NHIỀU CÔ ĐỠ THÔN, BẢN BỎ VIỆC VÌ KHÔNG CÓ PHỤ CẤP

28/03/2023

Qua giám sát tại cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” đề nghị Bộ Y tế làm rõ việc thực hiện chính sách cho nhân viên y tế thôn bản, đặc biệt là đội ngũ cô đỡ thôn bản đang chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG: RÀ SOÁT TOÀN DIỆN, KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

PHẦN MỀM QUẢN LÝ, THEO DÕI SỨC KHỎE: KHÔNG CÓ SỰ LIÊN THÔNG, KẾT NỐI, CHIA SẺ THÔNG TIN

Sau 30 năm hình thành và phát triển, đội ngũ cô đỡ thôn bản đã đóng góp quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều cô đỡ thôn bản chưa được nhận chế độ phụ cấp do vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 1/3 cô đỡ thôn bản chưa được hưởng chế độ phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản.

Báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, tính đến năm 2020, 71% thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoạt động, trong đó 28% nhân viên y tế thôn, bản đang hoạt động chưa được đào tạo; cao nhất ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ (57%) và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (38%).

Ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có mạng lưới cô đỡ thôn bản. Số cô đỡ thôn, bản được đào tạo 6 tháng trở lên là gần 3.000 người tuy nhiên chỉ có gần 65% cô đỡ thôn bản đang hoạt động. Trong số đó khoảng 1/3 cô đỡ thôn bản chưa được hưởng chế độ phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế trong mô hình y tế ở cơ sở. Cụ thể, Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg không áp dụng cho nhân viên y tế tổ dân phố thuộc phường/thị trấn nên nhiều trạm y tế phường/thị trấn không có nhân viên y tế thôn, tổ hoạt động. Nghị định số 34/2019/NĐ-CP qui định người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 03 chức danh (Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận) không được hưởng phụ cấp hàng tháng, mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có) nên nhiều nhân viên y tế thôn, bản bỏ việc ảnh hưởng tới hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân trong cộng đồng.Theo quy định, cô đỡ thôn bản nếu không được hưởng lương theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg được hỗ trợ từ kinh phí địa phương, tuy nhiên đa số các tỉnh chưa thực hiện chi trả phụ cấp cho đối tượng này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương.

Báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thời gian qua đội ngũ cô đỡ thôn bản được tổ chức bài bản, hoạt động rất hiệu quả và là lực lượng cần thiết ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù, Trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã đã được triển khai theo địa bàn hành chính nhưng đối với những vùng đồng bào thiểu số, đồng bào dân tộc, việc động viên, khuyến khích bà con đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế, tại trạm y tế rất khó khăn, do bị chi phối bởi phong tục tập quán, văn hóa.

Đặc biệt, với những phụ nữ sinh đẻ tại nhà, nhân viên y tế nhất là nam giới không tiếp cận được. Khi đó, chỉ có đội ngũ cô đỡ thôn bản là người địa phương, biết tiếng dân tộc, hiểu được phong tục, tập quán và làm công tác vận động, gần gũi với bà con mới có thể tiếp cận để chăm sóc cho những phụ nữ trong quá trình mang thai, sinh đẻ, cũng như chăm sóc trẻ em sơ sinh.

Chính vì vậy, trong 30 năm qua qua đã có khoảng 3.000 cô đỡ thôn bản được đào tạo 6 tháng về kiến thức, kỹ năm chăm sóc cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này do rất nhiều các quy định chính sách và đặc biệt là chế độ phụ cấp thay đổi nên hiện nay chỉ còn 1.549 cô đỡ còn đang hoạt động và 1.528 cô tuổi cao, không có phụ cấp và cũng không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Trong số 1.549 người đang hoạt động, chỉ có 911 người đang thực hiện kiêm nhiệm nhiệm vụ y tế thôn bản và được hưởng phụ cấp đối với vùng 2 là 0,3 lần lương tối thiểu và vùng 3 là 0,5 lần lương tối thiểu. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chế độ phụ cấp cho đội ngũ cô đỡ thôn bản liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP qui định về người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 03 chức danh (Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận) không được hưởng phụ cấp hàng tháng nhưng hiện nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện chính sách này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để khắc phục tình trạng cô đỡ thôn bản không có chế độ phụ cấp, tại 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành chế độ phụ cấp là 0,5% lương tối thiểu đối với đối tượng này. Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc thực hiện vẫn phụ thuộc vào ý muốn của địa phương trong quá trình triển khai các quy định của Nhà nước. Chính vì vậy, Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị vận động chính sách cho đối tượng cô đỡ thôn bản để tìm giải pháp cho vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có Tờ trình số 1153/TTr-BYT ngày 05/8/2021 và Tờ trình số 2072/TTr-BYT ngày 15/12/2021 về giải pháp thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết để đáp ứng việc duy trì đội ngũ nhân viên y tế thôn bản.

Lan Hương