Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe và thảo luận xoay quanh các vấn đề về vị trí, vai trò và thẩm quyền của UBTVQH trong hoạt động giám sát và chất vấn; về cơ sở pháp lý của hoạt động chất vấn tại phiên họp UBTVQH; việc lựa chọn nội dung chất vấn và người trả lời chất vấn; việc ban hành nghị quyết về chất vấn của QH và UBTVQH…
Các đại biểu cho rằng, hoạt động chất vấn tại Phiên họp UBTVQH là rất cần thiết, bởi lẽ chất vấn tại Phiên họp UBTVQH sẽ thực hiện được yêu cầu giám sát thường xuyên, liên tục, đồng thời khắc phục được tình trạng tập trung quá nhiều chất vấn vào kỳ họp QH. Do đó, yêu cầu bức thiết đặt ra trong thời gian tới là cần phải sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ hệ thống các quy định của pháp luật về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp UBTVQH, xây dựng quy trình, thủ tục riêng cho hoạt động này, phù hợp với các quy định chung về hoạt động chất vấn của ĐBQH, phù hợp với vị trí, thẩm quyền của UBTVQH và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn.
Các đại biểu đề nghị, cần có quy định về hoạt động chất vấn trong Luật Hoạt động giám sát của QH; đổi mới thủ tục, trình tự chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng nâng cao chất lượng chất vấn của ĐBQH và trả lời chất vấn của người bị chất vấn, đổi mới phương thức và thời gian thực hiện chất vấn; tăng cường công tác bồi dưỡng kỹ năng chất vấn cho ĐBQH, nâng cao chất lượng ĐBQH; nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động chất vấn…
Những ý kiến trao đổi tại cuộc Tọa đàm đã bước đầu cung cấp tới các đại biểu có cái nhìn rõ ràng hơn về hoạt động chất vấn tại các phiên họp UBTVQH. Trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chế định này trong các văn bản pháp luật liên quan, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình tại QH, các cơ quan của QH.