Báo cáo của các đơn vị cho thấy, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính tại huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa và Thành phố Thanh Hóa đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, tổ chức bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được phân định rõ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện cơ bản rõ ràng, không có tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Số biên chế thực hiện đều bằng và thấp hơn so với biên chế được giao. Số lượng lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện bảo đảm đúng quy định, không có số lượng cấp phó thừa so với quy định. Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện bảo đảm nguyên tắc, đúng thẩm quyền, việc đánh giá căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai cải cách tổ chức bộ máy cũng bộc lộ một số hạn chế: việc quản lý, sử dụng chỉ tiêu biên chế công chức được giao vẫn còn khó khăn, hạn chế, biên chế công chức được giao còn thấp so với chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc được giao. Một số tổ chức được thành lập mới, một số đơn vị được giao thêm nhiệm vụ, nhưng lại không được bổ sung biên chế, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc cấp trên giao…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, các địa phương đề nghị: Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chức danh công chức theo vị trí công tác để làm cơ sở cho việc xác định cụ thể biên chế công chức đối với cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện. Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét tính chất đặc thù của từng địa phương để quy định số lượng cấp phó của các cơ quan chuyên môn cấp huyện, thị, thành phố cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao…
Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Đoàn giám sát Trần Văn Túy phát biểu tại buổi làm việc
Đoàn giám sát của Quốc hội yêu cầu các địa phương cần làm rõ, trong quá trình thực hiện cải cách tổ chức bộ máy nhà nước trên địa bàn thì vấn đề phân cấp, phân quyền có vướng mắc gì không? Từ thực tế cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy của địa phương, Bộ Nội vụ và cơ quan Trung ương có nên quy định “cứng” số phòng, ban chuyên môn cấp huyện hay không? Với tinh giản biên chế, hiện nay, chủ trương là tăng cường xã hội hóa để giảm áp lực ngân sách và áp lực biên chế. Vậy, mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn như thế nào? Trong quá trình thực hiện xã hội hóa thì có gặp khó khăn gì?
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Trần Văn Túy đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính của 3 địa phương. Nổi bật là số lượng các phòng, ban chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện đúng quy định, số lượng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cơ bản ổn định. Cơ cấu tổ chức bộ máy không có tình trạng chồng chéo, trồng lắp về chức năng nhiệm vụ. Việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm, thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ được quan tâm và có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, qua triển khai cũng còn hạn chế là đối tượng tinh giản mới chỉ là những người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác hoặc thôi việc…
Để nâng cao hiệu quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Đoàn giám sát đề nghị các địa phương quan tâm đến chủ trương xã hội hóa hoạt động dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; việc tinh giản biên chế phải bảo đảm đúng yêu cầu đã nêu trong các văn bản của Chính phủ…