CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT KHÓA XIII PHAN TRUNG LÝ: CẦN BÁM SÁT HƠN NỮA YÊU CẦU ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới (tháng 10/2024).
Quan tâm đến dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường tham gia đóng góp một số ý kiến về giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND; vấn đề chất vấn và trả lời chất tại kỳ họp của HĐND; lựa chọn chuyên đề giám sát của Thường trực HĐND…
Cân nhắc các quy định về giám sát chuyên đề của HĐND
Về giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường cơ bản nhất trí với những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung và chỉnh lý một số bất cập về kỹ thuật văn bản được thể hiện trong dự án Luật. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị quyết của HĐND về việc thành lập Đoàn giám sát phải xác định rõ “thời gian xem xét Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát”, vì các lý do sau đây:
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường
Thứ nhất, thời hạn Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND phải báo cáo sau khi kết thúc hoạt động giám sát đã được quy định cụ thể (trước kỳ họp gần nhất - Đoàn giám sát của HĐND, 15 ngày sau khi kết thúc hoạt động giám sát - Đoàn giám sát của Thường trực HĐND, 10 ngày sau khi kết thúc hoạt động giám sát - Đoàn giám sát của Ban của HĐND). Đại biểu Quốc hội khóa III Lê Việt Trường cho rằng, quy định này vừa bảo đảm thời hạn phải báo cáo nhưng cũng giúp cho Đoàn giám sát có sự chủ động nhất định trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ hai, cần tính đến những trường hợp do yếu tố khách quan bất khả kháng hoặc phải thực hiện sự điều hòa của cấp có thẩm quyền mà Đoàn giám sát không thể bảo đảm đúng thời gian mà Nghị quyết xác định, trong khi Nghị quyết lại không quy định những trường hợp ngoại trừ.
Thứ ba, cần tính đến trường hợp vì yêu cầu bảo đảm thời gian đã xác định của Nghị quyết, Đoàn giám sát buộc phải tiết giảm thời gian các hoạt động, các nội dung, quy trình tiến hành công việc của Đoàn giám sát làm ảnh hưởng đến chất lượng giám sát.
Từ các lý do nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường đề nghị không bổ sung quy định “Nghị quyết của HĐND về việc thành lập Đoàn giám sát phải quy định rõ thời gian xem xét Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát”.
Về bổ sung quy định “mời cơ quan chuyên môn, chuyên gia tham gia Đoàn giám sát” tại khoản 1 Điều 62 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường nhất trí với việc bổ sung quy định này. Vì thực tế cho thấy, các Đoàn giám sát của Quốc hội cũng như HĐND rất cần tham vấn những vấn đề có tính chất chuyên môn sâu, có tính đặc thù khi tiến hành giám sát nói chung, giám sát chuyên đề nói riêng.
Tuy nhiên để bảo đảm quy định này có tính khả thi, đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường cho rằng, không nên quy định chung chung “cơ quan chuyên môn và chuyên gia”. Vì về khái niệm, theo một số từ điển, “chuyên gia” là người được đào tạo về mặt chuyên môn theo hướng chuyên ngành, có kinh nghiệm thực hành công việc, có kỹ năng thực tiễn, có lý luận chuyên sâu về lĩnh vực cụ thể nào đó, có hiểu biết vượt trội so với mặt bằng kiến thức chung.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, việc xác định một người là chuyên gia có trình độ, năng lực, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phù hợp với yêu cầu cụ thể của mỗi Đoàn giám sát là vấn đề không đơn giản. Thực tế, năm 2022, UBTVQH ban hành Nghị quyết 15/2022/QH15 quy định việc sử dụng chuyên gia của một số chức danh lãnh đạo Quốc hội và cơ quan của Quốc hội, nhưng việc thực hiện đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị cân nhắc thêm quy định này.
Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường đề nghị chỉnh lý quy định này theo hướng “Đại diện cơ quan chuyên môn và cá nhân có trình độ, năng lực, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phù hợp với yêu cầu của Đoàn giám sát có thể được mời tham gia Đoàn giám sát do Trưởng đoàn giám sát quyết định”.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Sóc Trăng làm việc tại huyện Long Phú về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Ảnh minh họa)
Liên quan đến khoản 1 Điều 62a dự án Luật quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát của HĐND (liên quan quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn và một số điều, khoản khác có quy định về “tiêu chí lựa chọn”), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường đề nghị bổ sung cụm từ “quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội” và thể hiện như sau: “Vấn đề bức xúc, nổi lên về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương...”; đồng thời nên viết thống nhất trong toàn dự án Luật. Vì Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đánh giá toàn diện tình hình thực hiện quy định về chất vấn tại Phiên họp Thường trực HĐND
Liên quan đến chất vấn, trả lời chất vấn, dự thảo Luật quy định về “chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp HĐND nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp”, đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường cơ bản thống nhất với dự thảo Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm thông tin vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn được chuyển tải kịp thời đến công chúng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân (nếu kỳ họp HĐND có đủ thời gian thì những vấn đề này đã được chất vấn tại kỳ họp và được phát thanh, truyền hình trực tiếp, báo chí đăng tải và bình luận, theo đó cử tri và Nhân dân tiếp cận thông tin rất thuận lợi) và sự công bằng giữa vấn đề chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp và vấn đề chất vấn, trả lời chất vấn bằng văn bản, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường đề nghị nên quy định Thường trực HĐND giao Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, bộ phận giúp việc của HĐND cấp xã cung cấp kịp thời văn bản trả lời chất vấn cho các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương để chuyển tải đến cử tri và Nhân dân.
Dự thảo Luật cũng quy định về chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND, nội dung này đã được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hiện hành (Điều 69 của Luật hiện hành). Tuy nhiên nghiên cứu Hiến pháp năm 2013, đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường bày tỏ băn khoăn quy định này của dự thảo Luật vì hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND còn thiếu cơ sở pháp lý.
Phiên họp chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn (Ảnh minh họa)
“Nếu so sánh quy định này với quy định hoạt động chất vấn tại phiên họp UBTVQH, thì càng rõ hơn. Vì việc tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp UBTVQH có cơ sở pháp lý rất vững chắc, được bảo đảm bằng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 80 Hiến pháp năm 2013, trong khi đó hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND không được quy định trong Hiến pháp năm 2013”, đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường phân tích.
Vì vậy, việc tiếp tục giữ lại quy định này, đồng thời sửa đổi, bổ sung như trong dự án Luật là vấn đề cần được cân nhắc thêm. Về nguyên tắc, Quốc hội có thẩm quyền quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng bảo đảm không được trái với quy định của Hiến pháp.
Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường đề nghị Ban soạn thảo báo cáo UBTVQH yêu cầu HĐND các cấp đánh giá thật khách quan, toàn diện tình hình thực hiện quy định về chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND được quy định tại Điều 69 của Luật hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất phương án cụ thể, quy định sao cho sát với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao.
Cần quy định trách nhiệm và các điều kiện bảo đảm để mở rộng sự liên thông kết quả giám sát
Về lựa chọn chuyên đề giám sát của Thường trực HĐND, dự án Luật bổ sung Điều 70a và bổ sung cụm từ “quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương” tại điểm a khoản 1 Điều 70a. Theo đại biểu khóa XIII Lê Việt Trường, cần cân nhắc nội dung này, vì Hiến pháp chỉ quy định “HĐND quyết định những vấn đề của địa phương do luật định” (không có từ “quan trọng”). Đồng thời cho rằng, Hiến pháp quy định như vậy chính là giao cho Quốc hội khi ban hành luật cần cụ thể hóa những vấn đề của địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND gồm những vấn đề cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở quy định chung “vấn đề quan trọng của địa phương”.
Liên quan đến việc dự thảo Luật bổ sung Điều 90a về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII Lê Việt Trường nhận thấy, đây là một đề xuất tốt, tuy nhiên đề nghị cần quy định trách nhiệm và các điều kiện bảo đảm để mở rộng sự liên thông kết quả giám sát giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với HĐND, các cơ quan của HĐND nhằm góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả thông tin và các kết quả giám sát, hạn chế đến mức thấp nhất việc cơ quan Trung ương phải tổ chức nhiều đoàn giám sát, khảo sát tại địa phương mà vẫn có đủ thông tin tin cậy về tình hình thực hiện pháp luật ở cơ sở, phục vụ cho hoạt động giám sát của mình./.