ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND HUYỆN LỘC NINH, BÌNH PHƯỚC

20/03/2023

Chiều 20/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã làm việc với UBND huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI TỈNH BÌNH PHƯỚC

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại buổi làm việc

Lộc Ninh là huyện miền núi biên giới phía Tây Bắc của tỉnh Bình Phước, có đường biên giới dài hơn 100km với Campuchia với dân số khoảng 117 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc chiếm khoảng 18% dân số toàn huyện.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Nguyễn Thanh Phi cho biết, toàn huyện có 634 lớp học các cấp với 19.557 học sinh. Cơ sở vật chất trường, lớp học cùng đội ngũ cán bộ quán lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy, học, trong đó có việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được huyện triển khai đúng lộ trình quy định theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Phước, cụ thể từ năm học 2020-2021, thực hiện đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022, thực hiện đối với lớp 2, lớp 6 và từ năm học 2022-2023 đang thực hiện đối với lớp 3, lớp 7.

Trong quá trình thực hiện Chương trình và sách giáo khoa mới, huyện Lộc Ninh gặp một số khó khăn như: cơ sở vật chất một số trường trên địa bàn còn thiếu, xuống cấp, thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng, nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhiều nhưng thiếu kinh phí; bên cạnh đó 2 năm học vừa qua còn bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19 nên ảnh hưởng khá nhiều đến việc dạy, học.

Ở cấp tiểu học còn thiếu giáo viên dạy môn tiếng Anh, Tin học khi chuyển từ môn tự chọn sang môn học bắt buộc. Ở cấp THCS, một số môn học còn khó khăn khi bố trí giáo viên giảng dạy do giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng để một giáo viên có thể dạy được môn tích hợp (môn Khoa học tự nhiên). Một số môn học mới (hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương) các trường chưa có kinh nghiệm phân công giáo viên giảng dạy phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ít quan tâm đến việc học tập của các em, bản thân các em lại chưa tự giác học tập nên chất lượng học theo Chương trình mới chưa đạt.

UBND huyện Lộc Ninh đánh giá, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có tính khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương, điều kiện cụ thể của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện. Các khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình có thể từng bước khắc phục, giải quyết.

UBND huyện kiến nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giao tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo và thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc; đồng thời hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng biên giới, dân tộc thiểu số.

Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Ngành giáo dục cần sớm tổ chức tập huấn cho giáo viên các môn có nhiều phân môn để thuận tiện trong việc phân công giảng dạy như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên; kip thời cung ứng thiết bị dạy học của các lớp thay sách; biên soạn thẩm định tài liệu giáo dục địa phương kịp thời hơn.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của huyện Lộc Ninh trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, là vùng đồng bào dân tộc, người dân còn nhiều khó khăn, nhưng ngành giáo dục của huyện đã hết sức cố gắng vượt qua và bước đầu thực hiện thành công.

Chia sẻ với những khó khăn mà đội ngũ giáo viên đang gặp phải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị huyện Lộc Ninh cần bảo đảm thực hiện tốt nhất chương trình mới trong phạm vi, khả năng của địa phương. Thời gian tới, việc triển khai chương trình mới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, huyện cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, rà soát kỹ các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Trong quá trình triển khai nếu có bất cập phải kiến nghị lên cấp trên để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Các kiến nghị, chia sẻ, nguyện vọng của huyện và các thầy, cô giáo sẽ được Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)