Các đại biểu dự Hội nghị đã nghe giới thiệu tổng quan kết quả nghiên cứu Đánh giá sự tham gia công chúng vào quy trình lập pháp hiện nay; Quy trình tổ chức hội nghị tham vấn điển hình.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước khác cần phảilấy ý kiến nhân dân nhằm góp phần làm cho các chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Song thực tế cho thấy, việc lấy ý kiến nhân dân đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết có hạn chế nhất định, chủ yếu diễn ra ở giai đoạn soạn thảo mà chưa chú trọng trong các giai đoạn khác như hình thành chính sách, thẩm định, thẩm tra. Các đại biểu dự Hội nghị cho rằng, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện để công chúng tham gia một cách rộng rãi, sâu sắc, thực chất và có hiệu quả vào quy trình lập pháp là cần thiết. Muốn vậy, trước hết, quy định pháp luật đối với hoạt động tham vấn công chúng cần được hoàn thiện hơn nữa theo hướng xác định rõ trách nhiệm tổ chức tham vấn công chúng đối với các cơ quan soạn thảo cũng như quy trình, thủ tục tham vấn đối với từng loại văn bản; xác định rõ nội hàm của công tác tham vấn công chúng trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.