Kết luận của UBTVQH về dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư

23/12/2024

Ngày 11/12/2024, tại Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng vừa có văn bản số 4842/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này

Đảm bảo minh bạch trong sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, tránh phát sinh cơ chế xin-cho

Kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với chủ trương về các nội dung, mô hình và địa vị pháp lý của Quỹ, hình thức hỗ trợ, khoản hỗ trợ không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; bồi hoàn hỗ trợ; danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, đột phá phù hợp với Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị; nguồn tài chính hình thành Quỹ từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh Nghị định, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần có đánh giá tác động đến các đối tượng chính sách và rà soát, hoàn thiện Nghị định bảo đảm đáp ứng các yêu cầu: (i) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền quyết định những nội dung trái với luật hiện hành. Vì vậy, cần rà soát, hoàn thiện các nội dung chính sách trong Nghị định là các nội dung chưa được quy định tại các luật hiện hành; đồng thời, cần đối chiếu với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết để tránh xung đột pháp lý; (ii) xác định việc sử dụng Quỹ bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp, bảo đảm khả năng tiếp cận chính sách giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài và giữa các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia khác nhau; (iii) việc quản lý sử dụng Quỹ bảo đảm cân đối ngân sách, an ninh tài chính quốc gia và đóng góp thực tế của doanh nghiệp phải tương xứng với giá trị hỗ trợ của Quỹ, tránh tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng của Quỹ với tổng số tiền cần hỗ trợ; (iv) rõ ràng, minh bạch trong đánh giá, ra quyết định hỗ trợ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, không để xảy ra trục lợi.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các quy định trong dự thảo Nghị định để đảm bảo tuân thủ Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội đó là nguồn lực của Quỹ được sử dụng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Đồng thời, bảo đảm không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên quan đến các vấn đề bảo đảm đầu tư.

Thứ ba, rà soát hoàn thiện mô hình và địa vị pháp lý của Quỹ để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đặt ra khi thành lập Quỹ trên cơ sở bảo đảm các quy định của Đảng về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW và các định hướng của Trung ương khi tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết về một số nhóm chính sách có trong dự thảo Nghị quyết với tỷ lệ 100% thành viên Ủy ban có mặt nhất trí.

Thứ tư, rà soát lại các quy định về tiêu chí, điều kiện hỗ trợ, mức và tỷ lệ hỗ trợ, quy trình đánh giá để hỗ trợ chi phí bảo đảm minh bạch và khách quan, cụ thể và khả thi, gắn với trách nhiệm thực thi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, không phát sinh cơ chế xin cho dẫn đến khiếu nại và tránh tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng của Quỹ với tổng số tiền cần hỗ trợ; rà soát quy định về nguồn vốn của Quỹ và quy trình ngân sách, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Quỹ trong phạm vi cho phép; trong quá trình thực hiện chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra trục lợi chính sách, bảo đảm quản lý phòng ngừa rủi ro đến ngân sách nhà nước; bảo đảm phù hợp các quy định về lập, giao, phân bổ và quyết toán ngân sách nhà nước. Đề nghị có ý kiến Bộ Tài chính trong những nội dung liên quan đến cân đối và phân bổ ngân sách nhà nước, lưu ý các ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về các nội dung nói trên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện để ban hành Nghị định theo thẩm quyền, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương của Đảng, luật, Nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm việc ban hành và chịu trách nhiệm việc thực hiện các chính sách đạt được các mục tiêu đề ra.

Trọng Quỳnh