Những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh địa phương, xây dựng khi phòng thủ tỉnh. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tỉnh cũng dành nguồn ngân sách quốc phòng, ngân sách địa phương đầu tư xây dựng nâng cấp, sửa chữa sở chỉ huy các cấp, doanh trại; xây dựng một số công sự, trận hào, phòng không trên tuyến biên giới bộ và đảo, trường quân sự tỉnh. Quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có bố trí quy hoạch đất quốc phòng, an ninh, bảo đảm điều kiện về chiến lược quy hoạch đến năm 2020. An ninh biên giới, vùng biển Tây Nam được củng cố vững chắc. Tổ chức tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ các huyện, thị, thành phố. Hoạt động đối ngoại và ngoại giao nhân dân được quan tâm, mở rộng, duy trì mối quan hệ hữu nghị hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh với các tỉnh giáp biên, Vương quốc Campuchia. Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, bình quân giai đoạn 2011 - 2014, tỉnh đạt 10,66%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 104.809 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trong 4 năm là 18.296 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỉnh cũng nhận thấy, tỉnh chưa chủ động quán triệt các chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Một số nơi còn coi trọng phát triển kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Quá trình thực hiện kết hợp giữa cơ quan quân sự tỉnh với các sở, ngành có liên quan chưa đồng bộ. Quy hoạch phân vùng phát triển kinh tế - xã hội có nơi chưa thống nhất với quyết tâm phòng thủ của địa phương.
Khẳng định Kiên Giang đã thẳng thắn chỉ rõ những kết quả, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, Đoàn giám sát đề nghị, tỉnh làm rõ thêm về tình hình triển khai chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; có trường hợp quy hoạch dự án phát triển kinh tế gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hay không? Tỉnh có gặp khó khăn, vướng mắc gì trong việc ổn định đời sống của người dân biên giới? Đánh giá lại 5 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có bao nhiêu khu công nghiệp có khả năng vừa phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng chuyển đổi dây chuyền phục vụ nhu cầu quốc phòng - an ninh?
+ Huyện đảo Phú Quốc có vị trí chiến lược trong hệ thống phòng thủ quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Do vậy, để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Phú Quốc, từ năm 2004, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 178/2004/QĐ– TTg phê duyệt Đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc, Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, với mục tiêu tạo bước phát triển nhanh về tiềm lực kinh tế, xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch với dịch vụ chất lượng cao, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Phú Quốc hiện là 26,84%. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 4.092 USD, tăng 1,7 lần năm 2010. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2014 đạt 16.591 tỷ đồng. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện được xây dựng như: Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, tuyến đường trục giao thông chính Bắc Nam đảo, đường điện cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc. Phú Quốc đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng đều lồng ghép nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh; phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; triển khai Đề án xây dựng khu vực phòng thủ huyện giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Phú Quốc còn gặp khó khăn do kinh phí chi cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương còn hạn chế, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu.
Ghi nhận những nỗ lực của huyện đảo Phú Quốc, Đoàn giám sát đề nghị, thời gian tới, huyện đảo cần tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc quán triệt các yêu cầu, nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Đánh giá và làm rõ nguồn ngân sách quốc phòng và ngân sách địa phương chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên huyện đảo; có trường hợp coi trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế hơn nhiệm vụ quốc phòng an ninh hay không?