Hội thảo do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Văn phòng Nghị viện Đan Mạch tổ chức.
Với chủ đề có liên hệ mật thiết đến công tác tuyên truyền, hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các phóng viên chuyên trách đưa tin về hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia phụ trách công tác tuyên truyền của Nghị viện Đan Mạch.
Khai mạc hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đây là diễn đàn quan trọng để các cơ quan báo chí, các đại biểu Quốc hội chia sẻ về mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với báo chí, giữa Văn phòng Quốc hội với báo chí để thống nhất những phương thức quan hệ của báo chí với Quốc hội nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.
Đề cập đến vai trò của truyền thông trong hoạt động của đại biểu Quốc hội, tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng bản chất của các cơ quan Nhà nước đều cần thông tin đến công chúng để truyền tải về hoạt động của mình.
Ông cũng cho rằng nếu có nền tảng quan hệ tốt, một “mối thiện cảm” với báo chí, đại biểu Quốc hội có nhiều cơ hội để xây dựng hình ảnh tốt đẹp với cử tri và công luận.
Đại biểu cũng có thể thông qua báo chí để truyền tải những thông điệp của mình tới các đối tượng mà đại biểu mong muốn. Báo chí cũng là công cụ để giúp đại biểu Quốc hội thực hiện trách nhiệm giải trình; giúp người dân hiểu rõ hơn về hoạt động của người đại diện cho mình.
Chia sẻ kinh nghiệm quan hệ báo chí của Nghị viện Đan Mạch, bà Lis Gronnegaard Ramussen cho biết Văn phòng Quốc hội Đan Mạch tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo giới trong việc tiếp cận các nguồn tin. Ngược lại, báo giới có trách nhiệm truyền tải thông tin một cách trung thực, chính xác.
Cán bộ chuyên trách tại Văn phòng Quốc hội Đan Mạch đều được đào tạo về cách thức cung cấp tư liệu, thông tin cũng như việc đảm bảo thông tin cung cấp được đăng tải một cách khách quan, kịp thời.
Đề cập về sự tương tác giữa báo chí và Quốc hội tại Đan Mạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng đây là mối quan hệ tự thân, tương tác trên cơ sở minh bạch, trung thực, khách quan, tin tưởng lẫn nhau.
Ông Tiến cũng cho rằng giới truyền thông và nghị sỹ Quốc hội luôn có nhu cầu khách quan là hướng tới nhau, các nhà báo có mối quan tâm đặc biệt tới hoạt động của Quốc hội và Quốc hội cũng muốn truyền thông điệp của mình tới công chúng, hai bên hướng về nhau và tiếp sức cho nhau vì lợi ích chung.
Từ kinh nghiệm hoạt động của nhiệm kỳ thứ hai làm đại biểu Quốc hội, ông Tiến nêu quan điểm không nên nói không với báo chí, bởi lẽ nhà báo cần mình có ý nghĩa là công chúng đang cần mình, dư luận xã hội đang cần mình, chỉ có thể hẹn chứ không thể từ chối, nhất là đại biểu của nhân dân.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng báo chí chứa đựng những thông tin rất quan trọng, là nguồn tin của các đại biểu Quốc hội, cung cấp báo cáo của các cơ quan, tổ chức; kết quả khảo sát thực tế; ý kiến người dân... rất phong phú và đa dạng, hỗ trợ cho các đại biểu trong công việc của mình.
Giáo sư Thuyết khẳng định báo chí là phương tiện quan trọng để đại biểu Quốc hội bày tỏ chính kiến nhằm tác động đến cơ quan, tổ chức và công chúng.
Các nhà báo tham dự hội thảo thẳng thắn bày tỏ những quan điểm về những điểm tốt, cũng như những hạn chế trong mối quan hệ giữa báo chí với Quốc hội hiện nay.
Các nhà báo đã đóng góp ý kiến nhằm không ngừng nâng cao hơn nữa hiệu quả của sự phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội với báo chí, góp phần truyền tải một cách tốt nhất thông điệp của Quốc hội tới cử tri./.