Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh: Làm sâu sắc tình hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia

06/12/2024

Trong hai ngày 5 – 6/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã tham dự Hội nghị giữa Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia và Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam tại tỉnh Kep, Vương quốc Campuchia. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp hoạt động giữa Hội hữu nghị hai nước trong năm 2024, đề ra phương hướng hoạt động trong năm 2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự Hội nghị Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia và Hội Hữu nghị Campuchia – Việt Nam

Toàn cảnh Hội nghị giữa Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia và Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam tại tỉnh Kep thuộc miền Nam Vương quốc Campuchia (Ảnh: TTXVN)

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam và Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, Cố vấn Quốc vương Campuchia Samdech Men Sam An, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia cho biết, trong năm qua, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia và Hội Hữu nghị Campuchia – Việt Nam đã đổi mới hoạt động, thực hiện tốt hơn vai trò là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp trên cơ sở hai bên cùng có lợi; đồng thời giúp thế hệ trẻ hai nước ngày càng hiểu biết, gắn bó với nhau, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị giữa Hội Hữu nghị hai nước Việt Nam, Campuchia. (Ảnh: TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh mong muốn, bằng uy tín và ảnh hưởng của mình, Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Campuchia để họ hòa nhập và có cuộc sống ổn định, lâu dài.

Trên cơ sở báo cáo tổng kết và từ thực tiễn hoạt động phong phú của các cấp Hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu của Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia và Hội Hữu nghị Campuchia – Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến thẳng thắn, đi sâu phân tích làm rõ nguyên nhân những mặt đã làm được và chưa được trong một năm qua với 5 nội dung đã thống nhất tại Hội nghị liên tịch giữa Trung ương hội Hữu nghị hai nước Việt Nam - Campuchia được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh (tháng 11/2023) trong việc tổ chức các hoạt động năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề xuất các giải pháp, biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để việc phối hợp triển khai thực hiện Bản ghi nhớ trong năm 2025 và những năm tiếp theo đạt nhiều kết quả cao hơn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn, góp phần tích cực vào việc giữ gìn và vun đắp tình đoàn kết hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia. 

Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia Samdech Men Sam An, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Về phần mình, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, Cố vấn Quốc vương Campuchia Samdech Men Sam An, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam đánh giá cao thành tựu hợp tác giữa hai hội thời gian qua. Theo đó, kể từ khi ký bản ghi nhớ, hai bên đã tiếp tục các hoạt động chung, nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác tốt đẹp, đập tan những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển của mỗi nước.

Bà Samdech Men Sam An gửi lời cảm ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ mạnh mẽ và hỗ trợ to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Campuchia trước đây cũng như hiện nay. Nhân dân Campuchia luôn nhớ mãi sự giúp đỡ và hy sinh xương máu của những người lính tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hợp tác với quân đội và nhân dân Campuchia trong công cuộc giải phóng dân tộc thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot năm 1979. Campuchia và Việt Nam sẽ luôn giữ vững mối quan hệ tốt đẹp, tin tưởng lẫn nhau.

Tại Hội nghị, hai bên đã thống nhất tiếp tục thực hiện bản ghi nhớ đã ký ngày 1/8/2022 để phối hợp và thúc đẩy công tác tuyên truyền giáo dục cho hội viên và nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia, ngăn chặn các âm mưu tuyên truyền sai trái của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa nhân dân hai nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, vun đắp và đấu tranh bảo vệ quan hệ Việt Nam - Campuchia, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm giữa các cấp của Hội hữu nghị hai nước, đặc biệt là giữa các tỉnh, huyện, xã dọc biên giới chung, giữa TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnom Penh để thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác xây dựng, tổ chức hoạt động của hội. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp hội trong các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ bà con nghèo ở khu vực biên giới; giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Campuchia sang Việt Nam khám chữa bệnh. Hai bên cũng nhất trí họp 1 năm một lần để tổng kết, đánh giá, thực hiện bản ghi nhớ và trao đổi ý kiến, đề ra phương hướng hoạt động những năm tới.

Đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia thay mặt Đoàn Việt Nam cảm ơn  bà Samdech Men Sam An, Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam, Lãnh đạo đảng bộ Đảng CPP, chính quyền, các cơ quan, tổ chức và nhân dân tỉnh Kép đã hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để Hội nghị thành công tốt đẹp. 

Đây là Hội nghị lần thứ 2, tiếp sau Hội nghị liên tịch giữa Trung ương hội Hữu nghị hai nước Việt Nam - Campuchia được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh tháng 11/2023 về việc phối hợp hoạt động thực hiện Bản ghi nhớ đoạn giai 2022-2027 giữa hai hội. Những kết quả đạt được trong năm qua rất đáng trân trọng, góp phần thiết thực vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia phát biểu tại Hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị hai bên tiếp tục duy trì thường xuyên cơ chế gặp gỡ trao đổi thông tin tình hình, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa lãnh đạo cấp cao và giữa các cấp hội hai nước dưới các hình thức phù hợp; thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của mỗi nước và hai nước; khuyến khích tổ chức các hoạt động gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa các cấp hội.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, vun đắp và đấu tranh bảo vệ quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia, coi đây là nhiệm quan trọng hàng đầu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. 

Nghiên cứu việc tổ chức hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân giữa lãnh đạo trẻ hai nước, đặc biệt là lãnh đạo trẻ các địa phương giáp biên.

Đẩy mạnh sự phối hợp giữa các các cấp hội, nhất là giữa các cấp hội địa phương giáp biên, giữa TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnom Penh, giữa Câu Lạc bộ Doanh nghiệp của hai hội; cần phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh thương mại, du lịch ngày càng thiết thực và có hiệu quả; chủ động đề xuất và tích cực tham gia cùng với chính quyền, các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh giữa người dân ở khu vực biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hai nước hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh triển khai Chương trình “Ươm mầm hữu nghị” theo hướng đa dạng hóa các hình thức hoạt động, nội dung phải thiết thực, hiệu quả. Thông qua các hoạt động này, ngoài việc hỗ trợ, động viên các lưu học sinh an tâm học tập tốt cần quan tâm tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các lưu học sinh để kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền hướng giải quyết. 

Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia và Hội Hữu nghị Campuchia – Việt Nam trong các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, hỗ trợ bà con nghèo ở khu vực biên giới giữa hai nước.

Lan Hương