PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ PHỤ TRÁCH LĨNH VỰC VĂN HÓA, GIÁO DỤC VỀ ĐỔI MỚI TỔ CHỨC CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

01/06/2024

Chiều 01/06, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” làm việc với các Bộ phụ trách ngành, lĩnh vực văn hóa, giáo dục và cơ quan có liên quan, gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Đài truyền hình Việt Nam.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH LÀM VIỆC VỚI 3 BỘ VỀ THỰC HIỆN ĐỔI MỚI, CHẤT LƯỢNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Toàn cảnh buổi làm việc

Buổi làm việc nhằm trao đổi, làm rõ các nội dung có liên quan phục vụ chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.

Tham dự và chủ trì buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng đoàn giám sát; thành viên Đoàn giám sát và đại biểu tham gia Đoàn giám sát

Về phía các bộ, ngành có đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đài Truyền hình Việt Nam.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” do Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát từ tháng 8/2023 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết vào tháng 8/2024. Thời gian qua, Đoàn giám sát đã làm việc khẩn trương, xây dựng các đề cương báo cáo, yêu cầu 63 tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, cơ quan liên quan gửi báo cáo. Đoàn giám sát cũng làm việc với 9 tỉnh, thành phố trong cả nước, các địa phương cũng đặt nhiều câu hỏi đối với các bộ, ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Đoàn giám sát phát biểu mở đầu buổi làm việc

Buổi làm việc nhằm làm rõ các nội dung trong báo cáo, bổ sung thông tin cần thiết, qua đó nhận rõ tình hình sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị Quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản pháp luật của Nhà nước trong thời gian qua về ưu điểm, nhược điểm, kết quả, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm…

Làm rõ kết quả đạt được, tồn tại trong đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng Đoàn giám sát đã trình bày dự kiến các nội dung làm việc, trong đó nêu rõ các nội dung chung Đoàn giám sát đặt ra đối với 03 Bộ. Đoàn giám sát đề nghị các Bộ phân tích, làm rõ những phương hướng, giải pháp để việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và thuộc lĩnh vực mình quản lý, trong đó cần phân tích sâu các số liệu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo vì đây là lĩnh vực có số lượng đơn vị sự nghiệp công lập lớn, có đặc điểm riêng (chiếm tỷ lệ 79,4%).

Đề nghị các Bộ đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và thuộc lĩnh vực mình quản lý, làm rõ những nhóm đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp phát huy được hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân; những nhóm đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động; nguyên nhân của những khó khăn này; phân tích, đề xuất những phương hướng, giải pháp về cơ chế, chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực do mình quản lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng Đoàn giám sát

Các Bộ cung cấp thông tin làm rõ trách nhiệm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; ban hành tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; hoàn thành việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.

Về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, Đoàn giám sát và thành viên Đoàn giám sát đề nghị các Bộ cung cấp thông tin về việc tham mưu ban hành, kết quả thực hiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của các Bộ trong thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc gặp phải, giải pháp và kiến nghị cụ thể.

Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Đoàn giám sát, thành viên Đoàn giám sát đề nghị các Bộ cung cấp thêm thông tin, làm rõ về việc thực hiện, áp dụng chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực do các Bộ quản lý. Cung cấp kết quả việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài; các khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Đề nghị các bộ cung cấp thông tin đánh giá chất lượng quản trị tài chính, tài sản công trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW; cho ý kiến về sự cần thiết ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng điều chỉnh về đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập theo Kết luận số 62-KL/TW ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Đại diện lãnh đạo các bộ, đơn vị tại buổi làm việc

Ngoài ra, Đoàn giám sát, thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị cung cấp thông tin, làm rõ các nội dung cụ thể đối với từng Bộ, cơ quan. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ định hướng phát triển các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm; định hướng sắp xếp, tổ chức lại các đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục trong phạm vi cả nước; Việc thực hiện phân luồng trong giáo dục; Kết quả thực hiện định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông; Về phản ánh của một số địa phương đề nghị cấp có thẩm quyền không cắt giảm tỷ lệ 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước…

Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn giám sát, thành viên Đoàn giám sát đề nghị làm rõ nội dung liên quan đến việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật, việc hợp nhất trung tâm văn hóa và đoàn nghệ thuật cấp tỉnh thành một đầu mối; Làm rõ kết quả đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; Chưa có hướng dẫn đầy đủ vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm là thư viện trong trường học…

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đoàn giám sát đề nghị làm rõ kinh nghiệm trong việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả cao (giai đoạn 2015 - 2021đạt mức 42,98%, giai đoạn 2021 - 2023 đạt mức 4,67%); Các khó khăn, kiến nghị giải pháp trong thực hiện tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Định hướng áp dụng mô hình cơ chế tài chính như doanh nghiệp; Giải pháp thúc đẩy thực hiện cơ chế đặt hàng đối với các cơ quan báo chí, truyền thông.

Đối với Đài Truyền hình Việt Nam, Đoàn giám sát và thành viên Đoàn giám sát đề nghị cung cấp thông tin về kết quả thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đài; Đánh giá chất lượng quản trị tài chính, tài sản công trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW; Đánh giá việc thực hiện cơ chế tự chủ, đề xuất kiến nghị trong thời gian tới; đồng thời báo cáo thêm về khó khăn trong áp dụng cơ chế đặt hàng đối với các nhiệm vụ tuyên truyền trong các chương trình, Đề án quốc gia…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, đơn vị liên quan đã giải trình và thông tin về một số vấn đề Đoàn giám sát và thành viên Đoàn giám sát nêu.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được thực hiện cơ bản tốt, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 19-NQ/TW. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số các đơn vị sự nghiệp công lập là 57 (giảm 10 đơn vị so với trước khi sắp xếp, đạt 14,9%; tinh giảm biên chế cũng đạt mục tiêu đề ra; chi thường xuyên giảm trên 20%. Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW thời gian tới sẽ gặp khó khăn do có một số đơn vị đặc thù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị giữ lại, không tiến hành sắp xếp.

Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước thuộc phạm vi quản lý của ngành, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nêu rõ, giai đoạn 2015-2021 tổng số đơn vị sự nghiệp công lập giảm gần 9,88%. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn sắp xếp cơ sở, đội ngũ nhà giáo, tuy nhiên, giai đoạn tới dự báo việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi nếu tiếp tục thực hiện giảm 10% đầu mối, giảm 10% biên chế, giảm 10% ngân sách, trong khi dân số mỗi năm tăng gần 1 triệu, số học sinh tăng 400-500 nghìn. Thứ trưởng cho rằng không thể giảm số trường lớp và giáo viên, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Thành viên Đoàn giám sát tại buổi làm việc

Mặc dù khuyến khích xã hội hóa giáo dục nhưng chỉ có thể thực hiện ở các đô thị, còn ở vùng sâu, vùng xa khó thực hiện, nhất là trong bối cảnh triển khai giáo dục mầm non bắt buộc (phổ cập và miễn phí) và tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc đối với tiểu học và trung học cơ sở… Do vậy, qua tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Bộ Chính trị nghiên cứu để đảm bảo tiếp cận công bằng đối với giáo dục.

Về sắp xếp các cơ sở trường lớp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản hướng dẫn để vừa thực hiện mục tiêu tinh giản bộ máy, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục và đúng với tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cũng thông tin về vấn đề Đoàn giám sát nêu liên quan đến vai trò quản lý của ngành trong việc học phí của các trường đại học, chính sách tín dụng và học bổng dành cho sinh viên; vấn đề quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học sư phạm và cơ sở giáo dục chuyên biệt; về việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; việc sắp xếp các trường cao đẳng sư phạm; hội đồng trường…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông giải trình với Đoàn giám sát về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 hiện đã trình Chính phủ, dự kiến sẽ trình Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới. Đối với việc sắp xếp các chức danh quản lý, vấn đề này đã tiến hành phân cấp, do địa phương quyết định, Bộ chỉ hướng dẫn khi địa phương yêu cầu.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã có hướng dẫn cụ thể về chuyên môn để các tỉnh, thành phố khi tiến hành sáp nhập các trường nghệ thuật, đơn vị nghệ thuật, trong đó nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, những vướng mắc có thể xảy ra sau khi sáp nhập để các địa phương có quyết định tùy vào điều kiện thực tế địa phương.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng báo cáo với Đoàn giám sát về kết quả, những khó khăn trong xử lý đất đai sau sáp nhập, về sáp nhập đoàn nghệ thuật đã gây những lãng phí, về chuyên môn, kinh phí, nhân sự nếu tiến hành sắp xếp cơ học… Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, để thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 19-NQ/TW cần sự đồng lòng, dốc sức của lãnh đạo các địa phương, các cơ quan trung ương quan tâm đến tính đặc thù của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để có giải pháp phù hợp. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp giải quyết vướng mắc về mặt pháp lý để có nguồn nhân lực tốt, sự phát triển đồng đều, phục vụ xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu

Đối với vấn đề Đoàn giám sát quan tâm liên quan đến lĩnh vực thông tin truyền thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết, trong số 2.000 cán bộ viên chức, lao động, trong đó chỉ có 671 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Từ năm 2015 đến nay, Bộ đã tiến hành tinh giảm trên 19% biên chế viên chức.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nêu thực tế, chuyên ngành thông tin truyền thông, đặc biệt là báo chí, xuất bản là lĩnh vực đặc thù, rất khó có căn cứ định lượng để xác định số lượng người làm việc, khó đánh giá chất lượng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị và báo cáo Chính phủ, xin ý kiến Bộ Nội vụ về vấn đề này.

Về nhóm vấn đề liên quan đến quy hoạch báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách, quy hoạch, trong đó có Quy hoạch mạng lưới báo chí toàn quốc. Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, kết quả giảm số lượng lớn cơ quan báo chí do có sự chuẩn bị từ sớm, có sự thống nhất, đồng thuận cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ. Đánh giá sơ bộ sau sắp xếp quy hoạch, cơ quan báo chí đã ổn định về tổ chức và bộ máy, thấy rõ vai trò của cơ quan chủ quản trong triển khai đúng định hướng của cơ quan nhà nước.

Về những khó khăn của cơ quan báo chí do Đoàn giám sát nêu, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, sau đại dịch Covid-19 tất cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nguồn thu từ quảng cáo gần như sụt giảm. Thứ hai, sự phát triển của khoa học công nghệ, các nền tảng xã hội phát triển nên các cơ quan báo chí có sự cạnh tranh.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận định các khó khăn, vướng mắc, chủ động tham mưu trình Chính phủ hỗ trợ cơ quan báo chí nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông, phục vụ nhiệm vụ chính trị; tăng cường truyền thông chính sách; giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện đặt hàng – đây là những biện pháp hỗ trợ trực tiếp nhất cho cơ quan báo chí. Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị Bộ Tài chính đề xuất mức thuế hỗ trợ cho các cơ quan báo chí; đồng thời trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật báo chí.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng giải trình vấn đề Đoàn giám sát quan tâm liên quan đến hoàn thiện hướng dẫn về định mức kinh tế kỹ thuật; cơ chế đặt hàng; giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là lĩnh vực công nghệ số, công nghệ thông tin và điện tử viễn thông…

Nghiên cứu có cơ chế, chính sách đặc thù với các cơ quan báo chí trọng điểm

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc cơ bản đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng, chủ động, nghiêm túc, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và Đài Truyền hình Việt Nam trong tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW, về tham mưu, ban hành và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đổi mới tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc

Về nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từ năm 2018 đến nay, chưa có cơ sở giáo dục đại học nào thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể theo chủ trương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đề xuất, kiến nghị, phương hướng cụ thể trong thời gian tới.

Đối với giáo dục mầm non, phổ thông: Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được thực hiện bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật, bảo đảm linh hoạt nhưng vẫn có tính kế thừa, ổn định lâu dài và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo thuận lợi cho nguời dân cũng như bảo đảm nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, việc quản lý ngành, lĩnh vực gắn với địa giới hành chính còn thiếu tính khoa học, chưa gắn với quy mô phát triển dân số dẫn đến tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; một số địa phương thu gọn các điểm trường, sáp nhập trường một cách cơ học, hiệu quả chưa cao; sau khi sắp xếp, quy hoạch lại các điểm trường, tại một số địa phương chưa tạo thuận lợi cho học sinh đi học...

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương và hợp nhất các đơn vị nghệ thuật vào Trung tâm văn hóa thành một đầu mối đã phát sinh những bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng trong quản lý, các đơn vị khó khăn trong hoạt động. Tuy nhiên, một số đề xuất, kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thể hiện rõ vai trò quản lý ngành, lĩnh vực của mình. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ phải có quan điểm rõ ràng, có đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với vấn đề này.

Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông đã đạt kết quả cao, trong đó, vai trò của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 được thể hiện rất rõ ràng qua kết quả này. Trước những khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, quản lý sử dụng tài sản công, có chính sách đặc thù với các cơ quan báo chí trọng điểm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.

Việc chuyển hầu hết các nhà xuất bản sang đơn vị sự nghiệp có thu chưa thực hiện được do chưa có phương án hữu hiệu, vì vậy Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, phương án phù hợp để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Nhấn mạnh lĩnh vực công nghệ thông tin là lĩnh vực xã hội hóa cao, hoạt động dịch vụ chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện theo cơ chế thị truờng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả đã đạt được trong việc xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công đối với lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực bưu chính, chỉ còn nhóm dịch vụ bưu chính hệ đặc biệt phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước là thuộc danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, các dịch vụ khác đã chuyển sang cơ chế thị trường với nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính; lĩnh vực viễn thông đã thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy đạt hiệu quả cao. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả đã đạt được đối với lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao Đài Truyền hình Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, cung cấp dịch vụ, sản phẩm truyền hình cho người dân với các chương trình có chất lượng cao và mang lại giá trị nhân văn sâu sắc. Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của Đài; trên cơ sở những kết quả đã đạt được, đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm hay để giúp các đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất tương tự hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị, chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần có văn bản riêng về cơ chế tài chính để Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện và các đơn vị khác có thể vận dụng cơ chế này.

Về kiến nghị của các Bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Đoàn giám sát ghi nhận tất cả những kiến nghị của các Bộ để tổng hợp, trao đổi trong các buổi làm việc với các Bộ có liên quan và Chính phủ. Đồng thời, đề nghị bộ phận thường trực của Đoàn Giám sát ghi nhận đầy đủ ý kiến của các Bộ đã nêu tại buổi làm việc có đề xuất, trao đổi với các Bộ có liên quan và Chính phủ tại buổi làm việc tới.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với các Bộ phụ trách ngành, lĩnh vực văn hóa, giáo dục và cơ quan có liên quan, gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Đài truyền hình Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu mở đầu buổi làm việc.

Thành viên Đoàn giám sát tại buổi làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thanh Mai phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa phát biểu

Đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát phát biểu

Các chuyên gia tham gia Đoàn giám sát phát biểu

Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Đỗ Thanh Hải phát biểu

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận buổi làm việc

Lan Hương - Phạm Thắng