Toàn cảnh Hội thảo
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cùng Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân một số địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm đến hoạt động của Hội đồng nhân dân, trong đó một giải pháp được đề ra là việc hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, trong đó có quy định để đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện quyền, nghĩa vụ tiếp xúc cử tri.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chức năng giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ban Công tác đại biểu luôn chú trọng việc lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân các địa phương bởi đây là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp từ những văn bản pháp luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Cùng với đó, Ban Dân nguyện là cơ quan giúp tham mưu, giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc theo dõi hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Trong quá trình soạn thảo hai Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện đã tổ chức lấy ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kết luận số 955/Kl-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật cũng như ý kiến của Chính phủ, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện đã phối hợp, tích hợp nội dung của dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Nghị quyết quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân thành Nghị quyết chung quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Sau khi tích hợp, dự thảo Nghị quyết gồm 7 chương, 59 điều. Về cơ bản, nội dung dự thảo Nghị quyết sau khi được tích hợp đã được tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra. Việc tích hợp những nội dung áp dụng đối với hai chủ thể là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ được quy định chung tại một điều. Đối với những nội dung mang tính đặc thù của từng chủ thể như liên quan đến chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức, bộ máy tham mưu phục vụ, điều kiện cơ sở vật chất… sẽ được quy định tại điều riêng trong dự thảo nghị quyết.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nhấn mạnh, Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của cơ quan dân cử. Trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã có Nghị quyết số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN và đã được triển khai thực hiện hơn 10 năm, qua đó mang lại những hiệu quả rất tích cực từ công tác tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đến việc giám sát giải quyết kiến nghị cử tri được đông đảo cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là đổi mới triệt để, mạnh mẽ công tác tiếp xúc cử tri của cơ quan dân cử, Phó Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, việc xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm đảm bảo thể chế hoá các quy định pháp luật mới cũng như đưa công tác tiếp xúc cử tri thực sự hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan dân cử. Đây cũng là hoạt động rất quan trọng, mang lại hiệu quả lớn trong hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan dân cử.
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre Lê Văn Khê
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá Nghị quyết quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử. Ngoài hoạt động tiếp xúc cử tri, Nghị quyết còn liên quan đến việc tổng hợp kiến nghị cử tri; trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc giải quyết kiến nghị cử tri và trách nhiệm đối với kiến nghị cử tri; việc giám sát giải quyết kiến nghị của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và Hội đồng nhân dân các cấp.
Bên cạnh đó, đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các địa phương đã đóng góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh, khái niệm, giải thích từ ngữ, căn cứ cơ sở để tách bạch rõ hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, hình thức, nội dung tiếp xúc cử tri và trách nhiệm của đại biểu với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phối hợp tiếp xúc cử tri, việc xem xét giải quyết kiến nghị cử tri, tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, tiếp xúc cử tri ngoài đơn vị bầu cử, hướng dẫn hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp trên với đại biểu Hội đồng nhân dân cấp dưới;...
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đánh giá cao ý kiến của đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các địa phương và nhấn mạnh đây là những kinh nghiệm quý báu có tính cơ sở thực tiễn cao giúp Ban Công tác đại biểu có thêm căn cứ vững chắc trong việc hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới./.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Toàn cảnh Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai Hoàng Thị Bích Hằng
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Minh Lực
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lê Thị Thuý Kiều
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên kết luận nội dung Hội thảo