Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Dự thảo luật sau khi tiếp thu ý gồm 103 Điều, giảm 6 Điều so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội. Đối với các chính sách phân cấp, tập trung chủ yếu điều chỉnh thẩm quyền và bổ sung trách nhiệm của cấp thực hiện trong quy trình đầu tư công, điều chỉnh quy mô dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C phù hợp với yêu cầu quản lý đầu tư công trong tình hình mới, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư công các dự án nhóm B, nhóm C từ Hội đồng nhân dân sang Ủy ban nhân dân các cấp; phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ đối với ngân sách trung ương; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giữa các Sở, ngành, địa phương từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sang Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…, không thay đổi nhiều về trình tự, thủ tục, nội dung so với Luật Đầu tư công năm 2019.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo
Đối với các nội dung chính sách mới so với Luật Đầu tư công năm 2019, Chính phủ bổ sung báo cáo giải trình về đánh giá tình hình triển khai thực tế cũng như yêu cầu thực tiễn và đề xuất của các bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua để hoàn thiện chính sách nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong triển khai. Đồng thời, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng quy định chặt chẽ về tiêu chí, điều kiện áp dụng 03 chính sách như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu.
Cơ quan thẩm tra cũng đã rà soát kỹ lưỡng theo tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, luật quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định những vấn đề cụ thể theo thẩm quyền; rà soát, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền, tháo gỡ khó khăn trong quy trình quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án, xây dựng và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn; khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau khi hoàn thiện, luật Đầu tư công (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, trong khi Luật Thủ đô vừa được thông qua, dự kiến cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, thì một số quy định của Luật Đầu tư công (sửa đổi) còn phân cấp mạnh mẽ hơn Luật Thủ đô, dẫn đến một số quy định của Luật Thủ đô trở nên ít ưu đãi hơn, do đó rất cần rà soát toàn diện và có quy định áp dụng pháp luật phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản thống nhất với các nội dung lớn giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Về việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, C từ Hội đồng nhân dân các cấp giao cho Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cụ thể hóa và triển khai thực tế việc phân cấp này.
Ủng hộ việc cải cách, rút gọn thủ tục đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, Chủ tịch cũng khẳng định rằng việc giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ cải cách, đổi mới phải đi đôi với việc đưa ra giải pháp hiệu quả trong quản lý, điều hành, đồng thời tăng cường giám sát. Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao để đảm bảo mọi hoạt động đều tuân thủ đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hoàn thiện dự thảo Luật để thông qua tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời đề nghị các cơ quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm có sự thống nhất và đồng thuận cao của các đại biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tiếp tục rà soát để tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện Báo cáo bảo đảm chất lượng, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, không để xảy ra vướng mắc khi thực hiện và các vấn đề liên quan đến điều kiện chuyển tiếp. Bảo đảm thực hiện chủ trương đổi mới của Nhà nước, của Quốc hội trong công tác xây dựng luật, trên tinh thần đổi mới công tác xây dựng pháp luật, trong giai đoạn mới bảo đảm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với việc kiểm soát quyền lực và lưu ý vấn đề thực thi Hiến pháp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật; lưu ý một số nội dung mới phát sinh thì hai bên trao đổi để đi đến thống nhất. Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan hoàn thiện Báo cáo, bảo đảm chất lượng của dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận./.