HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ

19/07/2024

Thời gian qua, số lượng đơn thư gửi đến các cơ quan dân cử rất lớn, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ban Dân nguyện chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử. Trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, Ban soạn thảo đã tổ chức các Phiên họp lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, các bộ, cơ quan liên quan nhằm hoàn thiện dự thảo nghị quyết.

PHIÊN HỌP THỨ HAI BAN SOẠN THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ VIỆC TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN THƯ CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ, ĐẠI BIỂU DÂN CỬ

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử kế thừa các nghị quyết: Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 về việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Góp ý hoàn thiện dự thảo, các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các quy định mới nhằm phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn trong hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư của công dân gửi đến cơ quan dân cử; đặc biệt cần cân nhắc các quy định trong dự thảo Nghị quyết tránh trùng lắp với nội dung tại dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đang trong quá trình soạn thảo, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành 

Về thời hạn thông báo các cơ quan dân cử, dự thảo nghị quyết quy định: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận văn bản chuyển đơn của công dân do cơ quan dân cử, đại biểu dân cử chuyển đến, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thông tin về việc tiếp nhận, xử lý và kết quả giải quyết (nếu có) gửi cơ quan dân cử, đại biểu dân cử đã chuyển đơn biết. Cho ý kiến về quy định này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành thống nhất với sự cần thiết bổ sung quy định này trong dự thảo nghị quyết, tuy nhiên đề nghị tăng thời hạn từ 10 ngày lên 15 ngày để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Đối với quy định về công tác giám sát công tác tiếp công dân, giám sát giải quyết khiếu nại tối cáo, đại biểu cho rằng cần tiếp cận nghị quyết này ở góc độ, chỉ quy định tiếp công dân đối với trường hợp người dân trực tiếp đến kiến nghị, phản ánh và giám sát nội dung công dân gửi đến các cơ quan dân cử mà đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xử lý.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành, quy định về phạm vi xử lý đơn của Ban Dân nguyện cũng như các cơ quan của Quốc hội,, đây là nội dung quan trọng nhất đối với nghị quyết này. Bởi thực tế cho thấy, nhiều đơn thư gửi đến Ban Dân nguyện và các cơ quan của Quốc hội có cùng nội dung, có đơn thư gửi đến các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, khi đó tất cả các cơ quan đều phải xử lý và chuyển đến cơ quan có trách nhiệm xử lý chính, điều này phát sinh nhiều quy trình trong tiếp nhận hồ sơ, xem xét và chuyển đơn thư.

Theo đại biểu, việc chia đơn thư khiếu nại lĩnh vực hành chính và đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực tố tụng, trong đó đối đơn thư liên quan đến lĩnh vực hành chính nên tập trung một đầu mối xử lý đơn là Ban Dân nguyện, sau đó căn cứ chức năng, nhiệm vụ chuyển đơn, thư đến cơ quan có trách nhiệm xử lý. Tương tự, đối với đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực tố tụng thì nên giao đầu mối là Ủy ban Tư pháp thực hiện.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh

Khoản 4 Điều 8 về trách nhiệm của Đoàn Đại biểu Quốc hội, dự thảo nghị quyết quy định: Định kỳ hằng tháng, hằng năm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện công tác dân nguyện, trong đó có tình hình, kết quả tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết đơn của công dân gửi đến. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, quy định định kỳ hằng tháng khó khả thi, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định này.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 5 Điều 9: Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổng kết, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết đơn của công dân gửi đến Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đại biểu Ngyễn Tuấn Anh, việc tổng hợp về tình hình, kết quả thực hiện tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết đơn của công dân gửi đến Hội đồng nhân dân cấp xã cũng khó đảm bảo tính khả thi.

Về trách nhiệm của Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân, một số đại biểu cũng đề nghị nên giao việc tiếp nhận đơn thư cho Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thay vì giao cho Ban Pháp phế; Đồng thời, đề nghị cân nhắc giao Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ này, bởi Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân cấp xã hoạt động kiêm nhiệm, không phải hoạt động chuyên trách, do vậy nếu quy định nhiệm vụ cụ thể sẽ khó đáp ứng yêu cầu công việc.

Khoản 3 Điều 14 về địa điểm tiếp công dân của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, dự thảo nghị quyết quy định: Địa điểm tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí tại Trụ sở tiếp công dân cùng cấp hoặc Trụ sở làm việc của Hội đồng nhân dân. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ băn khoăn trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân kiêm nhiệm trung ương sẽ tiếp công dân tại địa điểm nào, do đó đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung này. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng xem xét nghiên cứu bổ sung quy định về địa điểm tiếp công dân của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương.

Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Phạm Thế Sự

Cũng cho ý kiến về địa điểm tiếp công dân này, Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Phạm Thế Sự đề nghị chỉ quy định địa điểm tiếp công dân của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, không quy định tiếp công dân tại Trụ sở của Đoàn đại biểu Quốc hội; tương tự đối với địa điểm tiếp công dân của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng không quy định địa điểm tại Trụ sở Hội đồng nhân dân.

Khoản 3 Điều 5 về yêu cầu xử lý đơn, dự thảo nghị quyết quy định: Khi xét thấy vụ việc chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đúng, chưa phù hợp với quy định của pháp luật thì cơ quan dân cử, đại biểu dân cử có trách nhiệm chuyển đơn đó đến đúng cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết xem xét, rà soát hoặc giải quyết lại vụ việc. Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Phạm Thế Sự cho rằng, nếu thực hiện đúng quy định như dự thảo nghị quyết, hệ thống các cơ quan hành chính các cấp rất mừng, phấn khởi, tránh được tình trạng khiếu nại vượt cấp, khiếu kiện đông người.

Góp ý về khoản 2 Điều 17 về tiếp công dân của cá nhân đại biểu Quốc hội, có ý kiến cho rằng, quy định “cơ quan giúp việc nơi đại biểu Quốc hội sinh hoạt hoặc cơ quan, đơn vị chuyên môn giúp việc nơi đại biểu Quốc hội công tác có trách nhiệm gửi văn bản thông tin về việc tiếp công dân của đại biểu Quốc hội đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được biết và thực hiện các hoạt động khác để đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân của đại biểu” là chưa phù hợp; đề nghị giao Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ này.

Các ý kiến cũng đề nghị cân nhắc quy định về việc tiếp công dân của Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đó, dự thảo luật quy định có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân chưa đảm bảo tính khả thi. Bởi đa số Ủy ban Thường trực Hội đồng nhân dân là lãnh đạo các ban – những người giữ các chức danh này cũng có trách nhiệm tiếp công dân. Hơn nữa, quy định này cũng chưa đồng bộ, tương thích với các quy định về tiếp công dân của lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp.

Phó Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Trần Đình Toàn 

Từ thực tế tiếp công dân tại địa phương, Phó Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Trần Đình Toàn cho biết, hoạt động tiếp công dân được thực hiện đúng quy định, có tinh thần trách nhiệm cao trong việc giải quyết thấu đáo ý kiến, kiến nghị của công dân; tuy nhiên vẫn còn tình trạng công dân gửi đơn thư khiếu nại nhiều lần. Để các quy định tiếp công dân phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới, ông Trần Đình Toàn đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định về hình thức tiếp công dân trực tuyến và các hình thức khác thông qua điện thoại và các mạng xã hội (zalo, viber), đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Ông Trần Đình Toàn cũng đề nghị bổ sung quy định lồng ghép hoạt động tiếp công dân của đại biểu Quốc hội ứng cử ở địa phương với đại biểu Hội đồng nhân dân với hoạt động tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Đồng thời, dự thảo nghị quyết không nên quy định cứng thời gian 01 ngày tiếp công dân để phù hợp với tình hình thực tế tiếp công dân.

Lan Hương

Các bài viết khác