PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: THÁO GỠ KỊP THỜI NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH GIÁ ĐIỆN, THỊ TRƯỜNG ĐIỆN VIỆT NAM
Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu: “Đầu tư hiện đại hoá ngành điện từ khâu sản xuất, truyền tải đến phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường điện, có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo”; “Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện…”
Hội thảo Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp.
Trong khuôn khổ hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Đoàn giám sát đã tổ chức các hội thảo, tham vấn ý kiến kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhằm kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập; kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Quan tâm đóng góp ý kiến về việc thực hiện thị trường điện Việt Nam, TS. Thái Doãn Hoàng Cầu, Tư vấn chủ chốt của Công ty tư vấn năng lượng Oakley Greenwood, Chuyên gia kiểm toán độc lập của Cục Điều tiết Điện lực Úc (AER) đánh giá: Việt Nam đã có quyết sách thực hiện cải cách và thị trường hóa ngành điện rất sớm từ năm 1995 và kiên định với định hướng này. Điều này đã được thể hiện trong Luật Điện lực, Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thiết kế và lộ trình thực hiện thị trường điện.
Theo đó, năm 2030, quy mô ngành điện Việt Nam sẽ rất lớn, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Quy hoạch điện VIII dự báo ngành điện sẽ phát triển rất mạnh mẽ với sản lượng điện thương phẩm đạt 505 tỷ kWh điện, tức gấp đôi năm 2022 vào năm 2030 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và gấp năm lần năm 2022 vào năm 2050 cho tăng trưởng GDP 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2031-2050.
Quy hoạch điện VIII tái khẳng định xây dựng thị trường điện, xem đó là nguyên tắc, là cơ chế quản trị giúp xã hội hoá, đảm bảo mục tiêu hiệu quả kinh tế, an ninh năng lượng, hài hoà với các mục tiêu bền vững về môi trường và xã hội.
TS. Thái Doãn Hoàng Cầu khuyến nghị thành lập Ban cố vấn chuyên trách về cải cách ngành điện, năng lượng.
Về việc thực hiện thị trường điện, TS. Thái Doãn Hoàng Cầu cho rằng, đến nay dù thời gian chuẩn bị đã lâu nhưng thị trường bán buôn điện vẫn chưa hoàn chỉnh, thị trường bán lẻ điện vẫn chưa thực hiện thí điểm theo như các thiết kế và lộ trình tương ứng đã được duyệt. Các khó khăn, bất cập vừa qua lẽ ra đã có thể và nên được giải quyết thông qua các cơ chế thị trường.
Trước tình trạng thiếu điện cục bộ trong thời gian qua, ngành điện đã gấp rút, nỗ lực tối đa thực hiện nhiều biện pháp tình thế như huy động tối đa nhiều nguồn điện khả dụng, vận hành tối ưu thuỷ điện nhỏ, nhập khẩu điện, cắt điện luân phiên, và kêu gọi thực hành tiết kiệm điện. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tách Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Chính phủ cũng đã thông tin sớm triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, khởi đầu với Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Để thực hiện hiệu quả lộ trình thị trường điện cạnh tranh, TS. Thái Doãn Hoàng Cầu đã khuyến nghị một số giải pháp cấp bách mang tính trung và dài hạn. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ có thể xem xét thành lập ngay một ban cố vấn chuyên trách về cải cách ngành điện, năng lượng, giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề quan trọng của ngành điện và năng lượng, bao gồm an ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế và bền vững thông qua các cơ chế thị trường. Ban Cố vấn này hoạt động độc lập với các cơ quan hiện đang điều tiết và điều hành ngành điện nhưng sẽ tham vấn và cộng tác chặt chẽ với các cơ quan quản trị chủ quản này.
Cụ thể, Ban Cố vấn tiến hành đánh giá độc lập và toàn diện ngành điện để giúp Chính phủ hoàn thiện các chính sách, cơ chế quản trị nhằm kịp thời xây dựng các thị trường điện hoàn chỉnh theo lộ trình; đồng thời thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ đó. Ban Cố vấn nên đặc biệt chú ý đến các mục tiêu cũng là các thách thức của ngành điện Việt Nam hiện nay và trong tương lai, đó là:
Đảm bảo tính đồng bộ và liên thông giữa các phân ngành của ngành năng lượng. TS Thái Doãn Hoàng Cầu phân tích: Không thể phát triển thị trường điện mà thiếu sự đồng bộ và liên thông với các chính sách giá năng lượng hay phát triển thị trường nhiên liệu (than, khí) dùng cho sản xuất điện cũng như với các chính sách bền vững về môi trường và xã hội khác;
Xem xét thiết kế lại thị trường điện có tính đến mức độ thâm nhập rất lớn của năng lượng tái tạo (NLTT). Bởi theo quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, Việt Nam sẽ hướng tới đạt tỉ lệ NLTT 31-39% vào năm 2030 và định hướng tỷ lệ này đạt 68-72% vào năm 2050.
TS. Thái Doãn Hoàng Cầu cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, các nước có mức độ thâm nhập NLTT cao đều gặp phải nhiều thách thức về suy giảm độ tin cậy hệ thống điện và họ đã phải xem xét thiết kế lại thị trường điện cho phù hợp. Trong việc xem xét thiết kế lại nhiều hạng mục của thị trường bán buôn, ngành điện Việt Nam nên xem xét và lựa chọn một cơ chế thị trường công suất phù hợp để có thể thay thế cơ chế Quy hoạch điện tập trung hiện hành, nhằm đảm bảo độ tin cậy dài hạn, đủ công suất và năng lượng cho nhiều năm tới trong tương lai.
Về bản chất, thị trường công suất giống các Quy hoạch điện trong việc xác định thiếu hụt công suất nguồn lưới cho tương lai, nhưng sẽ được tiến hành với chu kỳ ngắn hơn như hàng năm, hoặc mỗi hai năm thay vì 5 năm như các Quy hoạch điện hiện nay. Với chu kỳ ngắn hơn, thị trường công suất giúp hệ thống điện sớm có đủ công suất linh hoạt cần thiết từ các nguồn có thể điều khiển được như thủy điện, nhà máy điện khí, thiết bị lưu trữ năng lượng, đáp ứng nhanh phía nhu cầu nhằm tích hợp và bình ổn NLTT vào hệ thống điện.
Đảm bảo tính tuần tự và tương thích giữa các hạng mục cải cách. TS. Thái Doãn Hoàng Cầu cho rằng, thiết kế thị trường bán buôn điện Việt Nam hoàn chỉnh cần phải được thực hiện thật tốt trước khi tiến hành thị trường bán lẻ điện chính thức. Một số công việc tái cơ cấu phải được tiến hành trước khi giới thiệu cơ chế thị trường cạnh tranh. Chẳng hạn như việc tách trung tâm điều độ quốc gia khỏi EVN, cổ phần hoá các Tổng Công ty Phát điện, chia tách và cổ phần hoá các Tổng Công ty Điện lực (Phân phối và Bán lẻ) cần được hoàn tất sớm trước khi giới thiệu các thị trường điện tương ứng.
Đảm bảo tính độc lập của các cơ quan chức năng trong cơ cấu quản trị ngành điện. Theo TS Thái Doãn Hoàng Cầu, Ban Cố vấn nên giúp Chính phủ rà soát để có giải pháp đồng bộ cho toàn bộ cơ cấu quản trị thị trường điện bao gồm các chức năng xây dựng luật, ra chính sách, thiết kế thị trường các cấp, quản lý và lập quy định thị trường, điều tiết thị trường, vận hành thị trường, các hội đồng và ủy ban chuyên môn, cố vấn khác. Ban Cố vấn cũng có thể giúp Chính phủ xem xét phân bổ các nguồn lực cần thiết như thẩm quyền, tài chính, chính sách đãi ngộ về nguồn nhân lực cho các cơ quan quản trị để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như các mục tiêu quan trọng khác của ngành điện.
Giảm thiểu việc Chính phủ phải can thiệp vào thị trường điện làm đình chỉ hay trì hoãn tiến trình cải cách và xây dựng thị trường điện. Thúc đẩy việc xây dựng chính sách, giải pháp, nguồn lực cụ thể về phát triển năng lực thực hiện thị trường điện. TS. Thái Doãn Hoàng Cầu nhấn mạnh, để thực hiện cải cách thành công, cần nhiều giải pháp phù hợp và đồng bộ về pháp luật, chính sách, tài chính, khoa học - công nghệ, tổ chức và nhân lực… để san bằng khoảng trống giữa tầm nhìn và thực trạng.
“Tôi cho rằng giải pháp phát triển năng lực thực hiện, trong đó phát triển nguồn nhân lực là cốt lõi. Đây cũng là một thử thách lớn của ngành điện và là lý do mọi quyết định chiến lược xây dựng thị trường bán buôn, bán lẻ điện, các Quy hoạch điện của ngành điện Việt Nam đều yêu cầu các đơn vị tham gia các thị trường điện, quy hoạch điện phải có đội ngũ cán bộ, công nhân viên được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của các nhiệm vụ tương ứng”, TS Thái Doãn Hoàng Cầu khẳng định.
Ban Cố vấn nên giúp Chính phủ thúc đẩy việc xây dựng chính sách, giải pháp, nguồn lực hỗ trợ cụ thể bao gồm chính sách đãi ngộ để phát triển đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên, chuyên gia am hiểu nhiều lĩnh vực của thị trường điện. Mục tiêu đào tạo, phát triển nhân lực không những ở mức đủ để làm việc mà còn nên ở mức chuyên gia cho các vị trí quan trọng hay chủ chốt để có thể vận dụng được cho nhiều tình huống thay đổi tiếp theo, ví dụ như sự phát triển bùng nổ của các nguồn năng lượng tái tạo và các công nghệ tích hợp chúng vào hệ thống điện. Mục tiêu đào tạo cũng nên tạo ra những con người có tư duy phản biện, sáng tạo, biết đề ra những việc đúng để làm hơn là chấp nhận những gì sẵn có, hoặc chỉ biết làm đúng theo những gì được quy định, chỉ định đã không còn phù hợp.