Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng Luật thư viện là rất cần thiết trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nhưng để có thể áp dụng vào thực tiễn thì Luật Thư viện cần phải bám sát trực tiếp đến chức năng của thư viện từ trung ương đến địa phương. Theo Hiến pháp năm 2013 quy định, con người có quyền và nghĩa vụ được học tập, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa. Vì vậy, đòi hỏi Luật Thư viện phải tuân thủ, cụ thể hóa các quyền, nghĩa vụ và biện pháp thực hiện. Tuy nhiên, thư viện tại các cấp huyện, xã vẫn còn khá ít, chưa tập trung trong việc phục vụ người dân tại địa phương.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Thoa - nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư Pháp, cho biết: "Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các cơ quan soạn thảo, tuy nhiên chúng ta vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, mà cụ thể là trước đây chúng ta có Pháp lệnh về thư viện và trên cơ sở về Pháp lệnh Thư viện thì hệ thống thư viện của chúng ta đang được tổ chức một cách máy móc và bài bản, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Thế nhưng, cấp tỉnh có vẻ ổn, cấp huyện vẫn còn chưa tập trung, đặc biệt cấp xã thì có vấn đề, bởi vì cấp xã hiện nay chưa đến 30% có thư viện. Tôi băn khoăn nhất là trả lời như thế nào với thư viện cấp xã, trả lời thế nào với một loạt các tủ sách đang tồn tại trên thư viện xã...?"
Vấn đề thành lập thư viện ở các cấp tỉnh, huyện, xã cũng như kinh phí để thành lập cũng được rất nhiều các đại biểu quan tâm. Thành lập thư viện ở các vị trí nào cho phù hợp? Hoạt động theo phương thức ra sao nhằm thu hút bạn đọc đến thư viện đông nhất?... là một trong những điều quan trọng trong tổ chức hoạt động thư viện.
Theo quan điểm của Ông Dương Minh Tuấn - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thư viện nên dừng ở cấp tỉnh, còn các địa bàn khác thì nên phân theo khu vực, vị trí địa lý, chứ không nhất thiết tỉnh nào, huyện nào, xã nào cũng có thư viện.
Ông Lưu Thành Công - Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Vĩnh Long, cho biết thêm: "So với thực tiễn đi nghiên cứu cho thấy về chính sách dành cho thư viện. Trong dự thảo Luật có 4 khoản và 4 khoản này chưa có khoản nào đề cập đến ngân sách của nhà nước dành cho thư viện. Mà hiện nay trong thực tiễn hoạt động thư viện thì kinh phí là một trong những yêu cầu đầu tiên, rất cần để phát triển thư viện, phát triển thêm bạn đọc, phát triển thêm các loại hình để thu hút bạn đọc, nhưng trong dự thảo Luật chưa đề cập đến."
Từ ý kiến đóng góp của các đại biểu, Văn phòng Quốc Hội sẽ tiếp thu, tổng hợp nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kì họp tới./.