Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp thứ 12 Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

11/10/2024

Chiều 11/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Chủ tịch HĐKH của UBTVQH, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì Phiên họp thứ 12 Hội đồng khoa học của UBTVQH cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo nghiên cứu Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.

Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, hiệu quả

Toàn cảnh Phiên họp

Đồng chủ trì Phiên họp có: các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Chủ tịch HĐKH của UBTVQH; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch HĐKH của UBTVQH; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó Chủ tịch HĐKH của UBTVQH.

Tham dự Phiên họp có các thành viên HĐKH của UBTVQH, các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan;…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch số 11-KH/TW của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án với tiến độ đề ra trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến trong năm 2024, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành

Báo cáo tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, Dự thảo Báo cáo có kết cấu gồm 04 phần: Phần mở đầu nêu khái quát chung về sự cần thiết, căn cứ, mục đích, yêu cầu, phạm vi và quá trình tổ chức xây dựng Đề án. Phần thứ nhất đánh giá thực trạng quy trình xây dựng pháp luật hiện hành. Phần thứ hai đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật. Phần thứ ba nêu các kiến nghị, đề xuất và phân công trách nhiệm thực hiện Đề án.

Dự thảo Báo cáo được xây dựng lấy trọng tâm là nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện các nội dung khác có liên quan.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Trên cơ sở đánh giá thực trạng quy trình xây dựng pháp luật hiện hành, bối cảnh tác động, căn cứ yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu đặt ra đối với việc đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật trong thời gian tới, Dự thảo Báo cáo nghiên cứu Đề án đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy, tổ chức đảng; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

Đồng thời, đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới quy trình lập Chương trình lập pháp của Quốc hội; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật, phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;…

PGS. TS Lê Minh Thông, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Thành viên HĐKH của UBTVQH

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao và cơ bản đồng tình nhiều nội dung trọng tâm tại Dự thảo Báo cáo nghiên cứu Đề án. Để hoàn thiện, các ý kiến tập trung phân tích, gợi mở một số vấn đề liên quan tới nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành pháp luật. Trong đó, lưu ý yêu cầu đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần bám sát theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Quy định số 178-QĐ/TW và các văn kiện khác của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII của Đảng đến nay.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng góp ý cụ thể về kết cấu, bố cục của Đề án; kiến nghị nhiều giải pháp đổi mới quy trình lập Chương trình lập pháp của Quốc hội; hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhấn mạnh và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Ủy ban trong quá trình thẩm tra;…

PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ -  Chuyên gia pháp luật

Cũng theo các đại biểu, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội, Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật; hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến Nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm sự đồng bộ, kịp thời trong xây dựng chính sách, pháp luật giữa Quốc hội với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm các điều kiện cho công tác xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, hiệu quả;…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, có tính chuyên môn cao của các chuyên gia, nhà khoa học. Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản đánh giá cao quá trình chuẩn bị, xây dựng Đề án và tán thành với sự cần thiết, cấp bách, tầm quan trọng của Đề án; thống nhất nhiều nội dung được đề xuất tại Dự thảo Báo cáo;...

Nhấn mạnh Đề án tập trung về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong quy trình có nhiều chủ thể phối hợp tham gia, có nhiều bước, nhiều khâu thực hiện. Do đó, những vấn đề về  thực trạng và kiến nghị, giải pháp đề ra tại Đề án phải xác định có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào những vấn đề then chốt, bám sát tên của Đề án, trong đó xác định rõ nội hàm chính là yêu cầu bảo đảm “chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả”. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Tổ biên tập khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại Phiên họp để tiếp tục rà soát, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Đề án đảm bảo chất lượng, đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra.

***Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Quang cảnh Phiên họp

TS. Nguyễn Khắc Định, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch HĐKH của UBTVQH, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì Phiên họp thứ 12 Hội đồng khoa học của UBTVQH 

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy - Phó Chủ tịch HĐKH của UBTVQH điều hành Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành trình bày Dự thảo Báo cáo Đề án

Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành – Thành viên HĐKH của UBTVQH góp ý tại Phiên họp

GS. TS Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Thành viên HĐKH của UBTVQH góp ý tại Phiên họp

PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ -  Chuyên gia pháp luật góp ý tại Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

PGS. TS Lê Minh Thông, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Thành viên HĐKH của UBTVQH

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH góp ý tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp

Phiên họp thứ 12 Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Lê Anh - Phạm Thắng