KHÔNG CÓ SỰ PHÂN BIỆT VỀ GIỚI TRONG DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TIÊU CHUẨN VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TIÊU CHUẨN VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU MỚI CỦA THỰC TIỄN
Toàn cảnh Hội thảo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy chủ trì Hội thảo. Đề cập về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại toàn cầu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy
Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành luật thời gian qua cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong FTA thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế và nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là rất cần thiết.
Bổ sung thủ tục rút gọn với các quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế
Trong khuôn khổ Hội thảo, các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia đã tập trung đóng góp ý kiến vào tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp; thủ tục rút gọn với các quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế...
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam
Đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam cho biết: Quy chuẩn kỹ thuật đã giúp nền sản xuất trong nước bước qua thời kỳ quá độ khi trình độ sản xuất của các doanh nghiệp trong nước còn thấp, chưa tương đồng với trình độ sản xuất của các nền kinh tế thành viên.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm, việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ yếu dựa vào quy chuẩn kỹ thuật đã không còn phù hợp nữa, nhất là trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều thoả thuận thương mại thế hệ mới. Do vậy, rất cần sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trên trên tình thần xác định phương pháp quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, cần khẩn trương đưa các tổ chức đánh giá sự phù hợp thuộc sở hữu Nhà nước thành các công ty cổ phần nhằm đảm bảo công bằng giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp sở hữu tư nhân với các tổ chức đánh giá sự phù hợp sở hữu Nhà nước. Điều này đảm bảo tất cả các tổ chức đánh giá sự phù hợp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều tuân theo một chuẩn mực quốc tế. Có như vậy, nguyên tắc của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO): “Một chuẩn mực, một lần đánh giá, có giá trị khắp mọi nơi” mới có ý nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động sản xuất kinh hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật nên xem xét lại cách hiểu về điều kiện kinh doanh; đảm bảo thống nhất cách hiểu này giữa các Bộ ngành. Các yêu cầu về điều kiện sản xuất không thể coi là điều kiện kinh doanh bởi lẽ kinh doanh là quyền tự do của mỗi con người. Pháp luật có thể quy định ngành nghề cấm kinh doanh và hạn chế kinh doanh. Còn tất cả các ngành nghề còn lại thì bất cứ ai có đủ năng lực hành vi dân sự đều có quyền kinh doanh cho nên cần xác định rõ cái gì là điều kiện tiên quyết trước khi muốn kinh doanh.
Ông Nguyễn Hồng Uy – Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham)
Khoa học kỹ thuật thế giới hiện đang tiến rất nhanh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Uy – Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) nêu lên sự bất cập là tại khoản 2 Điều 35 của dự án Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quy định thủ tục sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật vẫn theo đúng trình tự như ban hành quy chuẩn kỹ thuật mới, tức phải mất vài năm. Điều này cản trở doanh nghiệp đổi mới sản phẩm khi tiêu chuẩn quốc tế đã thay đổi, nhất là đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên và đã bỏ phiếu đồng ý ban hành. Cụ thể, tiêu chuẩn sữa cho trẻ 6-36 tháng tuổi, Bộ Y tế đã bỏ phiếu nhất trí với sửa đổi của Ủy ban Codex ban hành tháng 2/2024. Các doanh nghiệp đề nghị Bộ Y tế để cho áp dụng thì Bộ Y tế cho biết cũng rất muốn cho áp dụng, nhưng phải sửa đổi QCVN 10-3/2010 và thủ tục phải mất khoảng 2 năm. Như vậy là thủ tục hiện nay đang kéo lùi các doanh nghiệp Việt Nam vài năm so với quốc tế.
Với bất cập trên, ông Nguyễn Hồng Uy kiến nghị bổ sung vào khoản 2 điều 35 quy định về thủ tục rút gọn với các quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, khi các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế có sự thay đổi. Cụ thể thêm câu: “Đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế mà Việt Nam đã bỏ phiếu đồng ý với thay đổi đó tại Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế thì các doanh nghiệp được áp dụng ngay tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế sửa đổi ngay khi ban hành, nếu điều kiện cho phép mà không cần đợi sửa đổi quy chuẩn Việt Nam tương ứng”.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia và VCCI đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phối hợp và hợp tác giữa hai bên nhằm tăng cường hỗ trợ các hoạt động quản lý nhà nước và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia đối với việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị Ban soạn thảo phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tiếp thu tối đa, kỹ lưỡng những ý kiến, đề xuất để phục vụ cho quá trình biên soạn, công tác thẩm tra dự án Luật và sau đó là chuẩn bị đưa ra Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Các đại biểu, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia tham dự Hội thảo
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI
Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế của VCCI
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đóng góp ý kiến
Bà Đặng Thị Ngân - Đại diện Hiệp hội sản xuất, kinh doanh thuốc thú y Việt Nam
Bà Đào Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Bộ phận Đối ngoại và trách nhiệm xã hội Công ty TNHH Canon Việt Nam
Ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam
Bà Đào Hồng Dịu - Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị Ban soạn thảo phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tiếp thu tối đa, kỹ lưỡng những ý kiến, đề xuất để phục vụ cho quá trình biên soạn, công tác thẩm tra dự án Luật và sau đó là chuẩn bị đưa ra Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia và VCCI ký kết Biên bản ghi nhớ về phối hợp và hợp tác giữa hai bên./.