Hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên với chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8

23/10/2024

Sáng 23/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Các đại biểu cơ bản đánh giá cao chất lượng dự án Luật và thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH, tuy nhiên đề nghị làm rõ thêm các điều, khoản cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan đến NCTN phạm tội.

Bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, tiến bộ của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ngay sau Kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo việc nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, đã tổ chức một số cuộc Tọa đàm khoa học và nhiều cuộc làm việc với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ có kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 và tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Luật, sau đó hoàn chỉnh dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo luật. Chính phủ cũng đã có văn bản góp ý, cơ bản thống nhất, có góp ý thêm và đã được tiếp thu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, ngày 24/9/2024, Tòa án nhân dân tối cao có báo cáo gửi UBTVQH cơ bản thống nhất với việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, có đề xuất chỉnh lý một số nội dung cụ thể và đã được tiếp thu. Ngày 4/10/2024, UBTVQH đã gửi đến các ĐBQH Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội tại Kỳ họp này có 11 chương và 176 điều, tăng 3 điều và chỉnh lý nhiều điều, khoản cụ thể so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp trước.

Các đại biểu dự Phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo Luật trình tại Kỳ họp này và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Nhiều đại biểu tham gia góp ý quy định Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên tại Điều 28. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đồng tình Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN là Bộ Công an quy định tại khoản 1 Điều 28 của dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, việc giao Bộ Công an làm đầu mối trong công tác quản lý tư pháp NCTN là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Mặt khác, việc tiếp nhận thụ lý thông tin ban đầu có liên quan đến NTCN, việc xem xét áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH) ngay giai đoạn đầu của quá trình thụ lý cũng do cơ quan Công an thực hiện.      

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa -  Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng thống nhất giao Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN là Bộ Công an. Quan tâm về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 52), đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH, tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Điều 96 của Bộ luật Hình sự thành biện pháp XLCH. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy rất phù hợp với tình hình nước ta hiện nay.

Một số ý kiến góp ý về trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 39 của dự thảo Luật. Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cân nhắc quy định tại điểm c và d khoản 3 Điều 39 của dự thảo, vì theo quy định này, NCTN phạm tội 02 lần trở lên thuộc trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 3 Điều này thì không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo Luật thì trường hợp NCTN phạm nhiều tội không thuộc trường hợp không được xử lý chuyển hướng (vẫn được xử lý chuyển hướng) là chưa thống nhất về chính sách xử lý. Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị rà soát, nghiên cứu thật kỹ quy định về các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại khoản 3 Điều 39 dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp, thống nhất về chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Liên quan đến việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng quy định tại Điều 51 của dự thảo, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, dự thảo Luật đưa ra các biện pháp xử lý chuyển hướng như: tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác… Để tránh gây mặc cảm, tác động xấu đến tâm lý của NCTN, dự thảo đã đưa ra quy định việc tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng phải bảo đảm an toàn và tránh bị kỳ thị. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong thực tiễn của đời sống xã hội, dân số sinh sống ở vùng nông thôn chiếm tỷ lệ lớn, các phong tục, tập quán, truyền thống, hương ước, quy ước điều chỉnh cơ bản đến các ứng xử của người dân; trong khi đó, NCTN đang ở độ tuổi nhạy cảm từ thể chất đến tâm lý, cảm xúc. Do vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị cần hết sức cân nhắc khi đưa ra các quy định thực hiện các công việc phục vụ cộng đồng, vì có thể tác động tiêu cực đến NCTN, không thể tránh được kỳ thị trong gia đình, xã hội.

Tại Phiên họp, nhiều ý kiến cũng góp ý về vấn đề tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội quy định tại Điều 140 của dự thảo Luật. Các đại biểu cơ bản đồng tình với việc tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội để giải quyết, tuy nhiên cho rằng, đây là vấn đề lớn và còn nhiều ý kiến khác nhau. Các ý kiến đề nghị không quy định cụ thể thời điểm tách vụ án trong Luật và nên giao cho liên ngành tư pháp trung ương quy định chi tiết để bao quát các trường hợp trong thực tiễn giải quyết án. Đồng thời cần linh hoạt, tùy từng trường hợp, không nhất thiết vụ án nào cũng phải tách, khi xét thấy đã làm rõ hành vi phạm tội của NCTN và các tình tiết có liên quan thì mới tách vụ án hình sự để giải quyết.

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Góp ý nội dung này, đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, trong thực tiễn tội phạm NCTN đang tiếp tục tăng lên, rất nhiều vụ án NCTN giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, khi xét xử cần phải có đầy đủ lời khai, đối chất trực tiếp của tất cả các bị cáo tại phiên tòa thì mới có đủ căn cứ để giải quyết vụ án. “Nếu tách ra thì cả những bị cáo là NCTN và bị cáo đã thành viên đều phải có mặt tham dự cả 2 phiên tòa. Đặc biệt hơn nữa, khi vụ án phải giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, ví dụ việc tranh chấp về bồi thường thiệt hại thì sẽ giải quyết ở phiên toà nào, phiên tòa người chưa thành niên hay phiên tòa người đã thành niên?”, đại biểu Lê Tất Hiếu bày tỏ băn khoăn.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, các ý kiến phát biểu của các ĐBQH rất sâu sắc, đề cập toàn diện, cụ thể đến các điểm, điều, khoản của dự án Luật. Qua trao đổi và thống nhất với Chánh án TANDTC, Cơ quan chủ trì soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH. Sau Phiên họp này, hai cơ quan sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ ý kiến của từng ĐBQH chỉnh lý dự thảo Luật và tham mưu UBTVQH báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, trình Quốc hội trước khi thông qua tại Kỳ họp này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với không phí, thảo luận sôi nổi, khẩn trương, các ĐBQH đã phát biểu rất tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, tập trung vào các nội dung trọng tâm với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Qua các ý kiến phát biểu cho thấy, các ĐBQH đánh giá cao chất lượng hồ sơ chuẩn bị, tài liệu dự án Luật trình Quốc hội, cơ bản thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp

Đồng thời các vị ĐBQH đã phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số từ ngữ, thuật ngữ, điều khoản, nội dung cụ thể trong dự thảo Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp, khoa học và khả thi hơn, bảo đảm yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan đến NCTN phạm tội, bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với NCTN như đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong quá trình thảo luận dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 7 đến nay, nhiều ĐBQH đã nhận định việc Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ không chỉ là thành tựu nổi bật đối với lĩnh vực cải cách tư pháp của Việt Nam mà còn là dấu ấn của Quốc hội khóa XV. UBTVQH sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các ĐBQH, các Đoàn ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo UBTVQH xem xét, thảo luận vào thời gian giữa hai đợt họp của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp này.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Hội trường:

Quang cảnh Phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí

Các đại biểu dự Phiên họp

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Các đại biểu dự Phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Các đại biểu dự Phiên họp

Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Lê Thanh Phong - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Phiên thảo luận./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Các bài viết khác