ĐBQH LÂM VĂN ĐOAN: VIỆC TUÂN THỦ PHÁP LUẬT VÀ HIỆU QUẢ TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VẪN CÒN HẠN CHẾ

04/05/2022

Quan tâm đến nội dung chuyên đề giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2017”, đại biểu Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chỉ ra rằng, việc tuân thủ pháp luật và hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những hạn chế.

 

Đại biểu Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Căn cứ Báo cáo của các Bộ, ngành, đại biểu Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chỉ ra rằng, các cơ quan đã cơ bản thực hiện theo Kế hoạch số 76/KH-ĐGS ngày 24/10/2021 và xây dựng báo cáo, Phụ lục số liệu theo Đề cương của Đoàn giám sát. Theo đó:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời kỳ báo cáo đã tiếp hơn 14.300 lượt công dân. Nội dung đơn thư khiếu nại (bao gồm cả từ qua tiếp công dân và gửi đơn khiếu nại đến Bộ) chủ yếu về lĩnh vực người có công với cách mạng, chiếm tỷ lệ 70,6%; lĩnh vực bảo hiểm xã hội chiếm tỷ lệ 17,5%; lĩnh vực khác chiếm tỷ lệ 11,9%. Về tố cáo, tập trung chủ yếu về việc một số địa phương xét công nhận người có công với cách mạng chưa công bằng; tố cáo một số trường hợp hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ không đúng quy định; tố cáo một số cá nhân làm hồ sơ giả để cho một số đối tượng hưởng chế độ. Về khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, theo báo cáo của Bộ, các đơn thư cơ bản đã được giải quyết, không tồn đọng. Đáng chú ý là có những đơn thư liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, do vậy, ngành lao động cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời để bảo vệ người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ cũng đã có thống kê việc ban hành các văn bản Quy phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo yêu cầu của Phụ lục 1: ban hành 03 Thông tư về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực phụ trách; hằng năm đều có ban hành văn bản về Lịch tiếp công dân, Kế hoạch thanh tra....

Bộ Y tế trong thời kỳ báo cáo đã tiếp hơn 1.200 lượt công dân. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ chưa bám sát đầy đủ các nội dung yêu cầu theo Đề cương giám sát. Chưa cụ thể số liệu thống kê số ngày tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng và cấp phó tiếp theo ủy quyền theo yêu cầu tại Phụ lục 3 của Đề cương giám sát. Chưa có số liệu thống kê về số lượng văn bản đã ban hành và trực tiếp (không xử lý bằng văn bản). Qua báo cáo có thể thấy rằng, số liệu thống kê và kết quả tiếp công dân của Bộ Y tế cần được quan tâm, rà soát về quy trình, nội dung, nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trong bối cảnh, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là cán bộ quản lý, lãnh đạo của Bộ Y tế trong thời gian gần đây. Bộ Y tế chưa thực hiện phân loại đơn thư theo lĩnh vực quản lý nhà nước đã được phân công phụ trách, theo điều kiện xử lý đơn thư, kết quả giải quyết theo yêu cầu của Phụ lục 4 Đề cương giám sát.

Đối với các Báo cáo của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương về lĩnh vực Ủy ban Xã hội phụ trách, qua rà soát cho thấy, báo cáo của Bộ Nội vụ và một số địa phương cơ bản cũng đã gắn với Đề cương nhưng còn thiếu các số liệu theo yêu cầu của Đề cương giám sát.

Qua nghiên cứu các báo cáo, đại biểu Lâm Văn Đoan đánh giá, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quan tâm, cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu của Đảng, tuân thủ quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại (2011), Luật Tố cáo (2018) ...; các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài đã được quan tâm, tăng cường chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các quy định của Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Luật (Nghị định 31/2019/NĐ-CP, Nghị định 124/2020/NĐ-CP...); một số cơ quan, đơn vị chưa ban hành hoặc chưa rà soát, sửa đổi bổ sung Quy chế tiếp công dân, hướng dẫn giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, đơn vị theo tinh thần các văn bản mới của Đảng, Nhà nước, do vậy, việc tuân thủ pháp luật và hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có hạn chế.

Chỉ ra những nguyên nhân của tồn tại trên, đại biểu Lâm Văn Đoan cho rằng, nguyên nhân chủ quan là sự chưa chủ động, tích cực, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế để kịp thời trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách, pháp luật có liên quan để hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh trong nền kinh tế thị trường (các bất cập trong lĩnh vực khiếu nại thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mô hình chợ, các dự án giao thông, quy hoạch, xây dựng khu đô thị; cán bộ vi phạm trong thực hiện chính sách đất đai, nhà cửa, chế độ cho người lao động, người có công... đã được chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục). Đồng thời, một số quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có một số bất cập cần được rà soát sửa đổi, bổ sung thì qua thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tiếp công dân của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu còn chưa nghiêm, bên cạnh việc bận công tác, còn có cả nguyên nhân từ việc chưa chấp hành nghiêm theo quy định pháp luật, còn tình trạng né tránh, ngại va chạm, chưa quan tâm đến công tác tiếp công dân.

Trên cơ sở nêu rõ một số vướng mắc, hạn chế, đại biểu đề nghị cần gắn kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, khắc phục các tồn tại, hạn chế từ sự bất cập của chính sách, pháp luật dẫn tới khiếu nại, tố cáo của người dân. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với lĩnh vực được giao phụ trách để nâng cao hiệu quả thực hiện và xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiến hành kiểm tra, thanh tra rà soát chuyên đề 02 lĩnh vực: các vụ việc tồn đọng, các vấn đề người dân khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực người có công; các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bộ Y tế cần rà soát toàn diện quy trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của lãnh đạo Bộ, các đơn vị, nhất là thanh tra Bộ để nâng cao hiệu quả công tác này. Các cơ quan, tổ chức khẩn trương bổ sung, giải trình báo cáo như đúng theo Đề cương, Phụ lục mà Đoàn giám sát đưa ra./.

Hồ Hương