LÀM RÕ CĂN CỨ CÁC QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DƯỢC

14/08/2024

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao về việc thiết kế chính sách đặc biệt để phát triển công nghiệp dược, tuy nhiên, cần làm rõ cơ sở các quy định về chính sách ưu đãi, từ quy định về thủ tục hành chính cho đến quy mô chính sách và Quỹ phát triển khoa học công nghệ để phục vụ cho hoạt động trong lĩnh vực dược.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DƯỢC

Trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định những nguyên tắc chung trong chính sách của Nhà nước về dược tại Điều 7 sửa đổi; cụ thể lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp dược và các ưu đãi, hỗ trợ để phát triển công nghiệp dược tại Điều 8 sửa đổi; giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm triển khai thực hiện.

Tại Điều 7 sửa đổi, dự thảo Luật đã làm rõ hơn một số nội dung so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, cụ thể: Làm rõ nội hàm ưu tiên về các thủ tục hành chính trong cấp giấy đăng ký lưu hành và cấp phép nhập khẩu đối với một số đối tượng tại khoản 5; Quy định về việc áp dụng các cơ chế ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ thuốc tại khoản 6; Bổ sung chính sách “xúc tiến thương mại để xuất khẩu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền” tại khoản 7.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh 

Điều 8 quy định cụ thể các lĩnh vực ưu tiên được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trong đó quy định quy mô của dự án đầu tư trong một số lĩnh vực dược với vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư được áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt (tương tự quy mô áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thành lập mới các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư). Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã điều chỉnh tỷ lệ mà doanh nghiệp được trích tối đa tính trên thu nhập tính thuế hằng năm để lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là 15% và được thực hiện trong 10 năm; bổ sung cơ chế để kiểm soát việc lạm dụng hoặc sử dụng quỹ không đúng mục đích.

Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, dự thảo Luật đã bổ sung quy định việc sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như thể hiện tại Điều 2 về sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự thảo luật đã đưa ra một số chính sách mới đột phá nhằm phát triển công nghiệp dược, cụ thể là xác định lĩnh vực ưu tiên, mức ưu đãi đầu tư, mở rộng phạm vi phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật có quy định ưu đãi đối với dự án có quy mô 3.000 tỷ và mức giải ngân trên 1.000 tỷ, đây là mức khác biệt lớn so với Luật Đầu tư. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung trong báo cáo giải trình, làm rõ cơ sở xác định quy mô đầu tư để được hưởng chính sách ưu đãi, tính khả thi của chính sách, cũng cần nghiên cứu xem cần có chính sách trong lĩnh vực này hay không hay áp dụng chung.

Phát biểu về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ quan tâm đến chính sách ưu tiên về các thủ tục hành chính quy định tại khoản 5 Điều 1. Tại khoản này, dự thảo Luật có quy định ưu tiên các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy đăng ký lưu hành đối với một số loại thuốc, cấp giấy phép, nhập khẩu thuốc mới, v.v.. Cơ bản đồng tình với nội dung quy định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ cụ thể ưu tiên trong thủ tục hành chính là ưu tiên về giảm bớt quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian hay giảm bớt những tiêu chí, hay các ưu tiên khác. Theo đó, cần có quy định mang tính nguyên tắc cụ thể hơn trong dự thảo Luật làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng 

Đối với chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ giải trình và làm rõ thêm đối với quy định tại khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ trích tối đa trên thu nhập tính thuế hằng năm để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp dược là 20%, nhưng dự thảo Luật sửa đổi điều chỉnh xuống còn 15%. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề, việc điều chỉnh giảm tỷ lệ trích quỹ phát triển khoa học, công nghệ của các doanh nghiệp dược liệu có phù hợp với mục tiêu và quan điểm sửa đổi luật là có chính sách ưu đãi cụ thể, vượt trội, đủ mạnh nhằm khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp dược trong nước phát triển đột phá, đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh cho nhân dân?

Đưa ra kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, về chính sách phát triển công nghiệp dược, mục tiêu của việc sửa đổi Luật Dược lần này quan tâm đến các đối tượng được ứng dụng và áp dụng các chính sách ưu đãi, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào phát triển công nghiệp dược. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao về chủ trương quy định lĩnh vực, quy mô áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển mạnh mẽ công nghiệp dược, làm thay đổi tỷ trọng về thuốc trong nước trên thị trường thuốc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần làm rõ cơ sở các quy định về chính sách ưu đãi từ quy định về thủ tục hành chính cho đến các chính sách ưu đãi, quy mô, chính sách và Quỹ phát triển khoa học công nghệ để phục vụ cho hoạt động của lĩnh vực dược. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế chủ trì phối hợp, đánh giá kỹ các tác động, tính khả thi và đảm bảo tính phù hợp với hệ thống pháp luật về đầu tư, đưa ra quan điểm chính thức về quy định đối với nội dung này, đảm bảo luật đi vào đời sống sau khi có hiệu lực thi hành.

Hồ Hương