Sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật giúp tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch
Toàn cảnh Phiên thảo luận
Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khi áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật
Tại Phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và phát triển tiêu chuẩn - là bước tiến quan trọng để nâng cao năng lực tiêu chuẩn hóa, góp phần giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế. Tuy vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Bởi thực tế nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các chương trình đào tạo và ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế do chi phí cao. Việc hỗ trợ này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Về trách nhiệm xây dựng, thẩm định ban hành quy chuẩn kỹ thuật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, Điều 27 quy định về quy trình xây dựng và thẩm định các quy chuẩn kỹ thuật, nhằm bảo đảm tính thống nhất và tránh việc tạo ra các rào cản kỹ thuật không cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn gặp khó khăn khi áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật vì quy trình thẩm định và ban hành còn phức tạp và kéo dài.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH Bà Rịa Vũng Tàu
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đơn giản hóa quy trình thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt trong các trường hợp cấp bách như phòng chống dịch và thiên tai. Dự thảo luật cũng cần có cơ chế rõ ràng để bảo đảm quy trình xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật không trở thành rào cản cho hoạt động thương mại và sản xuất của các doanh nghiệp.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị bổ sung quy định về quy trình xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam và rà soát, chỉnh lý quy trình thẩm định và công bố tiêu chuẩn Việt Nam tại luật hiện hành cho phù hợp; cân nhắc quy định vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc vừa lập, vừa phê duyệt kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; Quy định rõ ràng hơn về sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam tại khoản 2 Điều 15; có quy định cụ thể về thời gian thẩm định tiêu chuẩn quốc gia.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về tiêu chí, điều kiện, trách nhiệm để các tổ chức, cá nhân liên quan được tham gia và xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam; cân nhắc quy định về áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, nhằm bảo đảm rõ ràng, minh bạch và đúng quy định pháp luật.
Đại biểu tham gia Phiên thảo luận
Một số ý kiến tại phiên thảo luận cũng cho rằng, các quy định mới sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật cơ bản đã bù đắp được những khoảng trống trong quản lý của luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Tuy nhiên, việc ban hành quy chuẩn Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, cần xem xét bản chất quy chuẩn Việt Nam là đưa ra giới hạn kỹ thuật về an toàn, bảo đảm sức khỏe con người và bảo đảm ô nhiễm môi trường; không lồng ghép các yếu tố quản lý nhà nước trong quy chuẩn Việt Nam. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, làm rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong việc tổ chức thẩm định quy chuẩn Việt Nam để đảm bảo tính khách quan; trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc rà soát, ban hành, sửa đổi quy chuẩn Việt Nam, định kỳ báo cáo Chính phủ.
Quy định rõ vai trò của từng chủ thể trong thực hiện Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia
Tại điều 1 khoản 3 sửa đổi bổ sung Điều 8 về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, một số ý kiến cho rằng, chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là cơ sở định hướng cho việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc gia, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa có quy định rõ ràng vai trò và trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc thực hiện chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia. Việc quy định này là cần thiết để tránh tình trạng chồng chéo hoặc thiếu sự phối hợp. Đặc biệt, cần có cơ chế giám sát và đánh giá định kỳ để điều chỉnh kịp thời các chiến lược, chương trình đã đề ra.
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với việc bổ sung quy định về chiến lược hóa quốc gia, nhưng cần nghiên cứu quy định cụ thể về quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nội dung chiến lược, nhất là trách nhiệm của các bộ ngành phối hợp hoàn thiện chiến lược; Nguyên tắc, căn cứ xây dựng chiến lược; kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam hằng năm và 5 năm.
Quy định về xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn còn mờ nhạt
Về bổ sung quy định xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn tại Điều 8 của dự thảo luật, đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đánh giá, đây là bước đi chiến lược, quan trọng trước bối cảnh nguồn lực nhà nước hạn hẹp trong khi nhu cầu thị trường rất đa dạng. Việc xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến áp dụng tiêu chuẩn sẽ tạo ra làn sóng mới thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, góp phần nâng cao chất lượng và tính phù hợp của tiêu chuẩn với thực tiễn sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc cụ thể hóa chính sách xã hội hóa trong dự thảo còn mờ nhạt, mới chỉ dừng lại ở việc mở rộng các đối tượng được tham gia góp ý vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Đại biểu đề nghị thiết lập hai tiêu chuẩn là tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn hội, hiệp hội ngành hàng theo nguyên tắc tiêu chuẩn quốc gia do Nhà nước xây dựng, tập trung vào các tiêu chuẩn liên quan đến quốc phòng an ninh. Còn các lĩnh vực khác yêu cầu cần phải chứng nhận sự phù hợp thì trao quyền cho các hội, hiệp hội được trực tiếp xây dựng, ban hành; Đồng thời cần quy định rõ điều kiện về hội, hiệp hội xây dựng tiêu chuẩn quản lý chương trình chứng nhận tiêu chuẩn và trình tự thủ tục ban hành tiêu chuẩn. Thiết lập cơ chế để hội, hiệp hội ngành nghề có đủ công cụ để giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua việc chấp nhận tiêu chuẩn hội, hiệp hội và cho phép các hội hiệp hội đủ điều kiện được ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm và quản lý chương trình chứng nhận sản phẩm.
Một số đại biểu khẳng định, nguồn lực xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay chủ yếu từ ngân sách nhà nước nên rất hạn chế về số lượng, tính đa dạng của tiêu chuẩn Việt Nam. Việc bổ sung một số quy định trong dự thảo luật đã cơ bản tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư vào hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, cần rà soát, quy định đầy đủ, chi tiết hơn các quy định về chính sách xã hội hóa trong hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn. Trong đó, nghiên cứu quy định các chính sách, cơ chế ưu đãi cụ thể như: hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất… cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa, nhất là đối với một số lĩnh vực mới.
Đại biểu tham gia Phiên thảo luận
Đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu thực tế, dù các cơ quan quản lý đã thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhưng thực trạng tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn có những bất cập (hiện có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và 800 quy chuẩn). Việc áp dụng quy chuẩn là bắt buộc, còn tiêu chuẩn là tự nguyện nhưng thực tế hầu hết các hoạt động khi tiến hành thực hiện người có thẩm quyền đều quy định tuân thủ bắt buộc đối với tiêu chuẩn, nhất là đối với hoạt động xây dựng công trình.
Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị luật cần bổ sung một điều quy định cơ chế thúc đẩy sáng kiến cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ chế giám sát của cộng đồng của Quốc hội, trách nhiệm giải trình của cơ quan ban hành để đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia luôn được cải tiến theo hướng phù hợp với hội nhập quốc tế, dễ thực hiện, chi phí tuân thủ tối ưu, có không gian sáng tạo để thúc đẩy áp dụng công nghệ kỹ thuật vật liệu mới trong thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nội dung sáng kiến, giám sát, giải trình cần được thực hiện công khai và ghi nhận hoàn toàn trên môi trường số và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung điều này.
Cần có cơ chế giám sát giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng khẳng định, không có sự chồng chéo giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với các luật chuyên ngành khác về thủ tục công bố hợp quy.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt
Với đề nghị bỏ thủ tục công bố hợp quy, Bộ trưởng cho rằng điều này không khác nào Việt Nam bỏ quy chuẩn kỹ thuật. Mặt khác, việc bỏ thủ tục công bố hợp quy sẽ đi ngược lại với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế; đồng thời gây rủi ro, mất an toàn khi có những sản phẩm hàng hóa không có biện pháp quản lý chất lượng nào khác ngoài quy chuẩn kỹ thuật.
Về việc áp dụng phạm vi tiêu chuẩn cơ sở trong lĩnh vực chuyên ngành, Bộ trưởng cho biết, nếu mở rộng phạm vi áp dụng tiêu chuẩn cơ sở của cơ quan nhà nước, có thể dẫn đến tình trạng áp dụng tùy tiện, lợi ích nhóm, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung làm rõ thêm quy định này.
Giải trình ý kiến đại biểu về doanh nghiệp đánh giá hợp quy dựa trên kết quả đánh giá sự phù hợp, dựa trên các quy chuẩn, Bộ trưởng nhất trí với ý kiến của đại biểu để bổ sung cơ chế hậu kiểm đối với mức độ rủi ro của sản phẩm.
Bộ trưởng cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu về bổ sung quy định về báo cáo đánh giá tác động của quy chuẩn để đảm bảo tính khả thi của quy chuẩn. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu bổ sung việc khuyến khích sáng kiến cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, để khắc phục một số bất cập hiện hành; thể chế hoá chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, hoàn thiện chính sách pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo hướng thống nhất, tập trung, đồng bộ dựa trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và mô hình quản trị thông minh, phục vụ tốt cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất và đời sống.
Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cơ chế giám sát giảm chi phí tuân thủ của người dân và không tạo ra rào cản đối với người dân và doanh nghiệp; Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, tránh lạm dụng để ảnh hưởng đến người dân và người tiêu dùng. Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tham gia nhiều ý kiến quan trọng khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội để tiếp thu hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét quyết định.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận
Đại biểu tham gia Phiên thảo luận
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng phát biểu
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Đại biểu tham gia Phiên họp