vì nước

Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ 6 việc cấp bách cần làm ngay, trong đó vấn đề số 1 được xác định là cứu đói: “Nhân dân đang đói… Những người thoát chết đói, nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm như thế nào cho họ sống!”. Để cứu hàng triệu người thoát đói, bên cạnh việc phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho dân nghèo, động viên đồng bào tương thân, tương trợ, nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ nhau vượt qua nạn đói.

Ngày 28/9/1945, trong bức thư gửi toàn thể đồng bào đăng trên báo “Cứu quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy, tôi đề nghị đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”.

Hưởng ứng lời kêu gọi, ngày 02/11/1945, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, cụ Nguyễn Văn Tố đã quyết định thành lập Hội Cứu đói. Hội được thành lập đồng thời ở Hà Nội, Thuận Hóa, Sài Gòn và có chi nhánh tại các tỉnh, các làng với mục đích cứu dân khỏi đói, khỏi rét. Phương pháp hoạt động chủ yếu là tìm nguồn thực phẩm, tiền và vải do các nhà hảo tâm giúp đỡ; phát triển sản xuất, khuyến khích công việc đồng áng và trông nom đê điều; giúp đỡ nhân dân khai khẩn đất hoang hóa để tăng gia sản xuất.

Hội Cứu đói được thành lập đúng vào thời điểm cách mạng Việt Nam ở hoàn cảnh vô cùng khó khăn, hàng triệu đồng bào đang bị nạn đói đe dọa. Do đó, Hội nêu rõ, để thực hiện được nhiệm vụ, ở ba miền Bắc - Trung - Nam mỗi nơi đều thành lập một cơ quan y tế ở địa phương thực hiện các công việc cứu tế và liên lạc với Hội Cứu tế của Chính phủ.

Xét thấy yêu cầu và nhiệm vụ của Chính phủ đặt ra là phải thực hiện ngay các biện pháp cứu tế xã hội, ngày 31/12/1945, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố ra Sắc lệnh 63 về thành lập Hội Cứu tế xã hội, quy định rõ nhiệm vụ của Hội Cứu tế xã hội là cứu giúp và vận động nhân dân tương trợ giúp đỡ những người lao động đói rách do thiên tai địch họa gây ra mà không tự giải quyết được; Cứu giúp và vận động nhân dân tương trợ giúp đỡ những người mất sức lao đông hoàn toàn và không có nơi nương tựa và tạo điều kiện dần dần làm cho họ có thể tự túc hoàn toàn hoặc một phần kinh phí. Bên cạnh đó giúp đỡ, cải tạo những người chưa quen lao động do xã hội cũ gây ra như lưu manh, nghiện hút, cơ nhỡ và tạo điều kiện cho họ sinh sống.

Ngày 15/11/1945, Bộ Cứu tế xã hội phối hợp với Bộ Quốc dân kinh tế ký Nghị định số 41 BKT nêu rõ một loạt biện pháp nhằm khuyến khích tận dụng nguồn đất đai trồng màu cứu đói. Bên cạnh đó Bộ Cứu tế xã hội phối hợp với Bộ Canh nông tổ chức thêm những cơ sở tăng gia tập thể, dùng nguồn đất công cộng còn trống như sân bãi, vỉa hè, bờ đê, vận động các cá nhân sử dụng tạm những mảnh vườn trống để tăng gia sản xuất.

Trên cương vị là người đứng đầu Bộ Cứu tế xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố thực hiện nhiều chuyến “vi hành” đến các địa phương Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định chỉ đạo thành lập Hội Cứu đói. Ban đầu, Hội được thành lập ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Các biện pháp Cụ đưa ra đã khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân ái, đồng cam cộng khổ, đoàn kết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của toàn dân tộc trong hoàn cảnh hiểm nghèo.

Ngoài việc thành lập Hội Cứu đói, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố còn trực tiếp kêu gọi các địa phương hưởng ứng lời kêu gọi tương thân, tương ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện các biện pháp như “Hũ gạo tiết kiệm” và “những ngày đồng tâm nhịn ăn” kêu gọi đồng bào chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ đó nhiều địa chủ nhiệt tình, hăng hái tham gia đóng góp. Có người tự nguyện góp tới 50 tấn thóc. Lại có người góp cả số hoa lợi trên 600 mẫu ruộng của họ. Cả nước sôi nổi hưởng ứng, người người tham gia, không phân biệt giai cấp, đảng phái tôn giáo. Với sự đồng sức đồng lòng của nhân dân khắp cả nước, đến cuối năm 1946 nạn đói đã gần được giải quyết.

Dưới chế độ thực dân, phong kiến, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, hơn 90% dân số nước ta bị mù chữ. Nhận thức vấn đề này, ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Chúng ta phải làm cho dân tộc ta không dốt. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.

Lúc này, Cụ Nguyễn Văn Tố với tư cách là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, đồng thời là một trong những thành viên hoạt động trong Hội truyền bá Quốc ngữ đã hưởng ứng tích cực. Cụ chủ trương kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa cơ quan học vụ của Nhà nước với các đoàn thể cứu quốc để đưa dân trí đến với hàng triệu đồng bào. Bộ Cứu tế xã hội phối hợp với Nha Bình dân học vụ đào tạo cấp tốc những đoàn cán bộ chuyên trách và đưa về các địa phương gây dựng cơ sở.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Cứu tế xã hội và Nha Bình dân học vụ đã tổ chức 3 lớp huấn luyện đào tạo đội ngũ cán bộ bình dân học vụ cho cấp tỉnh, trong đó có 1 số khóa dành đào tạo cán bộ cốt cán là người các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tỷ lệ người không biết chữ giảm xuống, dân trí nước ta được nâng lên rõ rệt. Hàng triệu đồng bào được tham gia học tập. Khắp nơi, từ miền xuôi lên miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng mở lớp và nhân dân nô nức đi học.

Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Ở bất kỳ cương vị nào, Cụ cũng đều trung thành, tận tụy, hết lòng vì dân, vì nước, cống hiến hết tài năng và sức lực của mình. Với tư cách là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Cứu tế xã hội, tuy thời gian không dài, nhưng ông đã có những đóng góp quan trọng vào việc củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng ngày đầu thành lập, đẩy lùi nạn đói lịch sử, cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, gần gũi với những người lao động, Cụ đã nhạy bén, chủ động, sáng tạo đưa ra những quyết sách đúng đắn, cùng Chính phủ lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: Ngày nay, khi Đảng, Nhà nước ta đang lãnh đạo cả nước thực hiện những chủ trương lớn để nâng cao đời sống nhân dân như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”; phong trào xóa đói giảm nghèo “Cả nước chung tay vì người nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”,... trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử đã khác rất nhiều so với thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám, nhưng những bài học kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng nhân dân, tác phong đạo đức làm việc của đội ngũ cán bộ của thời kỳ Bộ Cứu tế xã hội mới ra đời và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố vẫn mang giá trị thực tiễn sâu sắc đến ngày nay.

Nguyễn Văn Tố: Nhà văn hóa lớn của dân tộc

Các tham luận tại hội thảo cũng làm sáng tỏ: Cụ Nguyễn Văn Tố là một học giả nổi tiếng về văn hóa Việt Nam, uyên thâm cả văn hóa phương Đông lẫn văn hóa phương Tây, có thể sử dụng thành thạo đồng thời Quốc ngữ, Hán Nôm và Pháp ngữ. Tài năng xuất sắc của Nguyễn Văn Tố được giới học thuật thời đó xếp là một trong tứ kiệt của đất Hà Thành cùng với Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn. Cụ đã để lại nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học, như: lịch sử, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo, văn hóa dân gian, v.v. Những bài viết của Nguyễn Văn Tố trên Nam Phong Tạp chí, Đông Thanh Tạp chí, Báo Thanh Nghị, đặc biệt là những bài về văn hóa Việt Nam đăng trên Tạp chí Tri Tân do cụ tham gia sáng lập có đóng góp quan trọng đối với việc nghiên cứu và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Cụ Nguyễn Văn Tố có công lao to lớn trong công cuộc tuyên truyền, cổ động và tổ chức học chữ quốc ngữ. Nhận thức sâu sắc về ảnh hưởng của nạn mù chữ đối sự phát triển của dân tộc, Cụ Nguyễn Văn Tố đã tích cực ủng hộ chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, phát động phong trào học chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ trong nhân dân. Cụ là một trong những người hăng hái đứng ra vận động thành lập Hội Truyền bá học chữ quốc ngữ (gọi tắt là Hội Truyền bá quốc ngữ). Dưới sự chỉ đạo của Đảng và với uy tín cao của Nguyễn Văn Tố, chủ trương lập Hội Truyền bá quốc ngữ được giới trí thức hoan nghênh nhiệt liệt. Nhiều nhà trí thức có tên tuổi, như: Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, v.v. đã nhận lời và nhiệt tình tham gia hoạt động của Hội. 

GS.TS Mạch Quang Thắng khẳng định: Nền văn hóa của Nguyễn Văn Tố biểu đạt ở tấm lòng yêu nước nồng nàn và ở tri thức cơ bản trong các lĩnh vực ngôn ngữ học, sử học, văn học…uyên thâm. Vì yêu nước nồng nàn nên Cụ dốc lòng học tập và làm việc cho lĩnh vực chuyên môn tại Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp. Vì có tri thức uyên thâm cho nên Cụ đem những tri thức đó phục vụ đắc lực, hiệu quả cho Tổ quốc. Nhân cách văn hóa Nguyễn Văn Tố bộ lộc rõ nhất khi tham gia các hoạt động yêu nước dựa vào sở trường của bản thân mình. Đó là sự khởi đầu hoat động văn hóa của Cụ vào năm 1938 trong Hội truyền bá Quốc ngữ. Hội góp phần chống lại chính sách ngu dân của chính quyền thực dân. Cái uy của Nguyễn văn Tố được hun đúc từ tấm lòng yêu nước nồng nàn, từ cách làm việc và cách tổ chức khéo léo, nên phong trào truyền bá Quốc ngữ đã lan rộng ra cả nước Việt Nam thời ấy và phát huy hiệu quả. Bằng chứng là ở Bắc Kỳ sau 6 năm hoạt động của Hội đã thành lập được 20 chi nhánh, xóa mù chữ cho hơn 50.000 người lao động. Kết quả quan trọng này phản ánh tư chất năng nổ và tấm lòng cũng như cái trí của người Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ Nguyễn Văn Tố.

 

Lê Phương