Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại cuộc làm việc
Về phía tỉnh Sóc Trăng có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Văn Mẫn; đại diện UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan.
Tăng cường cả về số lượng và chất lượng
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng Phạm Minh Mẫn cho biết, hiện tỉnh Sóc Trăng có hơn 1.195 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,44% dân số gồm dân tộc Khmer, dân tộc Hoa và 25 dân tộc khác.
Giai đoạn 2016 - 2023, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đặt ra cho trước mắt và lâu dài. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chủ chốt, sau khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy năng lực, sở trường, củng cố chuyên môn, góp phần quan trọng vào hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ, công vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là tại các địa bàn có nhiều đồng bào người DTTS sinh sống; bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan phát biểu
Từ năm 2016 - 2023, số lượng công chức người DTTS toàn tỉnh được tuyển dụng, tiếp nhận là 55/455 người, chiếm 12,09%. Đến thời điểm 31.12.2023, số lượng cán bộ, công chức là người DTTS từ cấp huyện trở lên là 270/1.738 người, chiếm 15,54%; số lượng cán bộ, công chức là người DTTS cấp xã là 290/2.183 người, chiếm 13,28%, số lượng viên chức là người DTTS của tỉnh là 6.206/20.062 người, chiếm 30,93%. Đến năm 2023, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh Sóc Trăng chiếm 28,2%, tăng 5,5% so với năm 2016.
Năm 2023, tỉnh bắt đầu thực hiện đào tạo sau đại học cho cán bộ, công chức, viên chức người DTTS theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Tỉnh cũng đã cử 62 lượt cán bộ, công chức, viên chức người DTTS dự tuyển sau đại học trên tổng số 106 chỉ tiêu được duyệt; kết quả có 52 người trúng tuyển và được cử đi học, trong đó có 1 trình độ chuyên khoa cấp II, 12 trình độ chuyên khoa cấp I và 39 trình độ thạc sĩ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người DTTS trên địa bàn như: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cơ bản đủ về số lượng nhưng chưa đủ mạnh; năng lực của cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chưa đồng đều, nhiều trường hợp chưa được bố trí đúng chuyên môn, sở trường; công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc còn gặp khó khăn do tỉnh chưa chủ động được nguồn báo cáo viên, chưa có chính sách cử tuyển đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp cho vùng DTTS.
Cần có chính sách đặc thù trong công tác tuyển dụng cán bộ DTTS
Đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đồng bộ, trong đó có chế độ, chính sách đối với người DTTS; tăng cường cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng kịp thời tinh thần sáng tạo, tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS.
Kiến nghị Ủy ban Dân tộc sớm ban hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc dành cán bộ các cấp ở địa bàn đông đồng bào DTTS; xem xét, mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với người có uy tín trong cộng đồng, sư sãi, các hội, đoàn thể xã, phường, thị trấn, ấp, khóm; xem xét, hướng dẫn cụ thể nội dung chi và mức chi đối với việc đào tạo đại học, sau đại học trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Tiểu dự án 2 “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai Siu Hương phát biểu
Đoàn giám sát biểu dương sự chuẩn bị tích cực, chủ động, trách nhiệm của UBND tỉnh Sóc Trăng cũng như các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc. Nội dung báo cáo và các ý kiến trao đổi tập trung, ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, làm rõ thêm về thực trạng triển khai, kết quả đạt được, những vướng mắc và nguyên nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành phát biểu
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá cao 7 nhóm giải pháp được tỉnh Sóc Trăng đưa ra, đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp này, trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS để phục vụ công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nhiệm kỳ tới, đáp ứng chỉ tiêu về số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập tương ứng với tỷ lệ DTTS của tỉnh/huyện/xã.
Cùng với đó, cần tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với thực tế, đặc thù của địa phương nhằm khuyến khích và động viên khích lệ, thu hút được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia công tác, phục vụ lâu dài tại địa phương.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng cũng như các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc và cho biết, đây sẽ là cơ sở quan trọng để Hội đồng Dân tộc nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.