BỘ TRƯỞNG NGUYỄN KIM SƠN: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐANG XÂY DỰNG THÔNG TƯ VỀ ĐỊNH GIÁ TỐI ĐA SÁCH GIÁO KHOA

14/08/2023

Chiều 14/8, tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang khẩn trương xây dựng thông thư về định giá tối đa đối với sách giáo khoa để thực hiện khi Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực vào năm 2024.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 14/8: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Phát biểu tại phiên họp, thay mặt cho ngành giáo dục và đào tạo, toàn thể giáo viên, cán bộ và học sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì đã thể hiện sự quan tâm to lớn, kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước đất nước và Nhân dân qua việc tổ chức và triển khai hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc đổi mới giáo dục phổ thông, triển khai thực hiện các Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Chúng tôi chờ đón đợt giám sát này vì chúng tôi hiểu rằng, tự mình truyền thông và giải thích trước xã hội và trước Quốc hội rất nhiều cũng khó bằng sự ghi nhận và lan tỏa một cách khách quan thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội- cơ quan đại diện cao nhất cho toàn thể Nhân dân. Chúng tôi tự tin nói như vậy còn vì ngành giáo dục với hơn một triệu nhà giáo đã làm rất nhiều việc rất thực chất, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” là lần đầu tiên kể từ khi triển khai đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018 có một đoàn giám sát làm việc với quy mô rộng lớn, toàn diện toàn quốc. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, thời gian qua ngành giáo dục đã được ghi nhận với những đánh giá dẫu còn chừng mực, thận trọng của Đoàn giám sát, bởi quá trình đổi mới giáo dục phổ thông đang còn tiếp tục, chưa hoàn tất chu trình và chưa có sản phẩm đầu ra tổng thể và đầy đủ. Tuy nhiên, những ghi nhận của Đoàn giám sát đã khiến toàn ngành được động viên rất nhiều.

Thời gian qua, Đoàn giám sát làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, sâu sát thực tiễn và với tinh thần thấu hiểu và xây dựng. Đoàn đã tiếp xúc nhiều và trực tiếp với các giáo viên, đến với trường học, với những vùng sâu vùng xa, với các cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở… Điều đáng quý nhất là sau đợt giám sát này, nhiều thành viên trong đoàn Giám sát cũng có nhiều điều chỉnh cách nhìn về ngành giáo dục và có sự cảm nhận lạc quan hơn và tươi sáng hơn về trường học và về giáo dục. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là tinh thần lớn của toàn Đảng, toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Đổi mới giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cuộc đổi mới có chiều sâu, toàn diện và triệt để nhất so với các lần đổi mới trước đây đã thực hiện, kể từ giữa thế kỷ 20. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, lần đổi mới này khác về tư tưởng chỉ đạo, về tinh thần và triết lý giáo dục, mục tiêu, phương pháp, cách thức…trong đó lấy phát triển toàn diện con người làm chỉ hướng, trên cơ sở đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, làm khởi đầu để có những thế hệ con người Việt Nam mới biết sống và sống hạnh phúc và cùng nhau truy cầu hạnh phúc cho cả cộng đồng, cho sự phát triển đất nước.

Từ năm 2019 tới năm 2023, ngành giáo dục vừa triển khai ứng phó với đại dịch COVID - 19 vừa tiến hành cải cách giáo dục. Trong mục tiêu kép, nhiệm vụ kép, đạt được những gì như báo cáo của Đoàn giám sát đã ghi nhận là một nỗ lực phi thường của hàng triệu giáo viên và học sinh; là sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, của 63 tỉnh thành trên cả nước; là sự quan tâm của Quốc hội kịp thời quyết định các chính sách cho giáo dục và đào tạo trong suốt thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cảm ơn các nhận xét, góp ý, nêu các vấn đề bất cập còn tồn tại, những điểm cần điều chỉnh, những việc cần làm và làm tốt hơn nữa mà các bộ ngành thuộc Chính phủ, ngành giáo dục và đào tạo,  các địa phương cần phải làm và sẽ nghiên cứu tiếp thu, xử lý và triển khai.

Hiện nay, nhiều điểm lưu ý và yêu cầu đã Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thấy và đang tiến hành điều chỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang triển khai đánh giá giữa kỳ việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, nhưng chủ yếu ở góc độ chuyên môn và góc độ chính sách.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đang điều chỉnh Thông tư 25 về việc chọn sách; đang cải thiện việc kiểm soát quá trình biên soạn, thử nghiệm sách, chất lượng của việc thẩm định sách, việc hướng dẫn giáo viên cũng đã và đang được điều chỉnh dần. Các hoạt động xuất bản và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã và đang được điều chỉnh mạnh trong vài năm trở lại đây, theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sách và tăng các biện pháp hỗ trợ học sinh. Đặc biệt là lưu ý giảm giá thành, giảm tỷ lệ chiết khấu, chi phí phát hành…

Chính phủ cũng đang chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc xuất bản sách giáo khoa dạy tiếng các dân tộc thiểu số, tháo gỡ khó khăn trong xuất bản tài liệu giáo dục địa phương. Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng thông tư thực hiện việc định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện khi Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực năm 2024.

Chính phủ cũng đang giao Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội trong năm 2024 – đây là giải pháp căn cơ để phát triển đội ngũ nhà giáo… 

Lan Hương

Các bài viết khác