PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: BẢO ĐẢM GIÁM SÁT LÀ KHÂU TRỌNG TÂM, THEN CHỐT TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

16/07/2024

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào sáng 16/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật đã xây dựng kế hoạch tương đối bài bản, triển khai các bước thận trọng, kĩ lưỡng, khoa học, bảo đảm tiến độ và dự thảo Luật cơ bản đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên đề nghị cần bám sát các nguyên tắc để cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, bảo đảm giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội và HĐND.

HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Toàn cảnh Hội thảo

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là cấp thiết

Tại Hội thảo, sau khi nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân - Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật trình bày báo cáo tóm tắt những nội dung cơ bản về Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh các nội dung cơ bản về phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật.

Trên cơ sở quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng cũng như trên cơ sở thực tiễn, các ý kiến khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là hết sức cấp thiết và có tính thời sự.

Các đại biểu đánh giá cao chất lượng của cả dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đồng thời nhận thấy, các nội dung được sửa đổi, bổ sung là sự chắt lọc, kết tinh và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng dựa trên cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn chặt chẽ. Trong đó, Tờ trình đã thuyết minh được đầy đủ, chặt chẽ sự cần thiết ban hành Luật (với các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn); mục đích, quan điểm xây dựng Luật; quá trình xây dựng Luật; phạm vi điều chỉnh và bố cục dự thảo Luật; vấn đề còn ý kiến khác nhau; tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích của dự thảo Luật với Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Qua thảo luận, các ý kiến góp ý về bổ sung nguyên tắc mới về hoạt động giám sát tại Điều 3 của Luật; về việc luật hóa, xây dựng mới các quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; về các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội (Điều 11); về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Các đại biểu cũng quan tâm góp ý về vấn đề cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động giám sát; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu Quốc hội trong thời gian vừa qua để có quy định mang tính khả thi hơn. Đồng thời cần ghi nhận quyền của các chủ thể giám sát khác như Đoàn đại biểu Quốc hội; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; Đoàn giám sát…, trong đó có quy định rõ trình tự, thủ tục để thực hiện quyền này của các chủ thể.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc đưa thêm nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến vấn đề giải trình của chủ thể chịu sự giám sát dưới cả hai khía cạnh quyền và trách nhiệm để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như tính khoa học, nghiêm minh, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Bước đầu dự thảo Luật đạt yêu cầu, mục đích đề ra và bảo đảm tiến độ

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra. Tại Phiên họp thứ 37 vào tháng 9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật này trước khi trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, từ nay đến thời điểm đó, Hội đồng Dân tộc đã có kế hoạch triển khai các bước. Hiện dự thảo Luật đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, đồng thời hiện dự thảo Luật cũng được xin ý kiến của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ban soạn thảo dự án Luật đảm bảo đúng tiến độ theo quy định pháp luật.

Qua các ý kiến của các đại biểu và chuyên gia, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành viên Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ các nội dung, đối với các hội thảo tổ chức thời gian tới, đề nghị mời rộng rãi các chuyên gia, các nhà khoa học để tham vấn ý kiến. “Nếu tổ chức không khoa học thì chúng ta không thu thập được nhiều thông tin. Đây là kênh thông tin để chúng ta tiếp thu và hoàn chỉnh dự án Luật vì nhiệm vụ của Ban soạn thảo là tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo Luật. Do đó, tôi đề nghị Hội đồng Dân tộc tổ chức các hội thảo này cần hết sức chú ý”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã xây dựng kế hoạch tương đối bài bản theo quy định, triển khai các bước thận trọng, kĩ lưỡng, khoa học, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có những việc cần thực hiện tuần tự theo quy định pháp luật, có những việc cần thực hiện song song, do đó cần thực hiện nhuẫn nhuyễn nội dung này. Đồng thời khẳng định, bước đầu thực hiện khối lượng lớn công việc, bảo đảm tiến độ và đưa ra được dự thảo Luật đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo này có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, nhiều thông tin, nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục bổ sung các tài liệu hồ sơ dự án Luật sao cho đầy đủ.

Nhận thấy đây là luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung phức tạp liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác, một số vấn đề đang vướng ở các luật khác nhưng chưa có kế hoạch sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc giải quyết mối quan hệ giữa luật này với các luật khác như thế nào thì cần bóc tách từng vấn đề. “Nếu đưa vào luật thì phải yêu cầu sửa các nội dung của các luật liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân… Cái nào sửa, cái nào chờ sửa là cần phải làm rõ”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cần bám sát 5 nguyên tắc để cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong dự thảo Luật

Cho rằng đây là lần đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giao cho một cơ quan của Quốc hội chủ trì xây dựng luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các nội dung cụ thể cần bám sát vào một số quan điểm sau:

Thứ nhất, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung, trong đó có hoạt động giám sát, tuân thủ Hiến pháp, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần bám sát 5 chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội thông qua để bảo đảm giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội và HĐND

Thứ hai, thông qua hoạt động giám sát để kiểm soát quyền lực Nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, bảo đảm yêu cầu theo thể chế chính trị của nước ta - Đảng lãnh đạo, Nhà nước điều hành và Nhân dân làm chủ. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phạm, vi, đối tượng, hình thức, phương thức, hệ quả pháp lý đều phải tuân thủ nội dung này; cung cấp cơ sở thực tiễn trong hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đổi mới, nâng cao hoạt động chung của Quốc hội để xây dựng Nhà nước pháp quyền. “Quá trình làm là phải phân biệt cho được cái nào vướng của pháp luật, cái nào vướng của tổ chức thực hiện, không được nhầm lẫn giữa hai vấn đề này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Thứ ba, cần bám sát 5 chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội thông qua để bảo đảm giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội và HĐND, giám sát để kiến tạo, giám sát đến cùng sự việc. Vì vậy, phải rõ hơn hệ quả pháp lý của từng hoạt động giám sát.

Thứ tư, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quy định về nguyên tắc với quy định cụ thể để bảo đảm không bị “luật khung, luật ống” nhưng vẫn phải phù hợp với thực tiễn.

“Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm đúng và có sự đồng thuận cao thì cần được luật hóa, kiên quyết đưa vào Luật và làm cho được. Vấn đề đã chín, đã rõ, thực tiễn kiểm nghiệm đúng nhưng chưa đồng thuận thì tiếp tục quy định ở các văn bản của UBTVQH, các nghị định của Chính phủ để tiếp tục làm cho đến khi đạt sự đồng thuận”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đối những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục mở vấn đề, đề xuất thêm các phương án lựa chọn để xin ý kiến UBTVQH.

Thứ năm, phải thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn việc sửa đổi dự án Luật lần này phải mẫu mực cả về phương thức, cách làm, mẫu mực về chất lượng, mẫu mực cả về trách nhiệm.

Nghiên cứu kỹ để luật hóa các nội dung cụ thể

Liên quan đến một số vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần bổ sung quy định các thiết chế độc lập để thu thập, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết chất vấn về giám sát; đề nghị nghiên cứu đề xuất này, nếu có thể thì luật hóa.

Về giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, giám sát để phát hiện bất cập của văn bản pháp luật nói chung là nội dung trọng tâm của hoạt động giám sát, đến nay nhiều vấn đề đã có kết quả. Và UBTVQH đã ban hành Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Do đó, đối với vấn đề luật hóa nội dung trong Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần lựa chọn sáng suốt để luật hóa một số điều trong Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15.

Đối với chất vấn, kết hợp xem xét việc thực hiện Nghị quyết, kết luận chất vấn trong năm, giữa nhiệm kỳ, năm cuối kỳ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đánh giá cao nội dung này nhưng cần tiếp tục xem xét, nghiên cứu thêm.

Về tổ chức giải trình, điều trần, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải thống nhất tên gọi, khái niệm “giải trình”, địa vị pháp lý của giải trình, tiêu chí, quy trình, thủ tục giải trình, luật hóa Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Liên quan đến giám sát việc tiếp xúc cử tri, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật và Ban Dân nguyện phối hợp với nhau để thống nhất nội dung cần đưa vào luật.

Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, tính toán thêm về hệ quả pháp lý của hoạt động giám sát, về tổ chức đoàn giám sát, về quyền, trách nhiệm cung cấp, sử dụng thông tin giám sát, về xây dựng chương trình giám sát và điều hòa giám sát…

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:

Quang cảnh Hội thảo

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật phát biểu khai mạc Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân - Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật trình bày báo cáo tóm tắt những nội dung cơ bản về Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh Lê Việt Trường 

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại Hội thảo

PGS. TS Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS. Phan Thanh Hà - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

TS. Phạm Thái Hưng - Chuyên gia độc lập

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Duy Hoàng Dương

 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh phát biểu tại Hội thảo./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác