UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT DI SẢN VĂN HOÁ (SỬA ĐỔI)
Toàn cảnh phiên họp
Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân cả nước và của các vị đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 122 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 96 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại 19 Tổ, 24 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường và 02 ý kiến đại biểu Quốc hội gửi văn bản. Sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức nhiều cuộc họp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan và chuyên gia để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 09 chương với 101 điều, giảm 01 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7. Dự thảo Luật lần này đã làm rõ và cụ thể hơn nhiều quy định so với dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, nhận được sự tình đồng tình rất cao giữa Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan thẩm tra về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao sự chủ động, tích cực chủ trì, phối hợp của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 để chỉnh lý dự thảo Luật. Các tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng và đầy đủ theo quy định; cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo Luật được các cơ quan báo cáo kiến nghị tiếp thu, chỉnh lý.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc tiếp thu, giải trình 122 ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Dự thảo Luật sau khi được chỉnh lý, tiếp thu đã cơ bản đáp ứng đáp ứng yêu cầu, đạt được sự thống nhất cao. Qua báo cáo của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ 7 cơ bản đã được tiếp thu, giải trình nghiêm túc.
Đề cập tới chính sách của Nhà nước về di sản văn hoá, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy Trần Thanh Mẫn, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung 10 chính sách lớn của Nhà nước về di sản văn hoá tại Điều 7, tuy nhiên cần tiếp tục rà soát chính sách của Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát triển di sản văn hoá.
Nhấn mạnh chính sách có thể quy định trong Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) thì cần quy định rõ, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, quy định về thanh tra di sản văn hoá quy định tại Điều 98 dự thảo Luật có nêu "cơ quan thanh tra về di sản văn hóa được thành lập ở cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở Trung ương và địa phương.". Tuy nhiên, Nghị định số 01/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng có quy định về Thanh tra Bộ. Do vậy, cần làm rõ hơn về hai thiết chế này. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 52 Luật Lưu trữ năm 2024 quy định, tiêu chí xác định về trình tự, thủ tục công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được thực hiện theo quy định tại Điều 38 và Điều 49 Luật này; tuy nhiên Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang quy định nội dung này tại Điều 53. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ lưỡng, tránh sự giao thoa, chồng chéo về đối tượng áp dụng tư liệu, tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ,....
Nhận thấy dự thảo Luật có hơn 30 điều, khoản có nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những nội dung giao Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết khá lớn, do đó đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết theo hướng cụ thể tối đa trong dự thảo Luật để đảm bảo theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; những nội dung có thể quy định trong Luật thì cần quy định để khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ triển khai được ngay trong thực tiễn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm
Tham gia góp ý tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, chính sách dân tộc có liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã cơ bản được đảm bảo trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, nội dung chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật chủ yếu quy định mang tính chất định hướng. Qua thực tiễn giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, quy định như vậy còn khó triển khai trong thực hiện và cần có hướng dẫn chi tiết.
Mặt khác, trong báo cáo đánh giá tổng kết, một trong những nguyên nhân bất cập, hạn chế cần sửa đổi Luật nêu rõ, một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung hoặc chưa có điều khoản giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn các nội dung chính sách cũng như cách thức tổ chức thực hiện liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản của đồng bào các dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật hoặc có quy định giao cho cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện, bổ sung quy định Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 4, khoản 5 Điều 7 về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng cần nghiên cứu bổ sung thêm các quy định về phát hiện, đánh giá, quản lý, bảo quản, giữ gìn các di sản có tiềm năng trở thành di sản văn hóa trong tương lai. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ngoài việc bảo vệ, phát huy và phát triển giá trị các di sản văn hóa được ghi nhận thì Nhà nước cũng cần phải chủ động nhận diện, bồi đắp, phát triển những di sản văn hóa có tiềm năng trở thành di sản văn hóa trong tương lai.
Để giữ gìn, bảo vệ, quản lý hiệu quả các di sản văn hóa tiềm năng này, dự thảo Luật cần có quy định về trách nhiệm phát hiện, xác định, lựa chọn các di sản tiềm năng. Trên cơ sở đó, các di sản văn hóa tiềm năng này sẽ được nghiên cứu, xem xét để bảo vệ, phát huy giá trị theo quy định của Nhà nước. Nhà nước có chính sách cũng như có trách nhiệm hỗ trợ để phát hiện, bảo tồn, sử dụng các di sản văn hóa này.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các hành vi bị nghiêm cấm; phân loại di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích; tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa;...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Liên quan tới các chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về chủ trương, quy định các chính sách hỗ trợ đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ đối với miền núi, biên giới và hải đảo, đặc biệt là dân tộc thiểu số ít người song cần đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo các chính sách rõ hơn, cụ thể hơn, phù hợp với thực tiễn, tăng tính chủ động, phát huy hiệu lực, hiệu quả của các chính sách khi được ban hành.
Rà soát các cơ chế, chính sách về đầu tư công, đầu tư xã hội, việc phân cấp, phân quyền, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ của các chủ thể để công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đảm bảo mục tiêu lớn nhất của các chính sách cần được luật hóa là xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy để phát triển giữa truyền thống và hiện đại, giữa Trung ương và địa phương, giữa Bộ chủ quản với các Bộ, cơ quan ngang bộ cũng như chính quyền địa phương, giữa quốc gia và quốc tế, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới quyền văn hóa, quyền chủ thể, quyền con người để cơ chế thị trường có thể vận hành có hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa nói chung, trong bảo tồn di sản văn hóa nói riêng.
Hiện nay trong dự thảo luật có 33/101 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết và 7 điều giao cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, như vậy là tương đối nhiều. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu, rà soát các quy định trong văn bản dưới luật hoặc bổ sung những nội dung mới để luật hóa với phương châm bảo đảm những gì đã chín, đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm thì quy định trong Luật, để Luật ban hành có hiệu lực sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đồng thời cần đánh giá đầy đủ tác động của các thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh để bảo vệ, tu bổ, trùng tu, phục hồi di tích, phát huy giá trị di sản. Rà soát kỹ lưỡng tính thống nhất, đồng bộ giữa luật này với các luật khác có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu những nội dung cụ thể ở các điều mà các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý rất chi tiết, từ giải thích từ ngữ cho đến vấn đề sở hữu, sở hữu chung, sở hữu riêng, sở hữu toàn dân; lĩnh vực đầu tư Nhà nước, đầu tư xã hội; quản lý nhà nước về di sản văn hóa; công tác tuyên truyền, giáo dục; bổ sung đối tượng là trẻ em; chính sách phát hiện, bảo vệ, bồi đắp, hỗ trợ, đánh giá sản phẩm văn hóa có thể trở thành di sản văn hóa trong tương lai và những ý kiến cụ thể ở các điều về kỹ thuật lập pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, thực hiện đầy đủ các quy trình trước khi trình Quốc hội thông qua. Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp hoàn thiện thêm để trình hồ sơ dự án Luật tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 sắp tới./.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Quang cảnh phiên họp
Các đại biểu tham dự phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận nội dung thảo luận