Hội thảo mô hình hoạt động của Ban thư ký Quốc hội

31/08/2016

Triển khai kế hoạch hợp tác năm 2016, ngày 31/8, tại Tp. Hải Phòng, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Văn phòng Nghị viện Đan Mạch tổ chức Hội thảo mô hình hoạt động của Ban thư ký Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội và các chuyên gia cấp cao của Văn phòng Nghị viện Đan Mạch.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong thời gian vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội đã thành lập Ban soạn thảo để tiến hành xây dựng Quy chế làm việc của Ban thư ký, quy định về chế độ làm việc, phân công công tác và các quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ của Ban thư ký, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu, phục vụ.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Ban thư ký, học hỏi kinh nghiệm hoạt động của Ban thư ký Quốc hội một số nước trên thế giới, trong khuôn khổ Chương trình quản trị công và cải cách hành chính (GOPA- II) do Đan Mạch tài trợ cho Việt Nam, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động của Ban thư ký Quốc hội. Đây là diễn đàn để các thành viên đã thực hiện nhiệm vụ thư ký phục vụ hoạt động của Quốc hội Việt Nam trao đổi, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tế; từ đó đề xuất những kiến nghị phù hợp với đặc thù trong tổ chức và hoạt động của Ban thư ký phục vụ Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam.

Giới thiệu tổng quan về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, trước năm 2016, hoạt động thư ký Quốc hội nhằm tham mưu, tư vấn, phục vụ Quốc hội trong việc xây dựng nội dung, chương trình, quy trình thủ tục thực hiện các chức năng của Quốc hội; Tổ chức các điều kiện vật chất và dịch vụ bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội. Mô hình tổ chức hoạt động gồm Văn phòng Quốc hội và Đoàn Thư ký kỳ họp do Quốc hội bầu ở mỗi khoá.

Đoàn Thư ký kỳ họp có địa vị pháp lý cao nhưng chỉ thực hiện một số hoạt động thư ký trong kỳ họp, không bao quát hết các hoạt động thư ký Quốc hội; Văn phòng Quốc hội không quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội nhưng thực chất đảm nhiệm phần lớn các hoạt động thư ký Quốc hội. Mô hình tổ chức này không bảo đảm tính liên tục trong phục vụ hoạt động của Quốc hội. Các hoạt động giữa hai kỳ họp toàn thể gồm các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các hội nghị do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập; hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; các hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Sau khi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã phân định rõ chức năng Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và mô hình Ban thư ký Quốc hội. Cụ thể, Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Về Quy trình hoạt động của Ban thư ký Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội và tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khoá XIII Đặng Đình Luyến cho biết, Ban thư ký sẽ tham mưu, giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội về các vấn đề liên quan đến dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong việc xây dựng dự thảo nghị quyết về các nội dung do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; tham mưu cho Tổng thư ký Quốc hội và trực tiếp tổ chức thực hiện các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội; tham mưu, giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong việc tổ chức công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Về thực tiễn hoạt động của Ban thư ký Quốc hội ở các nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh phân tích, bên cạnh những điểm tương đồng với Ban thư ký Quốc hội Việt Nam, Ban thư ký ở các nước có một số điểm khác biệt như: Thứ nhất, theo quan điểm chung, ở Nghị viện các nước, dù là Nghị viện đơn nhất hay Nghị viện lưỡng Viện, đều có một Tổng thư ký của mỗi Viện. Thứ hai, Tổng thư ký ở Quốc hội các nước là viên chức, có thẩm quyền đại diện trong lĩnh vực hành chính cũng như chính trị. Trong hầu hết các mô hình quản lý nghị viện, Tổng thư ký là người đại diện hành chính cao nhất về quyền lực chính trị do các nhà lãnh đạo nghị viện đề ra; theo đó, Tổng thư ký là người thực hiện chức năng thống nhất về cơ cấu công chức của nghị viện.

Thứ ba, về chức năng, nhiệm vụ, Tổng thư ký của nghị viện các nước có chức năng chủ yếu là hành chính- kỹ thuật mà không phải là quan chức chính trị trong khi đó, ở Quốc hội Việt Nam, Tổng thư ký vừa làm nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, quan chức chính trị, vừa làm công tác chuyên môn, quản trị, điều hành mọi công việc của Ban thư ký và Văn phòng Quốc hội.

Thứ tư, các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội Việt Nam thuộc cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội nhưng có 2 loại công việc là vừa giúp việc cho Ban thư ký; vừa giúp việc cho Ủy ban chuyên môn của Quốc hội nên việc phân định rõ ràng trong việc chỉ đạo công tác chuyên môn giữa Ban thư ký với Thường trực Hội đồng và  Ủy ban của Quốc hội là rất cần thiết. Ở Nghị viện các nước, chỉ có Nghị viện Pháp và Uruguay, mỗi Viện có hai Tổng thư ký, một người chịu trách nhiệm cho công tác lập pháp và một người chịu trách nhiệm cho công việc hành chính.

Bên cạnh ý kiến của chuyên gia Việt Nam, Hội thảo cũng được nghe nhiều chia sẻ từ phía các chuyên gia đến từ Văn phòng Nghị viện Đan Mạch. Giới thiệu về Mô hình tổ chức và hoạt động của Ban thư ký Nghị viện Đan Mạch, chuyên gia cấp cao Văn phòng Nghị viện Đan Mạch Ane Elmose cho biết, Văn phòng Nghị viện Đan Mạch thực hiện 3 yếu tố chiến lược là “Tự quản lý- Phương thức tiếp cận toàn diện- Tập trung vào Nghị sĩ”. Đây là những định hướng chính trong công việc của các nhân viên Văn phòng Nghị viện. Văn phòng Nghị viện Đan Mạch được xây dựng trên cơ sở là một cơ quan trung lập, không bị ảnh hưởng bởi các đảng phái chính trị. Do đó, Văn phòng không có các cán bộ, nhân viên là Nghị sĩ. Tất cả các thành viên trong Văn phòng làm việc toàn thời gian. Tổng thư ký Quốc hội là công chức, không phải là Nghị sĩ, có nhiệm vụ phụ trách chung Ban thư ký.

Bộ máy tổ chức Văn phòng Nghị viện Đan Mạch gồm: Tổng thư ký Quốc hội phụ trách Ban thư ký trong đó có 2 Phó Tổng thư ký Quốc hội. Các bộ phận liên quan gồm: Ban thư ký quản lý chung, Văn phòng nhân sự chịu sự quản lý và phục vụ trực tiếp Tổng thư ký; Văn phòng Dịch vụ lập pháp, Ban thư ký Ủy ban, Ban thư ký quốc tế, Thư viện, Văn phòng Hansard chịu sự quản lý của Ban thư ký Nghị viện do một Phó Tổng thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Nghị viện phụ trách. Đơn vị an ninh và dịch vụ, Bộ phận vệ sinh, Bộ phận an ninh, Bộ phận truyền thông, Văn phòng Tài chính, Văn phòng phát triển công nghệ thông tin, Văn phòng hệ thống thông tin, Ban quản lý và xây dựng toà nhà chịu sự quản lý của Khối hành chính và Dịch vụ do một Phó Tổng thư ký phụ trách.

Theo chuyên gia cao cấp Văn phòng Nghị viện Đan Mạch Anton Høj Jacobsen, chức năng của Ban thư ký Nghị viện Đan Mạch trong việc phục vụ nghị sĩ và các Ủy ban của Nghị viện gồm các công việc định kỳ liên quan đến các phiên họp Ủy ban như xây dựng dự thảo chương trình, phát tài liệu, cung cấp thông tin cho Chủ nhiệm Ủy ban…; Phối hợp với cán bộ và bên thứ ba tổ chức các hoạt động điều trần, tham vấn; Hỗ trợ nghị sĩ và các cán bộ giúp việc của họ trong việc soạn thảo các kiến nghị, đề xuất; Tham mưu cho các nghị sĩ về các vấn đề liên quan đến luật/chính sách kinh tế…Đặc biệt là việc hỗ trợ Nghị sĩ hỏi trúng câu hỏi dành cho các thành viên Chính phủ.

Một số dịch vụ khác dành cho Nghị sĩ như: Văn phòng dịch vụ lập pháp có thể hỗ trợ trả lời các câu hỏi liên quan đến luật pháp (chủ yếu do Ủy ban yêu cầu); phối hợp chặt chẽ với thư ký các ủy ban soạn thảo các dự án luật hay sửa đổi các luật. Văn phòng biên bản có thể hỗ trợ truy cập biên bản các phiên họp toàn thể, cung cấp dịch vụ đọc và sửa bản in. Thư viện hỗ trợ truy cập các tài liệu và thông tin liên quan đến các dự án luật và các kiến nghị được thảo luận tại phiên họp toàn thể. Ban thư ký quốc tế phục vụ như Ban thư ký cho một số Ủy ban và tham mưu cho các Ủy ban khác về các vấn đề liên quan đến kinh tế quốc tế.

Tiếp đó, trong phần thảo luận, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi nhiều nội dung nhằm hoàn thiện mô hình hoạt động của Ban thư ký Quốc hội; xem xét, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tổ chức, hoạt động của Ban thư ký một số nước trên thế giới, trong đó có Ban thư ký Nghị viện Đan Mạch.

Về câu hỏi: “Mối quan hệ của Ban thư ký Nghị viện Đan Mạch với các Ủy ban của Nghị viện?”, chuyên gia Ane Elmose cho biết, Ban thư ký là một phần của Văn phòng Nghị viện Đan Mạch. Trong quan hệ công tác giữa Văn phòng Nghị viện với các Uỷ ban của Nghị viện, Ban thư ký Nghị viện có một Ban thư ký Ủy ban nhằm hỗ trợ tất cả toàn thể Ủy ban và từng thành viên của Ủy ban. Các Ủy ban hay các Nghị sĩ được hỗ trợ một cách bình đẳng, công bằng, không phụ thuộc vào vị trí, quyền lực của đại biểu.

Về câu hỏi liên quan đến Ban thư ký quản lý chung, chuyên gia Anton Høj Jacobsen cho biết, đây là Ban thư ký giúp việc trực tiếp cho Tổng thư ký và Chủ tịch Quốc hội. Ban này có thể thực hiện công tác lễ tân hay lên các kế hoạch làm việc của Tổng thư ký, Chủ tịch Quốc hội. Ở Đan Mạch, Ban thư ký quản lý chung có khoảng 10 người với các trình độ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Về thắc mắc của đại biểu trong việc sắp xếp công việc của Ban thư ký Nghị viện Đan Mạch khi số lượng nhân lực không nhiều, chuyên gia Ane Elmose cho biết, các thành viên trong Ban thư ký Nghị viện chủ yếu cung cấp, hướng dẫn để các đại biểu có thể tự tìm được câu trả lời từ các Bộ trưởng có thể thông qua việc tổ chức các cuộc họp, điều trần.... Các thành viên Ban thư ký cũng không đưa ra phân tích, chỉ viết các bản báo cáo tóm tắt, không viết các bản báo cáo lớn. Việc đề ra các chính sách là nhiệm vụ của đại biểu. Ngoài ra, các thành viên Ban thư ký cũng có sự liên kết, phối hợp lẫn nhau hoặc có sự hỗ trợ từ các bộ phận khác của Văn phòng Nghị viện.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã cùng nhau trao đổi, thảo luận một số vấn đề khác như việc tuyển dụng, đào tạo nhân viên Ban thư ký; việc bồi dưỡng đại biểu, luân chuyển cán bộ, phân công nhiệm vụ… trong Ban thư ký của của Văn phòng Nghị viện Đan Mạch; mối quan hệ của Văn phòng Đoàn đối với Ban thư ký hay việc đánh giá mức độ hài lòng đối với các dịch vụ cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự, nhất là những chia sẻ từ các chuyên gia cấp cao Văn phòng Nghị viện Đan Mạch. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị bộ phận giúp việc tổng hợp lại các ý kiến tại Hội thảo, lập thành hồ sơ tài liệu để tiếp tục hoàn thiện cho dự thảo Quy chế làm việc của Ban thư ký, phấn đấu tới Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Ban thư ký Quốc hội sẽ đi vào hoạt động trên cơ sở Quy chế ban hành.

Quang Minh