Về cơ chế hỗ trợ chung, theo Dự thảo báo cáo nghiên cứu, ở nước ta, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chưa có văn phòng giúp việc riêng, các hoạt động hỗ trợ ĐBQH chủ yếu do bộ máy giúp việc chung của Quốc hội đảm nhiệm, cụ thể có Văn phòng Quốc hội(VPQH) và Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và ĐBQH. Theo cơ cấu tổ chức hiện nay, VPQH được chia thành 5 khối gồm: Khối các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Khối các vụ, đơn vị tương đương cấp vụ trực tiếp giúp việc các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Các vụ, đơn vị tương đương cấp vụ phục vụ chung; Các đơn vị sự nghiệp công lập; Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong những nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, trước yêu cầu đổi mới về phục vụ hoạt động của Quốc hội nói chung, VPQH đã từng bước đổi mới về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, qúa trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng cũng còn một số bất cập. Một trong những bất cập mà các công trình nghiên cứu về tổ chức và hoạt động về cơ quan giúp việc của Quốc hội thường đề cập tới là hỗ trợ của VPQH và Văn phòng Đoàn ĐBQH hiện nay chủ yếu hướng đến các đối tượng là tập thể Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH mà chưa thực sự chú trọng đến cá nhân ĐBQH, kể cả ĐBQH chuyên trách và kiêm nhiệm.
Dự thảo báo cáo nghiên cứu cũng nêu rõ, chức năng, nhiệm vụ của VPQH được xác định là để phục vụ các hoạt động của tập thể Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, bao gồm: UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội. Còn cá nhân đại biểu, ngoại trừ các chức danh có tiêu chuẩn thư ký theo quy định (chỉ có các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội có thư ký giúp việc) thì hoàn toàn chưa được quy định về bộ máy giúp việc. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dân cử, mỗi ĐBQH đều phải tự mình tìm hiểu về các nội dung cần thực hiện (từ quy trình, thủ tục, cơ chế tài chính lẫn các hoạt động thu thập, phân tích thông tin), kể cả ĐBQH chuyên trách ở trung ương và địa phương. Các vụ, đơn vị trong VPQH chủ yếu mới được thiết kế để phục vụ cho các hoạt động chung của tập thể các đại biểu Quốc hội (các cơ quan của Quốc hội hoặc các đoàn đại biểu Quốc hội) mà chưa hướng tới việc hỗ trợ hoạt động của cá nhân ĐBQH (trừ hoạt động cung cấp thông tin). Tương tự, Văn phòng Đoàn ĐBQH chỉ phục vụ các hoạt động chung của Đoàn ĐBQH chứ không phải cá nhân ĐBQH ở địa phương.
Theo Dự thảo báo cáo nghiên cứu, do thiếu biên chế nên ở một số đơn vị có tình trạng một người phải đảm nhiệm nhiều công việc, hoặc một số công chức vừa phải đảm nhiệm công tác chuyên môn vừa phải kiêm nhiệm vụ văn thư, kế toán... Bên cạnh đó, chất lượng cán bộ ở nhiều đơn vị không đồng đều, số lượng cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc còn chiếm một tỷ lệ không nhỏ nhưng chưa được quan tâm, sắp xếp lại cho đúng năng lực, sở trường công tác . Cơ cấu độ tuổi đội ngũ cán bộ, công chức trong một số đơn vị chưa đảm bảo tính kế thừa, số lượng cán bộ trẻ chiếm tỷ lệ cao nên hạn chế về kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu tham mưu cấp chiến lược, dẫn đến cán bộ nhiều nhưng chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế. Chưa có cơ chế khuyến khích các chuyên gia giỏi, những cán bộ có trình độ cao về công tác tại các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội nên số có trình độ chuyên gia chưa nhiều.
Thảo luận tại tọa đàm, nhiều đại biểu tán thành với các nội dung của Dự thảo báo cáo nghiên cứu và cho rằng, khối lượng công việc của cá nhân một ĐBQH là tương đối nhiều, tuy nhiên đội ngũ giúp việc còn rất mỏng. Bên cạnh đó chế độ thuê chuyên gia, thư ký giúp việc còn nhiều vướng mắc.
Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu cho rằng, hiệu quả hoạt động của ĐBQH góp phần quan trọng tạo nên hiệu quả hoạt động của Quốc hội, chính vì vậy, việc tăng cường, nâng cao nhận thức cả ở trong và ngoài Quốc hội về vai trò, địa vị của ĐBQH nói chung và tầm quan trọng, thực trạng của cơ chế trợ giúp cá nhân ĐBQH nói riêng là rất quan trọng và cần triển khai tích cực./.