Tọa đàm Báo chí với hoạt động của Quốc hội

29/09/2016

Sáng 29/9, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Báo chí với hoạt động của Quốc hội”. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đồng chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV; các vị nguyên là đại biểu Quốc hội các khóa; đại diện các bộ, ngành Trung ương; các phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Tọa đàm là diễn đàn để giao lưu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng tiếp xúc với báo chí giữa các đồng chí nguyên là đại biểu Quốc hội các khóa; các vị đại biểu Quốc hội mới trúng cử; các cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Quốc hội và phóng viên chuyên trách đưa tin về hoạt động Quốc hội, qua đó góp phần đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa báo chí với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là các vị đại biểu Quốc hội - những người được cử tri tín nhiệm, gửi gắm niềm tin, nói lên tiếng nói và nguyện vọng của cử tri, nhân dân.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe trình bày các tham luận và chia sẻ kinh nghiệm trong mối quan hệ giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với báo chí; trách nhiệm cung cấp và chia sẻ thông tin; cách thức xây dựng hình ảnh đại biểu Quốc hội qua báo chí; kinh nghiệm trả lời phỏng vấn báo chí của đại biểu Quốc hội; nhu cầu thông tin và cách thức tiếp cận đại biểu Quốc hội của phóng viên nghị trường; kinh nghiệm tác nghiệp của phóng viên tại các kỳ họp Quốc hội.

Vai trò của báo chí đối với hoạt động của Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, trong những năm qua, hoạt động của Quốc hội ngày càng thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước. Vị thế và hình ảnh của Quốc hội ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Thành công này có vai trò rất quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí.Trong suốt chặng đường 71 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, báo chí luôn là người bạn đồng hành, gắn bó, tin cậy của Quốc hội. Đó là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội phản ánh quan điểm, ý kiến của mình về những vấn đề đang được dư luận, cử tri cả nước quan tâm. 

Báo chí là kênh thông tin hai chiều, phản ánh hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tới người dân. Đồng thời, báo chí cũng là một kênh giám sát, phản biện các chính sách; là kênh thông tin phong phú để đại biểu Quốc hộinắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng của cử tri.

Nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến: "Báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của Quốc hội"

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến cũng khẳng định trong hoạt động của đại biểu Quốc hội, báo chí đóng vai trò rất quan trọng, không thể thiếu. Một mặt, báo chí là nguồn cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội về tình hình trong nước và thế giới. Mặt khác, báo chí là phương tiện hữu hiệu để đại biểu Quốc hội bày tỏ chính kiến của mình nhằm tác động đến các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội khác và công chúng. Ngoài ra, báo chí là kênh thông tin để đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri về hoạt động của mình, qua đó xây dựng hình ảnh trước cử tri và công chúng.

Tiếp xúc với báo chí là trách nhiệm của người đại biểu

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương, tiếp xúc và trả lời báo chí vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của ĐBQH. Muốn một Quốc hội minh bạch, Quốc hội vì dân thì phải coi việc tiếp xúc với báo chí là trách nhiệm của ĐBQH. Nếu càng thông tin nhiều trên báo chí thì người dân càng nắm rõ và hiểu hoạt động của Quốc hội. Vì vậy các ĐBQH không nên né tránh mà nên mạnh dạn nói lên quan điểm, ý kiến của mình.

Có cùng quan điểm,Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Lê Việt Trường cho rằng, hoạt động của Quốc hội không nên chỉ gói gọn trong bốn bức tường của hội trường Ba Đình mà phải mở rộng ra với quần chúng. Hoạt động của Quốc hội cần công khai, minh bạch hơn nữa để báo chí và người dân có thể theo dõi, giám sát, và phải làm sao để không còn hàng rào kỹ thuật nào cản trở các phóng viên tác nghiệp tại Quốc hội, vì chỉ khi tạo điều kiện cho báo chí ngồi nghe thì mới bật ra được nhiều vấn đề.Ông cũngchia sẻ các ĐBQH cần triệt tiêu tư tưởng, khuynh hướng “im lặng là vàng” khi đứng trước báo chí. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng e dè, ngại ngùng của các ĐBQH khi tiếp xúc với báo chí thì cũng cần phải xây dựng được lòng tin giữa báo chí và ĐBQH.

Dưới góc nhìn của một phóng viên nhiều kinh nghiệm đưa tin về hoạt động của Quốc hội, phóng viên Lê Kiên của báo Tuổi trẻ kiến nghị cần nâng cao kỹ năng tiếp cận, xử lý thông tin, quan hệ báo chí của ĐBQH vì đây là một trong những yêu cầu không thể thiếu của quá trình chuyên nghiệp hóa Quốc hội; tăng cường vai trò của Tổng thư ký Quốc hội và các cơ quan tham mưu trong hoạt động thông tin báo chí bảo đảm thường xuyên, liên tục và chủ động hơn. Đồng thời nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Quốc hội; nâng cao hiệu quả và tính đại chúng của các đơn vị báo chí thuộc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Báo chí cần tạo dựng lòng tin nơi đại biểu

Trong mối quan hệ giữa báo chí và ĐBQH, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng báo chí cũng cần thành thật trong đánh giá hoạt động của mình, bởi trong quá trình tác nghiệp của báo chí vẫn tồn tại không ít hạn chế gây thiếu lòng tin từ phía các ĐBQH. Thực tế, khi tác nghiệp tại nghị trường, một số phóng viên tập trung quá nhiều vào mạch truyền thông của đơn vị mình, phản ánh các sự vụ đơn lẻ mà chưa gắn với các chương trình hoạt động, nội dung thảo luận của Quốc hội. Nhiều nội dung phản ánh trên báo chí lấy dẫn chứng, đề tài trên mạng xã hội, nặng về cảm xúc mà làm mờ đi tính khách quan, không phản ánh được toàn diện, chính xác vấn đề.

Nêu rõ đời sống báo chí và hoạt động nghị trường có những đặc thù nhất định, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cần có những nguyên tắc nhất định để hai bên cùng duy trì và phát huy mối quan hệ hợp tác, gắn bó, tác động qua lại. Báo chí cần tôn trọng quyền của các đại biểu, tránh biến đại biểu trở thành nạn nhân của chính những phát ngôn của mình do bị phản ánh không đầy đủ, không chính xác để tạo dựng được lòng tin của các ĐBQH.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng: "Báo chí phải có trách nhiệm cung cấp cho nhân dân thông tin rõ ràng, đầy đủ, kịp thời và đủ liều lượng"

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng cũng cho hay truyền thông quan tâm tới ĐBQH theo nghĩa tích cực là chủ yếu. Song khi có sự cố truyền thông xảy ra, điều quan trọng và cần thiết là báo chí phải có trách nhiệm cung cấp cho nhân dân thông tin rõ ràng, đầy đủ, kịp thời và đủ liều lượng, tránh gây hoang mang hay bàn tán ngoài lề không chính xác trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

 

Bảo Yến

(Văn phòng Quốc hội)