Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

27/08/2024

Tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, chiều 27/8, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Toàn cảnh Hội nghị

Đã làm rõ, cụ thể hơn nhiều nội dung

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiệm vụ được phân công, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chỉ đạo phối hợp tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều cuộc họp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan có liên quan và chuyên gia để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Sau đó, Thường trực Ủy ban đã tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để thống nhất việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ngày 14/8/2024, tại Phiên chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Ngay sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận

Phát biểu điều hành tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 09 chương, 100 điều. Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã làm rõ và cụ thể hơn nhiều nội dung so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7, cơ bản đã nhận được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến vào các nội dung về sở hữu di sản văn hóa; chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích và điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng nhà ở riêng lẻ đã có trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Quy định cụ thể về quản lý, bảo vệ di sản văn hoá dưới nước

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung; đồng thời cho rằng dự thảo Luật sau khi chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Các đại biểu tại Hội nghị

Quan tâm đến di sản văn hoá dưới nước, các đại biểu nhấn mạnh, đây một bộ phận cấu thành của di sản văn hoá nói chung, di sản văn hoá Việt Nam nói riêng. Di sản văn hoá vật thể đang ở dưới nước có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học bao gồm di vật, cổ vật, các di tích, công trình xây dựng, địa điểm; di tích cổ nhân, cổ sinh vật có liên quan đến nguồn gốc của con người.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐQBH tỉnh Hải Dương cho biết, UNESCO đã phê chuẩn Công ước 2001 về bảo vệ di sản văn hoá dưới nước. Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 08/7/2005 về quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐQBH tỉnh Hải Dương

“Thực tế, chúng ta có một số kết quả từ việc khai quật khảo cổ học dưới nước những năm 1997 - 1999 đối với tàu đắm ngoài khơi Cù Lao Chàm, thu được nhiều hiện vật gốm, sứ có giá trị. Cuối năm 2023, khai quật tàu đắm ở bờ biển Cẩm An, Hội An còn phát hiện dấu vết cư trú của con người ở khu vực này như các bộ phận của ghe thuyền, bánh lái, mỏ neo, các đồ gốm sứ, cọc cừ/kè - gia cố bờ sông bến cảng, súng thần công… Nhiều hiện vật là di sản văn hoá dưới nước được trưng bày phát huy giá trị tại một số bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử - Văn hoá Hội An, trưng bày chuyên đề “Gốm Chu Đậu - Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm”…”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lấy dẫn chứng.

Khẳng định thêm về tiềm năng to lớn về di sản văn hoá dưới nước của Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, đặc điểm địa lý của Việt Nam với 3.260 km bờ biển và có trên 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn, nhỏ, gần và xa bờ với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều mưa bão, trên con đường hàng hải nối liền giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có vị thế đặc biệt trong giao lưu kinh tế và văn hoá với các nước, Việt Nam cũng sớm tham gia vào con đường thương mại trên biển. Do đó, dự thảo Luật cần bổ sung một điều quy định cụ thể về quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước từ việc Luật hoá quy định tại Nghị định số 86/2005 của Chính phủ; đồng thời, bổ sung quy định về thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản chìm đắm là di sản văn hoá tại Điều 39 dự thảo Luật để bảo đảm cơ chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dưới nước.

Tiếp tục hoàn thiện quy định về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng phản ánh thực tế vài năm trở lại đây, vấn đề hồi hương cổ vật đã được quan tâm khi nhiều cổ vật quý của Việt Nam được rao bán trên một số sàn đấu giá cổ vật nổi tiếng ở Pháp, Tây Ban Nha… Do vậy, cần phải có chiến lược, kế hoạch ở tầm quốc gia trong công cuộc hồi hương cổ vật, đi cùng với đó là hoàn thiện hành lang pháp lý với những chế độ đãi ngộ và ưu đãi đối với người có công gìn giữ, lưu truyền, bảo quản cổ vật.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết,hiện cổ vật có nguồn gốc Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài có số lượng lớn, trong đó rất nhiều cổ vật có giá trị là bảo vật quốc gia.

Theo đại Nguyễn Thị Sửu, các cổ vật không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn mang tính lịch sử của một dân tộc, một thế hệ lịch sử của dân tộc, ở đó chúng ta có thể hoàn thiện mảnh ghép về bề dày văn hóa của dân tộc. Trong khi đó, dự Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) hiện nay, chưa có một điều, khoản nào quy định về hồi hương cổ vật. Do vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa nội dung khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài công lập tham gia đưa cổ vật về nước một cách phù hợp.

Cũng quan tâm đến chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, so với Luật di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quan tâm hơn đến vai trò của bảo tàng tư nhân. Tuy nhiên, các quy định về bảo tàng tư nhân trong dự thảo Luật vẫn còn khá sơ sài, chủ yếu tập trung vào bảo tàng công lập. Do vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để quy định chính sách cụ thể hơn nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển bảo tàng tư nhân, để bảo tàng tư nhân đóng góp và phát huy giá trị di sản văn hóa đất nước.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm một số chính sách về phát triển nghệ nhân; chính sách vinh danh những danh nhân văn hóa...

Cần có tiêu chí về thủ tục hành chính thực hiện cấp phép sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích

Quan tâm đến việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thống nhất với nội dung tiếp thu giải trình của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, được thể hiện tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 28.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật phải xác định được tiêu chí về các thủ tục hành chính thực hiện cấp phép sửa chữa, cải tạo, xây dựng, thời gian trả lời đối với từng loại công trình trong khu vực bảo vệ di tích. "Bởi trong sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích để phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những công trình như công trình sửa chữa cải tạo nhỏ, nhằm bảo vệ di tích như sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước, đường dẫn, lắp đặt cột thu lôi, chống sét, cột thu phát sóng... trong khu vực bảo vệ II của di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt", đại biểu nói.

Ngoài ra, để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng góp ý các nội dung về về di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới; tên gọi và phạm vi điều chỉnh; chính sách, đối tượng và các hành vi bị nghiêm cấm…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm; đồng thời khẳng định sẽ cố gắng tiếp thu tối đa các ý kiến tại Hội nghị để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đảm bảo phù hợp nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận 

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi với 11 ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, theo đó các ý kiến đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Nhiều nội dung trong dự thảo luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và  các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội; hoàn chỉnh hồ sơ lấy ý kiến Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 8 tới.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Toàn cảnh Hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung làm việc

Các đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh 

Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Các đại biểu tại Hội nghị

Thu Phương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác