Đảm bảo tính thống nhất giữa các Báo cáo của TANDTC, VKSNDTC để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

25/09/2024

Cho ý kiến về các báo cáo công tác tư pháp năm 2024 tại Phiên họp thứ 37 của UBTVQH, các thành viên UBTVQH đánh giá cao các báo cáo của TANDTC, VKSNDTC có nhiều đổi mới, nhiều chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt mức Quốc hội giao. Tuy nhiên đối với các mặt công tác còn hạn chế, các ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung nội dung hồ sơ, thông tin, cập nhật đầy đủ số liệu, đảm bảo tính thống nhất giữa các báo cáo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Quang cảnh Phiên họp

Cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) tại Phiên họp thứ 37, các thành viên UBTVQH đánh giá cao các báo cáo của TANDTC, VKSNDTC có nhiều đổi mới, kết quả của các công tác này khá cao so với yêu cầu đặt ra, nhiều chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt mức Quốc hội giao; đạt kết quả tốt cả về vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, các số liệu cần được tiếp tục bổ sung, làm rõ thực chất của kết quả đạt được, nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan và giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tuy chặt chẽ hơn nhưng cần tiếp tục cập nhật các số liệu để đảm bảo tính thống nhất giữa các báo cáo.

Đánh giá cao các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án TANDTC, của Viện trưởng VKSNDTC có những đổi mới và cơ bản tổng hợp được số liệu, phản ánh tương đối rõ kết quả trên các mặt công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về nội dung này.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các báo cáo mới nêu được tình hình và đề xuất một số các kiến nghị như lâu nay đã kiến nghị, do đó cần chọn ra những vấn đề nổi lên của năm để tập trung phân tích rõ, báo cáo và thẩm tra một cách toàn diện.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

“Những vấn đề gì nổi lên của năm nay khác so với năm trước, cần phân tích cho rõ để báo cáo, thẩm tra và thống nhất đề xuất giải quyết cho năm sau. Trong kiến nghị nên có các thời hạn, nhất là kiến nghị về các giải pháp thực hiện, cần phải có thời hạn giải quyết dứt điểm hoặc giải quyết một phần”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nhận thấy Báo cáo của Chánh án TANDTC có tình trạng kết án không oan là tốt nhưng có sai, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Báo cáo chưa phân tích rõ nguyên nhân tại sao. “Vì vụ việc mới quá, phức tạp, khó quá, nhiều vấn đề chưa rõ trên thực tế dẫn đến sai hay do trình độ, năng lực và do trách nhiệm của chúng ta, vì vậy cần cố gắng phân tích vấn đề này”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần phân tích rõ các nguyên nhân chủ quan khi việc giải quyết, xét xử một số vụ án hình sự chưa đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết 96/2019/QH14, kết án sai tội danh, xử phạt chưa đúng tính chất, mức độ của hành vi; việc giải quyết, xét xử các vụ án dân sự chưa đạt.

Về việc giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tỷ lệ giải quyết án hành chính bị hủy chưa đạt do nguyên nhân chủ quan còn cao, trong đó có nguyên nhân là công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong tham gia giải quyết vụ án, kể cả trong thi hành án hành chính. “Hai vấn đề này năm nào cũng nói, bây giờ liên hệ giữa tư pháp và hành chính thế nào? Các chế tài xử lý hành chính thế nào khi người đứng đầu các cơ quan hành chính công phối hợp với các cơ quan tư pháp, trong luật có chưa, trong các nghị định có chưa? Nếu chưa có thì phải tăng cường”, Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần có chế tài xử lý nghiêm đối với người đứng đầu các cơ quan hành chính không phối hợp, thậm chí không cung cấp thông tin và không tự giác thi hành án, buộc Tòa án phải quyết định thi hành án dân sự.

Liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn ở nhiều địa phương. Vì hiện nhiều Tòa án địa phương chưa đầu tư đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị do Nghị quyết mới ban hành được hơn một năm. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá tổng quát rõ ràng, cụ thể để có giải pháp tiếp theo đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng, các chỉ tiêu năm 2024 của TANDTC, của VKSNDTC đạt được kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu của Nghị quyết 96/2019/QH14. Đối với ngành kiểm sát, chỉ tiêu đạt mức phấn đấu cao, đây là điểm tích cực.

Đối với ngành tòa án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đánh giá cao công tác chuyển đổi số cũng như việc hoàn thiện thể chế xây dựng pháp luật của Tòa án năm 2024. Các nhiệm vụ liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế đã được Tòa án tích cực triển khai và đến nay cơ bản đã hoàn thành những nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ, hoạt động của Tòa án và Viện kiểm sát còn một số hạn chế, bất cập. “Ví dụ một số chỉ tiêu được nêu trong Nghị quyết 96 tiếp tục ở mức thấp, thậm chí có những chỉ tiêu giảm so với năm 2023 như tỷ lệ xét xử giải quyết các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân tối cao mới đạt 85,28%, trong khi chỉ tiêu được giao là 88%...", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu dẫn chứng.

Đối với ngành kiểm sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận thấy, một số chỉ tiêu giảm hơn so với năm 2023 như tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được Tòa án chấp nhận, tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự, án hành chính cũng giảm so với năm 2023. Quan điểm của Ủy ban Pháp luật là đối với những chỉ tiêu phấn đấu qua quá trình thực hiện chúng ta thấy chưa thực sự phù hợp thì cần có điều chỉnh, những chỉ tiêu chúng ta đạt được mức cao hơn thì cần nâng lên.

Quan tâm đến một số vấn đề tồn tại, vướng mắc, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực pháp luật trong các báo cáo của Tòa án và Viện kiểm sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đề nghị trong các báo cáo của Tòa án, Viện kiểm sát ở phần phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 cần bổ sung thêm các thông tin liên quan đến việc tiếp tục triển khai thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, bảo đảm thực hiện một cách đồng bộ và đầy đủ các quy định mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến

Cảm ơn các ý kiến phát biểu của UBTVQH và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, các báo cáo rất đầy đủ, thể hiện được nội dung báo cáo của ngành, đồng thời nêu lên được những mặt tồn tại, hạn chế cần phải xem xét, chấn chỉnh cũng như đề xuất các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Về tình hình các vụ án, vụ việc ở một số lĩnh vực, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến nhận thấy, quá trình đấu tranh của chúng ta đã dần tiến đến phát hiện về bản chất nhiều hơn, tốt hơn so với trước đây, mặc dù có nhiều vụ án lớn, phức tạp nhưng đi sâu vào bản chất, nhất là án về kinh tế và tham nhũng. Đây là những điểm mới của năm nay.

Liên quan đến việc Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng so với cùng kỳ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong đấu tranh tội phạm hiện nay, lực lượng của chúng ta đang đối mặt áp lực rất lớn về tỷ lệ và số lượng các vụ việc khởi tố cũng như số bị can xử lý. Với tỷ lệ bình quân một năm tăng khoảng 8-10% các loại nhưng lực lượng biên chế vẫn giữ nguyên, điều này đã tạo ra áp lực rất lớn trong việc giải quyết để bảo đảm chống oan sai, chống bỏ lọt và đảm bảo giải quyết nhanh các yêu cầu tố tụng.

Cũng theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến, VKSNDTC đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất nếu không tăng số lượng biên chế thì phải tăng chỉ tiêu và chức danh pháp lý kiểm sát viên có thẩm quyền để xem xét, giải quyết các vụ việc khi số lượng các vụ việc ngày càng gia tăng. Do đó, mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây ủng hộ các ngành tư pháp vừa tăng số lượng, vừa nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao kết quả đạt được và sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của TANDTC, VKSNDTC. Năm 2024, các cơ quan tư pháp đã đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đổi mới công tác quản lý nghiệp vụ trong ngành, xử lý các công việc phát sinh trên tất cả các lĩnh vực theo chuyên môn và theo chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, biên chế không tăng, công việc ngày càng nặng nề, điều kiện bảo đảm và điều kiện ưu đãi còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, một số mặt công tác của ngành vẫn còn hạn chế, hệ thống pháp luật còn những điều chưa phù hợp, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, làm rõ giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, tiếp tục bổ sung, cập nhật đầy đủ các số liệu để đảm bảo tính thống nhất giữa các báo cáo. Đồng thời đề nghị TANDTC, VKSNDTC lưu ý các đề xuất, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp trong việc hoàn thiện, bổ sung nội dung hồ sơ, thông tin, số liệu, làm rõ những vấn đề mới, những vấn đề nổi bật khác với các năm trước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tốt của các cơ quan trong hệ thống chính trị, công tác của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu tiếp tục cải thiện so với năm trước. Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao và cơ bản thống nhất với các báo cáo đủ điều kiện để tiếp tục hoàn thiện, tiếp thu, trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác