ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ TẠI SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

07/08/2024

Ngày 07/8, Đoàn ĐBQH do bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm trưởng đoàn, đã tổ chức Hội nghị giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh” từ ngày 1/1/2022 đến 30/6/2024 tại Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KH-CN).

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ TẠI SỞ GD-ĐT VÀ LĐLD TỈNH

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao đổi tại buổi giám sát Sở KH-CN về việc thực hiện chính sách, pháp luật về KH-CN sáng 7/8.

Nhiều thành tựu

Báo cáo với Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, từ năm 2022 đến tháng 06/2024, Sở KH-CN phối hợp với các viện, trường, sở, ban ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan đã triển khai thực hiện 32 đề tài, dự án về KH-CN với tổng kinh phí gần 49 tỷ đồng.

Các đề tài, dự án phần lớn được triển khai ứng dụng trong thực tế, từng bước giúp bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, nâng cao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đưa ra những giống cây trồng, vật nuôi mới; hỗ trợ DN từng bước đưa KH-CN mới vào sản xuất, tạo sản phẩm cạnh tranh và bảo vệ môi trường; góp phần phát triển cộng đồng dân cư bền vững.

Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là trong thời gian gần đây diễn ra khá sôi nổi và thu hút được đông đảo DN, cộng đồng khởi nghiệp tham gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh hiện nay được đánh giá hoàn thành đạt mức độ 2 “Hệ sinh thái cơ bản”. Tỉnh cũng đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố về Kết quả Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII).

Công nhân Vietsovpetro đang chế tạo trạm sinh hơi cao áp di động (trước phải nhập máy từ Nga), giải pháp đoạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật năm 2022-2023 của tỉnh.

Thực hiện các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ năm 2020 đến nay Sở KH-CN đã xét duyệt hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng cho 26 lượt DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ. Sở KH-CN cũng hỗ trợ kết nối các chính sách cho 300 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập huấn khởi nghiệp cho hơn 10 ngàn lượt cơ quan, tổ chức, DN và cá nhân. Nhiều sân chơi, CLB, vườn ươm, cuộc thi được mở ra hàng năm để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.

Công tác nâng cao hiệu quả quản lý công nghệ trên địa bàn tỉnh cũng được Sở KH-CN tập trung thực hiện. Từ năm 2022 đến nay, Sở đã thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trước khi quyết định chủ trương đầu tư đối với 71 dự án đầu tư vào tỉnh. Các dự án phải đảm bảo đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, máy móc, dây chuyền công nghệ mới 100%, đồng bộ, mức độ tự động hóa cao, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo đảm sản xuất an toàn và hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đào tạo kiến thức về công nghệ in, scan 3D, mô phỏng và giao dịch sản phẩm trên sàn công nghệ Bavutex cho nhân viên ở công ty ThinkSmart (TP. Vũng Tàu).

Còn nhiều bất cập, hạn chế

Mặc dù nhiều chủ trương, chính sách về phát triển KH-CN nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành, nhưng nhiều chính sách còn chồng chéo, thủ tục phức tạp, khó áp dụng và vận hành vào thực tế. Một số vấn đề bức xúc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa được KH-CN tham gia giải quyết kịp thời và hiệu quả; chưa có nhiều dự án KH-CN lớn, có sức ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng đối với địa phương; một số mô hình ứng dụng mới ở mức thử nghiệm, tính nhân rộng chưa cao.

“Nguồn vốn đối ứng cho các đề tài ứng dụng KH-CN tại các HTX, DN còn thấp, chỉ được 30-50% nên chưa thu hút được sự tham gia, tính lan tỏa và phát triển KH-CN trong xã hội còn chưa tốt như mong muốn”, ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN chia sẻ.

Việc huy động nguồn lực xã hội, nhất là từ các DN ngoài nhà nước nhằm khuyến khích đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn hạn chế. Có những đề tài nghiên cứu ứng dụng, dù thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư vì ngân sách nhà nước chỉ chi cho nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, trong khi DN trong tỉnh lại chủ yếu là DN nhỏ và vừa nên chưa đủ năng lực đầu tư.

Nhiều cơ chế, chính sách về KH-CN còn chồng chéo, thủ tục phức tạp, DN khó áp dụng để đẩy mạnh phát triển KH-CN. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử ở Công ty DONGJIN GOLBAL KCN Đất Đỏ.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực KH-CN chất lượng cao còn thiếu, chưa tương xứng, nhất là năng lực nghiên cứu ứng dụng KH-CN, thiếu các chuyên gia giỏi. Trong khi đó, việc thu hút nhân lực KH-CN chất lượng cao còn khó khăn.

Tại buổi giám sát, các đại biểu Đoàn ĐBQH đã trao đổi, góp ý và đặt vấn đề với Sở KH-CN về các nội dung: kết quả hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, việc tập trung nguồn tài chính cho phát triển KH-CN, các vướng mắc về chính sách hỗ trợ phát triển KH-CN, giải pháp phát triển thị trường công nghệ thời gian tới, việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, kết quả hợp tác quốc tế,…

Kết luận buổi giám sát, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đánh giá cao Sở KH-CN trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước phát triển về KH-CN trên địa bàn tỉnh. Thay mặt Đoàn ĐBQH, bà Phúc ghi nhận các khó khăn, hạn chế và kiến nghị của ngành và đề nghị Sở KH-CN rà soát, bổ sung, hoàn thiện lại báo cáo sau những góp ý, trao đổi của các thành viên giám sát. Đoàn ĐBQH sẽ chắt lọc ý kiến chuyển đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.  

(Theo Báo điện tử Bà Rịa - Vũng Tàu)