NHIỀU ĐỔI MỚI, TẠO ĐỘT PHÁ TRONG HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN

21/12/2023

Chất vấn là một trong những hình thức giám sát quan trọng và trực tiếp của Quốc hội. Trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, cải tiến; đưa lại hiệu quả thiết thực, được cử tri và Nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá cao.

CHẤT VẤN BÁM SÁT CÁC VẤN ĐỀ NÓNG, HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Giám sát là một chức năng cơ bản, quyền đặc biệt của Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Để thực hiện quyền giám sát một cách có hiệu quả, Quốc hội có thể thông qua nhiều phương thức thực hiện khác nhau trong đó có hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội. Với những đặc thù riêng có về phương thức, cách thức tiến hành, chất vấn là một hình thức giám sát có hiệu quả cao, để lại nhiều dấu ấn đậm nét.

Qua các bản Hiến pháp (từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013), hoạt động chất vấn luôn được kế thừa và phát triển với những cải tiến, đổi mới đáng ghi nhận, trong đó phải kể đến việc khẳng định quyền được chất vấn của đại biểu Quốc hội và việc mở rộng từng bước đối tượng trả lời chất vấn qua mỗi bản Hiến pháp.

Nhiều đổi mới, cải tiến

Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động chất vấn đã có nhiều cải tiến, đổi mới mang lại những hiệu quả tích cực. Các phiên chất vấn tiếp tục kế thừa và phát huy cách thức “hỏi nhanh - đáp gọn” của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo đó, mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 01 phút, người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu không quá 03 phút.

Tiếp đó, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, không khí tranh luận trong mỗi phiên chất vấn tiếp tục làm “nóng” nghị trường, thể hiện quyết tâm của đại biểu trong việc làm rõ, sáng tỏ tới cùng vấn đề chất vấn. Từ thực tiễn các phiên chất vấn cho thấy, việc đại biểu Quốc hội tích cực tham gia tranh luận đã tạo bầu không khí sôi nổi, cởi mở, dân chủ; mang lại hiệu quả tích cực, giúp cho quá trình trả lời chất vấn được thực chất hơn, khắc phục được tình trạng "người hỏi thì cụ thể nhưng người trả lời chung chung". Từ đó, thông qua chất vấn đã có sự trao đổi, tranh luận qua lại giữa đại biểu Quốc hội và người bị chất vấn, đi đến cùng, làm rõ vấn đề chất vấn.

Đặc biệt tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo sát thực tiễn với nhiều đổi mới. Các vấn đề chất vấn được lựa chọn đều là những vấn đề “nóng”, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời giải quyết những bất cập mà cử tri và Nhân dân quan tâm; trong đó, chú trọng hoạt động giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành và của Thủ tướng Chính phủ; nhiều vấn đề trong các nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, chất vấn trước tiếp tục được quan tâm lựa chọn, đưa ra chất vấn lại kết quả thực hiện.

Các vị đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Ngoài ra, công tác chuẩn bị, tổ chức, tiến hành chất vấn được chú trọng và thực hiện kỹ lưỡng. Báo cáo tại hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc lựa chọn nhóm vấn đề được thông báo đến đại biểu Quốc hội và các cơ quan được thực hiện sớm, qua đó, các Bộ trưởng, Trưởng ngành cũng sớm gửi báo cáo về nhóm vấn đề chất vấn, các đại biểu Quốc hội có điều kiện nghiên cứu kỹ báo cáo của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, trên cơ sở đó đã tập trung chất vấn để làm rõ các nội dung, trách nhiệm và giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực sự trong các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, để phiên chất vấn và trả lời chất vấn được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đều phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức cuộc họp trù bị để Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội nghe các cơ quan, người trả lời chất vấn báo cáo về công tác chuẩn bị của hoạt động chất vấn, về các kiến nghị, đề xuất nhằm kịp thời chỉ đạo, xử lý các vướng mắc phát sinh. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ, qua theo dõi, giám sát các nội dung thuộc nhóm vấn đề chất vấn, đã cung cấp thông tin phong phú, nhiều chiều để đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Đồng thời, vừa qua hoạt động “giám sát lại” cũng được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cũng lựa chọn chất vấn các nội dung đã giám sát, chất vấn nhưng chưa có sự chuyển biến tích cực, thể hiện việc theo dõi, giám sát đến cùng việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nâng cao trách nhiệm của người bị chất vấn, đặc biệt là người đứng đầu. Qua đó, nhiều vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội tiếp tục được đưa ra phân tích, xem xét thấu đáo dưới nhiều góc độ. Từ việc "giám sát lại", cử tri và Nhân dân cả nước thấy được những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội. 

Ngoài ra, sau mỗi phiên chất vấn, Nghị quyết về hoạt động chất vấn cũng được ban hành với nhiều yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện, các cơ quan Quốc hội theo dõi, giám sát.

Tạo chuyển biến thiết thực

Hoạt động chất vấn của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đạt được những kết quả quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Đánh giá về hoạt động này, TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, hoạt động chất vấn đã có những tác động tích cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước, thúc đẩy việc thực hiện kịp thời các chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội. Qua hoạt động chất vấn, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc thuộc lĩnh vực: giao thông vận tải, ngân hàng, y tế, giáo dục… đã có nhiều chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội đánh giá cao.

TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Trực tiếp tham gia các phiên chất vấn, chứng kiến sự đổi mới không ngừng của hoạt động này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn đã bám sát thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, chú trọng hoạt động giám sát lại, nhiều vấn đề, nội dung trong các nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, chất vấn tiếp tục được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm giám sát, chất vấn đang mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo các nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp 

Theo dõi các phiên chất vấn, cử tri cũng cho rằng, hoạt động chất vấn ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng mong mỏi của người dân. Theo đó, cách thức nêu câu hỏi của đại biểu Quốc hội đã có nhiều đổi mới, với những câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, đúng đối tượng chất vấn, đúng các vấn đề cử tri quan tâm.

Không chỉ vậy, rất nhiều chất vấn của đại biểu gắn liền với những minh chứng rõ ràng, lập luận khoa học, lý lẽ thuyết phục chứng tỏ tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu trước cử tri, trăn trở với từng kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, thông qua chất vấn, tranh luận đã giúp làm rõ trách nhiệm cá nhân, thúc đẩy việc ban hành chính sách, giải pháp phù hợp để giải quyết thoả đáng những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong thực tiễn./.

Lê Anh

Các bài viết khác