TRIỂN KHAI GÓI TÍN DỤNG 120 NGHÌN TỶ ĐỒNG CHO VAY PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI GẶP KHÓ

30/07/2024

Qua làm việc với các bộ, ngành, địa phương, thành viên Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.

KIẾN NGHỊ CỤ THỂ CÁC GIẢI PHÁP LÀM CƠ SỞ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT SAU GIÁM SÁT VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

Dự kiến, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu vào Báo cáo kết quả giám sát (tháng 8/2024), trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Qua làm việc với các bộ, ngành, địa phương, thành viên Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng 

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết, triển khai Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần công bố lãi suất áp dụng với Chương trình. Hiện tại, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại áp dụng với chủ đầu tư dự án là 7%/năm, với người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là 6,5%/năm; có 34/63 UBND tỉnh công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình với tổng số 75 dự án, các ngân hàng đã giải ngân 1.344 tỷ đồng. “Như vậy, so với cuối năm 2023, dư nợ của Chương trình đến hết tháng 6/2024 đã tăng đáng kể, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và các địa phương trong việc thúc đẩy triển khai Chương trình”, Phó Đống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết.

Tuy vậy, sau 1 năm triển khai, Chương trình gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng mới giải ngân chưa đến 1% nguồn vốn. Theo báo cáo của 42/63 địa phương, trong quý I/2024, cả nước có 13 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, với quy mô trên 16.000 căn. Hiện nay, có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn hơn 30 nghìn tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án, với số tiền khoảng 7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân, với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, chiếm gần 1% nguồn vốn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hải Nam 

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị. các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát cho rằng, tiến độ giải ngân Chương trình chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hải Nam, so với gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ đã được triển khai trước đây (với lãi suất khoảng 4,5%, điều kiện, thủ tục, nguồn vốn vay rất sẵn sàng), thì các chính sách của gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng chưa khả thi; kết quả triển khai trên thực tế cũng cho thấy việc triển khai vẫn chưa đạt được mục tiêu của chính sách đề ra.

Đại biểu cho biết, qua khảo sát trực tiếp cho thấy, chủ đầu tư nhà ở xã hội phản ánh việc tiếp cận nguồn vốn của gói tín dụng này khó khăn, không chỉ là lãi suất cao, mà các thủ tục để được vay vốn cũng khó. Hơn nữa, nguồn vốn cho vay Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư lại do ngân hàng thương mại tự cân đối vốn, cũng là một thách thức lớn cho các ngân hàng.

Cho ý kiến về nội dung này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét bản chất của gói tín dụng này, có phải là từ ngân sách nhà nước không, hay chỉ giao cho các ngân hàng thương mại bố trí vốn và hỗ trợ lãi suất. Ông Nguyễn Đức Kiên đặt vấn đề tại sao không kiến nghị bố trí vốn từ ngân sách và giao cho hệ thống Ngân hàng Nhà nước cho vay và sau một thời gian (5 - 7 năm) theo thời hạn mua bất động sản sẽ trả lại phần vốn này cho nhà nước.

“Nếu chúng ta xác định theo tư duy như thế, cách nhận thức của chúng ta và các hệ thống chính sách của chúng ta mới rõ ràng”, ông Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm.

Đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng vay mua nhà ở xã hội. Thực tế, với thu nhập của công nhân, người lao động thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội sẽ rất khó chi trả lãi vay hàng tháng. Chưa kể các thủ tục, điều kiện vay vẫn còn phức tạp, nhiều thủ tục phê duyệt còn rườm rà, người lao động vừa phải chứng minh thu nhập không đủ trừ thuế thu nhập cá nhân, vừa phải chứng minh đủ điều kiện trả lãi ngân hàng. Đây cũng là một trong những lý do khiến việc giải ngân gói hỗ trợ tín dụng này chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

“Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta dựa trên vốn thương mại để cho vay nhà ở thu nhập thấp khiến tính khả thi không cao. Tôi nghĩ rằng, vẫn phải dành một khoản ngân sách rất lớn xây nhà cho những người thu nhập thấp thuê và khi có đủ điều kiện họ có thể mua lại. Chúng ta phải xác định vai trò của nhà nước trong việc xây nhà để cho thuê, nếu không chúng ta sẽ còn loay hoay trong vấn đề này”, đại biểu Phạm Đức Ấn kiến nghị.

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh cho biết, đối tượng được mua nhà ở xã hội có mức thu nhập chịu thuế không bị giảm trừ là 11 triệu đồng, nhưng với mức thu nhập này, người lao động phải chi phí cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, không đủ tiền mua nhà ở xã hội. Hơn nữa, người lao động còn phải chứng minh với ngân hàng có đủ khả năng trả nợ; thời hạn vay của gói hỗ trợ tín dụng này chỉ kéo dài 3 năm cũng chưa phù hợp với thực tế, khó đảm bảo khả năng trả nợ.

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh

Đại biểu cho biết, qua giám sát, một số doanh nghiệp cũng phản ánh việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn, trong khi đó các ngân hàng thương mại lại phải tự huy động nguồn vốn. Theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, luật đã cho phép Nhà nước có thể dùng nguồn vốn đầu tư công đầu tư xây dựng nhà xã hội để cho thuê và thuê mua. Nhà nước cũng có thể dùng các nguồn từ trái phiếu, từ vay các nguồn ưu đãi, vay từ quỹ phát triển đất và các nguồn quỹ hợp pháp khác với lãi suất thấp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để các đối tượng có đủ điều kiện thuê mua và mua nhà ở xã hội.

“Hiện nay nhà nước hầu như chưa dành nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua. Tôi đề nghị các bộ, ngành cũng như Quốc hội cần nghiên cứu trong thời gian tới khi các luật mới có hiệu lực từ 1/8 chúng ta sẽ tiếp tục chỉ đạo và dành nguồn ngân sách nhà nước, cũng như các nguồn hợp pháp khác vay để xây dựng nhà ở xã hội, mới có thể đạt được chỉ tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội Chính phủ giao”, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần công bố lãi suất áp dụng với Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (Ảnh minh họa)

Giải trình những nội dung thành viên Đoàn giám sát nêu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng khẳng định, gói hỗ trợ thuộc Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư không phải sử dụng ngân sách, mà do các ngân hàng thương mại tự nguyện. Theo đó, không có văn bản pháp lý, mà có sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn cho vay. Sau đó, Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước có nghị quyết, ban hành văn bản hướng dẫn, trình Thủ tướng ban hành Nghị quyết liên quan đến vấn đề này. Mức cho vay sẽ phấn đấu giảm 3% so với mặt bằng lãi suất của 4 ngân hàng thương mại lớn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cũng đồng tình với ý kiến của thành viên Đoàn giám sát cho rằng, những ngân hàng thương mại tham gia Chương trình này không có sự hỗ trợ hay ưu đãi nào (không có nguồn vốn nhà nước, không có hỗ trợ lãi suất). Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng ghi nhận ý kiến của thành viên Đoàn giám sát về việc nên có ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế để ngân hàng thương mại tích cực tham gia vào Chương trình này. Các ý kiến của Đoàn giám sát sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp thu, ghi nhận đầy đủ, trình cấp có thẩm quyền có giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cũng mong muốn, thông qua hoạt động giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ đề xuất những giải pháp thiết thực để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội nói chung, cũng như việc thực hiện chính sách của Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư nói riêng.

Lan Hương

Các bài viết khác