Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ
Tham dự cuộc làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải – Trưởng đoàn công tác số 03 của Đoàn giám sát; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Trưởng đoàn công tác số 02 của Đoàn giám sát; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cùng các thành viên Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành cơ quan, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trước đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đã tổ chức 3 đoàn công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại 10 bộ ngành, 10 tập đoàn kinh tế lớn và 8 địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát lớn, được cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Qua hoạt động giám sát giúp Quốc hội xem xét lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2016; đồng thời đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và trách nhiệm của cá nhân, đơn vị trong quá trình triển khai chính sách, pháp luật về vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu khai mạc buổi làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 sẽ được Đoàn giám sát báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, khai mạc vào tháng 5 sắp tới. Trong tháng 4 năm 2018, Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo
về việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.
Đại diện Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với Đoàn giám sát
Các đoàn công tác của Quốc hội cũng báo cáo sơ bộ về kết quả giám sát với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao công tác chỉ đạo của Chính phủ trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời trong giai đoạn 2011-2016 đã khắc phục những bất cập của giai đoạn trước; đồng thời ghi nhận những kết quả của bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp nhà nước đã đạt được, nhất là việc xác định cổ đông chiến lược cho doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hoá thành công nhiều doanh nghiệp Nhà nước, từng bước khắc phục các lỗ hổng trong xác định giá trị doanh nghiệp,...
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo kết quả giám sát của các Đoàn công tác cũng nêu lên nhiều điểm còn tồn tại như tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và nợ quá hạn của doanh nghiệp Nhà nước còn cao; nhiều khoản đầu tư chưa mang lại hiệu quả; việc kiểm soát nội bộ còn yếu và kiểm soát từ bên ngoài chưa theo kịp yêu cầu; số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá cao nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước bán ra lại thấp.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và đặt nhiều câu hỏi đối với Chính phủ về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn vừa qua; đề nghị Chính phủ xem xét, đánh giá những khoảng trống, điểm bất hợp lý trong hệ thống pháp luật từ luật, nghị định đến thông tư.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy
đề nghị Chính phủ làm rõ một số nội dung trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
Khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế nhưng các thành viên đoàn giám sát cũng nhận định sự phát triển của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay vẫn chưa tương xứng với nguồn lực sẵn có. Các đại biểu đề nghị Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, từ đó đề xuất giải pháp sửa đổi, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đưa doanh nghiệp Nhà nước trở thành 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế./.