
Toàn cảnh Hội nghị
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã được các vị ĐBQH thảo luận tại Kỳ họp thứ 8. Ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 7 có 08 Chương với 61 điều (giảm 01 Chương, 33 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8).
Bổ sung các quy định về phát triển kỹ năng số và nhân lực công nghệ cao
Thảo luận tại Hội nghị, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này cần thể chế hoá đầy đủ các định hướng lớn của Nghị quyết 57, đưa những định hướng đó thành quy định pháp luật cụ thể. Theo đại biểu, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần được điều chỉnh theo ba trọng tâm: phát triển nhân lực số, hoàn thiện hạ tầng số của thị trường lao động và thúc đẩy việc làm sáng tạo.
Về vấn đề phát triển nhân lực số, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị bổ sung các quy định về phát triển kỹ năng số và nhân lực công nghệ cao.

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam
“Đề nghị thêm một điểm mới (điểm i) vào khoản 1 Điều 26 về nội dung phát triển kỹ năng nghề nhằm nhấn mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho người lao động. Song song đó, đưa nguyên tắc 'trọng dụng nhân tài' vào Luật (bổ sung một khoản riêng tại Điều 4) để làm cơ sở thu hút, đãi ngộ chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao và khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người có trình độ chuyên môn sâu. Ngoài ra, cần có chính sách đào tạo lại để người lao động thích ứng với chuyển đổi số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”, đại biểu đề nghị.
Về vấn đề hoàn thiện hạ tầng số của thị trường lao động, đại biểu Trần Văn Khải nhận thấy, cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động thống nhất, liên thông và thân thiện với người dùng. Cụ thể, đề nghị bổ sung nguyên tắc “mở dữ liệu” trong các quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động (có thể tại Điều 23 hoặc Điều 25) nhằm bảo đảm dữ liệu thị trường lao động được công khai tối đa để doanh nghiệp, người lao động dễ dàng khai thác thông tin, phân tích xu hướng việc làm, qua đó kết nối cung - cầu hiệu quả hơn. Đồng thời, đề nghị bổ sung một khoản trong Điều 23 quy định khuyến khích các nền tảng việc làm tư nhân kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia.
Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về việc làm ở Trung ương
Góp ý về hệ thống thông tin thị trường lao động tại Điều 23, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, khoản 1 Điều 23 đã xác định hệ thống thông tin thị trường lao động là công cụ phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách. Tuy nhiên, để phù hợp với Nghị quyết 42-NQ/TW, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần bổ sung nội dung về sự linh hoạt, hội nhập, hiệu quả.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Cụ thể, đề xuất bổ sung quy định về tích hợp công nghệ AI, dữ liệu lớn (Big Data), dự báo lao động, nhằm nâng cao khả năng phân tích thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời nêu rõ việc cập nhật dữ liệu theo thời gian thực (real-time), đảm bảo tính đồng bộ, liên thông với hệ thống dữ liệu về an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giáo dục nghề nghiệp.
Cho rằng khoản 2 Điều này cần làm rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật khi kết nối, tránh tình trạng dữ liệu rời rạc, không đồng bộ, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế giám sát, kiểm định chất lượng dữ liệu, đảm bảo thông tin chính xác, minh bạch.
Liên quan đến khoản 3 Điều 23 quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về việc làm ở trung ương, đại biểu Thạch Phước Bình nhận thấy, quy định này chưa xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, do đó cần quy định cụ thể vai trò của Sở Nội vụ các tỉnh/thành phố, trung tâm dịch vụ việc làm trong việc cập nhật, cung cấp dữ liệu.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, nếu địa phương không được phân quyền khai thác hệ thống thông tin thị trường lao động thì không thực hiện được công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách, phân tích, dự báo thị trường lao động và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thị trường lao động trên địa bàn. Vì vậy, đề nghị bổ sung cơ quan quản lý nhà nước về việc làm ở trung ương chủ trì, phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành và phân quyền cho địa phương khai thác hệ thống thông tin thị trường lao động.
Nên quy định linh hoạt thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Quan tâm đến quy định về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp tại Điều 28, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị tại khoản 2 Điều 28 cần quy định thêm việc lựa chọn thời gian đóng hàng tháng, 03 tháng hay 06 tháng phải được đăng ký với cơ quan bảo hiểm. Đại biểu nhận thấy, quy định như trên vẫn tạo điều kiện để người sử dụng lao động trong các trường hợp này được linh hoạt lựa chọn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp nhưng vẫn tăng tính trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng bảo hiểm thất nghiệp, vì sự ràng buộc phải đóng đúng thời hạn đã đăng ký. Đồng thời cũng tạo thuận lợi cho các cơ quan bảo hiểm trong công tác quản lý.
Đồng tình ý kiến trên, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, quy định về thời điểm đóng linh hoạt cho lao động hưởng lương theo sản phẩm, khoán là phù hợp. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn chi tiết để tránh tình trạng lạm dụng, trì hoãn đóng bảo hiểm.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách quan tâm
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh cảm ơn các ý kiến phát biểu của các ĐBQH, các ý kiến cơ bản thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng và chỉnh sửa cho phù hợp nhất. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh đã giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm như về đăng ký lao động; về kỹ năng nghề; về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu; về trách nhiệm thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động; về tổ chức dịch vụ việc làm công; chính sách phát triển nhân lực số, cơ chế việc làm sáng tạo…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao sự chủ động, tích cực, chủ trì, phối hợp của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội (cơ quan chủ trì soạn thảo) cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 để chỉnh lý dự thảo Luật; đánh giá cao ý kiến phát biểu tâm huyết và trí tuệ của các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Hội nghị cơ bản tán thành với nội dung kiến nghị, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật do các cơ quan đề xuất, các tài liệu trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng theo đúng quy định.
Sau Hội nghị này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở ý kiến góp ý, thảo luận tại Hội nghị cùng với ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức có liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật; hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Trong đó, đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm đến hai nội dung là phát triển kỹ năng nghề trong kỷ nguyên số và quyền có việc làm cho những người sau sắp xếp khi tinh gọn tổ chức bộ máy.