Tăng cường quản lý nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp

02/10/2024

Đóng góp ý kiến vào Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tại Phiên họp thứ 25 do Ủy ban Tài chính, Ngân sách tổ chức chiều 02/10, nhiều ý kiến nêu quan điểm, cần tăng cường quản lý nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua công tác kiểm tra, giám sát và để doanh nghiệp chịu trách nhiệm đối với nguồn vốn Nhà nước đầu tư...

Kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân

Hội thảo lấy ý kiến với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Chiều 02/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp tục tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 25 để thẩm tra, cho ý kiến đối với các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh chủ trì Phiên họp.

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Bộ Tài chính, các đơn vị hữu quan đã tập trung đóng góp ý kiến vào Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Toàn cảnh Phiên họp

Đề cập về sự cần thiết của việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn Nhà nước...

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có nhiều thay đổi. Quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn trong thực tế đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần thiết phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn

Với sự cần thiết trên, việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13; hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu). Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế Nhà nước nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết: Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với mục đích và các quan điểm xây dựng Luật Quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị trong quá trình xem xét, ban hành Luật cần lưu ý một số vấn đề, đồng thời nhấn mạnh 3 nội dung, gồm: Cần kế thừa những quy định của Luật số 69 đã được áp dụng ổn định, hiệu quả trong thực tiễn và khắc phục tối đa những tồn tại, hạn chế hiện nay trong quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Cần thiết kế các quy định nhằm đảm bảo tách bạch, phân định rõ chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước, chức năng của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và chức năng chức năng quản lý doanh nghiệp. Đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước đối với nguồn lực Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhưng Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp; giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Đảm bảo nguyên tắc vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp; tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với dự thảo Luật và cho rằng, phạm vi điều chỉnh đã thể chế hóa Nghị quyết số 12-NQ/TW, cơ bản bám sát các chính sách khi Chính phủ đề xuất xây dựng luật, phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp. Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm bao quát, xử lý được các tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật số 69. Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là tài chính, tài sản công cần được quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí trong khi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật không bao gồm “sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp” có thể dẫn đến khoảng trống pháp lý. Do đó, đề nghị cần làm rõ nội hàm phạm vi quản lý, đầu tư vốn Nhà nước để từ đó quy định phạm vi áp dụng của Luật cho phù hợp.

Quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nguồn vốn do Nhà nước đầu tư

Trong khuôn khổ Phiên họp, các ĐBQH đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Đối tượng áp dụng của dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp; Tăng cường sự quản lý hoạt động của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư...

Các đại biểu Quốc hội và khách mời tham dự Phiên họp

Đóng góp ý kiến về đối tượng áp dụng của dự án Luật, có ý kiến cho rằng, đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên phù hợp với khái niệm về doanh nghiệp Nhà nước nêu tại Nghị quyết 12/NQ-TW và Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại Phiên họp cũng có ĐBQH nêu quan điểm, quy định tại dự án Luật mới chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước mà chưa bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước dưới 50%. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp dưới 50% đang hoạt động nên cần có quy định để quản lý vốn và tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp này. Vì vậy, cần bao quát hết các trường hợp có vốn Nhà nước đầu tư, quản lý chặt chẽ nguồn lực của Nhà nước, tranh nguy cơ thất thoát, lãng phí và tránh tạo khoảng trống pháp lý.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Về mức trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, có ĐBQH đề nghị mức trích vào Quỹ cần được nghiên cứu cụ thể, căn cứ vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. Do vậy, ĐBQH đề nghị không quy định cứng tại dự án Luật mà giao Chính phủ hướng dẫn việc trích lập Quỹ này theo nguyên tắc trao quyền cho cơ quan đại diện chủ hữu quyết định mức cụ thể tại từng doanh nghiệp theo nhu cầu sử dụng vốn để đầu tư phát triển và cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm về quyết định của mình trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp.

Liên quan đến quản lý và giám sát hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, tại Phiên họp, có ĐBQH cho rằng, thực tế là hiện nay, có doanh nghiệp không quan tâm đến việc kinh doanh, đầu tư cho sự phát triển ít được quan tâm. Do vậy, trong dự án Luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề thực hiện các hoạt động công ích. Trường hợp doanh nghiệp không đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra thì phải đưa ra thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không hoàn thành thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu đối với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Các ý kiến đều tập trung vào việc góp phần tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn hiện nay đối với việc quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.  

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp để tham mưu xây dựng các báo cáo chính thức của Chính phủ, gửi cơ quan thẩm tra rà soát, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp thứ 38 tới.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách

Các đại biểu Quốc hội và khách mời tham dự Phiên họp

Đại diện các Bộ ngành tham dự Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Tuấn Anh

Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu kết luận Phiên họp./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác