Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy: Chú trọng bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên

13/11/2024

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, chiều 13/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025

Toàn cảnh phiên họp

Chú trọng bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 được xây dựng nhằm cụ thể hóa thực hiện chủ trương của Đảng , chính sách pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, đồng thời, tăng cường nguồn lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe mỗi cá nhân, duy trì giống nòi, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Tất Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phân tích, điểm b khoản 1 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết đã quy định khá đầy đủ về mục tiêu giảm cầu đối với người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, người nghiện ma túy đã được đưa đi cai nghiện và người sau khi được cai nghiện. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa quy định đối với người chưa sử dụng nhưng có nguy cơ cao sử dụng ma túy, dễ dẫn tới nghiện ma túy. Những đối tượng này là các thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động, phần nhiều là những đối tượng tuổi đời trẻ, đang trong quá trình hình thành nhân cách, hay đua đòi, dễ bị dụ dỗ, sa ngã. Đây chính là đầu vào quan trọng, bổ sung chính cho số người sử dụng ma túy và nghiện ma túy. Do vậy muốn giảm tỷ lệ và giảm tuyệt đối số người sử dụng và nghiện ma túy thì Nhà nước – xã hội – nhà trường và gia đình cần phải có các biện pháp hữu hiệu để giám sát, quản lý chặt chẽ đối với các đối tượng này.

Trong các chủ thể đó, đại biểu cho rằng nên đặc biệt chú trọng chủ thể là gia đình. Vì trong thực tiễn, người sử dụng và nghiện ma túy xuất phát ở mọi thành phần gia đình, từ có điều kiện kinh tế hay là đối tượng gia đình khó khăn. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung phần mục tiêu cụ thể về giảm cầu tại điểm b khoản 1 Điều 1 nội dung sau: Quản lý chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao sử dụng trái phép ma túy và nghiện ma túy. Nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc quản lý, giám sát đối với các đối tượng là trẻ em, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và người lao động.

Cùng đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Tiến Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, tổng vốn đầu tư dành cho Chương trình còn thấp, đề nghị tăng ở nguồn ngân sách Trung ương và nhất là tăng kinh phí cho các dự án, tiểu dự án do các bộ, ngành chủ trì. Đặc biệt là cần tăng kinh phí cho Bộ Y tế để triển khai các hoạt động chuyên môn y tế liên quan đến phòng, chống ma túy; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy trong cộng đồng.

 Đại biểu Nguyễn Tiến Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu

Đại biểu cũng nhấn mạnh, khi chưa có Chương trình này và Chương trình này chưa được thông qua thì công tác phòng chống ma túy đã và vẫn phải được tiến hành thường xuyên, quyết liệt, không ngừng nghỉ. Đại biểu đề xuất Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đảm bảo tiến độ; đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng và triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu rà soát, đánh giá kỹ việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể (như một số chỉ tiêu tuyệt đối 100% nhằm đảm bảo tính khả thi); rà soát quy hoạch, các nguồn lực để thực hiện Chương trình đảm bảo không trùng dẫm, hiệu quả; về cơ chế triển khai thực hiện (nêu tại Điều 3) đề nghị giao nhiệm vụ cụ thể cho HĐND và UBND cấp tỉnh, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo không vướng mắc.

Tận dụng sức mạnh của công nghệ trong cuộc chiến với ma túy

Quan tâm tới việc triển khai các dự án cụ thể, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng Dự án 2 về ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống ma túy rất phù hợp, kịp thời với xu hướng chuyển đổi số, hiện đại hóa trong việc quản lý nhà nước, nhất là trong bối cảnh tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi. Việc sử dụng công nghệ để khoanh vùng, tìm kiếm thông tin đối tượng theo thời gian, xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến người nghiện ma túy là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đưa ra yêu cầu xem xét ngoài việc đầu tư xây dựng phần cứng, phần mềm theo dự thảo cần phải có giải pháp tăng cường việc ứng dụng công nghệ và triển khai hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An phát biểu

Đối với dự án 6 trong dự thảo, đại biểu cho rằng việc tăng cường cung cấp dịch vụ can thiệp, điều trị cho người sử dụng ma túy, đặc biệt ma túy tổng hợp là cực kỳ cần thiết. Do đó, cần phải tăng cường từ tổ chức bộ máy các tuyến, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực khoa học điều trị nghiện ma túy như liệu pháp tâm lý, can thiệp giảm tác hại, điều trị thay thế, điều trị cắt cơn và điều trị rối loạn tâm thần. Đây là những vấn đề lớn, cực kỳ quan trọng mà chưa được quan tâm đầu tư trong khi nhu cầu xã hội ngày càng nhiều.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Sáu, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, về quản lý và theo dõi người nghiện ma túy, Nghị quyết xác định “kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 01%/ năm và tỷ lệ gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 01%/năm”. Đại biểu cho rằng, tỷ lệ này rất khó xác định, thường là rất thấp so với thực tế, gây khó khăn trong dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy. Đại biểu đề nghị Bộ Công an quan tâm khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát, thống kê, cập nhật số liệu qua đó quản lý tốt hơn người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, ưu tiên, bố trí kinh phí cho công tác đấu tranh, công tác xác định tình trạng nghiện, cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Đối với dự án 07 trong chương trình về truyền thông, giáo dục phòng chống ma túy, đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền còn nhiều vấn đề cần quan tâm: Công tác phối hợp tuyên truyền vẫn chưa chặt chẽ, đồng bộ, còn hình thức, có nơi công tác này chủ yếu lồng ghép với các nội dung khác, nhiều nơi làm theo phong trào thiếu thường xuyên, liên tục. Cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ, tài liệu tuyên truyền cũng chưa được cập nhật bổ sung thường xuyên. Kinh phí tổ chức tuyên truyền còn hạn chế. Đại biểu đề nghị cân đối bố trí thêm 01 tiểu dự án riêng cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, tổ chức tuyên truyền trên địa bàn dân cư.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình

Phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, trên cơ sở tổng kết, đánh giá, kế thừa các kết quả đạt được của Chương trình phòng chống ma túy các giai đoạn trước, cơ quan soạn thảo đã xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt được trong giai đoạn tới sát với thực tiễn tình hình công tác và khả thi về nguồn lực bảo đảm. Trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã rà soát, đánh giá kỹ để đảm bảo nhiệm vụ, nội dung đầu tư của Chương trình không trùng lắp với các Chương trình khác và các Chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội đang triển khai. Các dự án trong Chương trình được thiết kế theo hướng ưu tiên đầu tư trực tiếp cho cơ sở để chủ động làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy từ sớm, từ xa, từ địa bàn, để đảm bảo giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại, ngăn chặn, giảm thiểu những hệ lụy của ma túy đối với mỗi người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, đa số ý kiến phát biểu thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình ở quy mô Chương trình mục tiêu quốc gia, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước trong 6 năm (2025-2030) gồm 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án do Bộ Công an quản lý Chương trình và 8 Bộ ngành chủ trì thực hiện các Dự án thành phần.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các ý kiến của đại biểu đã nêu thêm nhiều góc nhìn sâu sắc từ thực tiễn, góp phần hoàn thiện các nội dung cụ thể của Chương trình và dự thảo Nghị quyết. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 8.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang tại phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu

Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang lắng nghe ý kiến của các đại biểu

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu

Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận phiên họp./.

Hồ Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Các bài viết khác