XÂY DỰNG LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN CẦN SÁT THỰC TIỄN

09/07/2024

Chiều ngày 8/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh do Trung tướng Đỗ Quang Thành làm Trưởng Đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định nhằm phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng không nhân dân. Đây là dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua.

ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH KHẢO SÁT, LÀM VIỆC TẠI HUYỆN PHÚ CÁT, TỈNH BÌNH ĐỊNH VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham gia Đoàn khảo sát có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên; Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng; đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình và đại biểu Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. Cùng đi theo đoàn có đại diện Ban soạn thảo Luật Phòng không nhân dân.

Tham dự buổi làm việc, về phía Quân khu có Đại tá Lưu Xuân Phương, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5. Đại diện lãnh đạo tỉnh có bà Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, đại diện các sở, ngành, địa phương thuộc Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân tỉnh.

Các thành viên Đoàn khảo sát tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định

Báo cáo về Kết quả thực hiện các quy định của pháp luật bề phòng không nhân dân, Đại tá Đỗ Xuân Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo PKND tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, địa bàn chiến lược có vị trí quan trọng trong thế trận phòng thủ của quân khu 5, là một địa bàn trọng điểm về PKND. Những năm qua, công tác PKND được xác định là nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận chiến tranh nhân dân nên đã được quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động công tác PKND mang tính kiêm nhiệm, do đó công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các ban, ngành, đoàn tể với lực lượng Quân đội  trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác PKND chưa được đồng bộ, thống nhất, hiệu quả chưa cao. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và huấn luyện cho lực lượng chuyên môn PKND hiệu quả còn ở mức độ nhất định.

Ban chỉ đạo PKND tỉnh đề nghị xem xét, quy định trong Luật Phòng không nhân dân các quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm, lực lượng khi được huy động tham gia công tác PKND cho phù hợp nhằm phát huy được vai trò của lực lượng này đối với công tác PKND trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần thiết quy định nội dung, chương trình thời gian huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng về PKND cho các cấp học, bậc học trong chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu

Đại tá Nguyễn Đức Long, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Cục Phòng không Lục quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, đại diện Ban soạn thảo Luật phát biểu ý kiến

Về việc quản lý phương tiện bay siêu nhẹ, tàu bay không người lái, hiện nay, Nghị định số 36/2008 không quy định cơ quan chủ trì xử lý, xử phạt hành chính, tạm thu, tịch thu phương tiện, chế tài xử phạt đối với tàu bay không người lái và phương tiện nay siêu nhẹ. Trong khi đó, cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác PKND, nhất là ở cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm. Tỉnh Bình Định kiến nghị quy định thẩm quyền cấp phép các hoạt động bay của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ theo phân cấp quản lý ở từng độ cao bay. Ngoài ra, cần thiết quy định tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ thuộc loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát cho rằng, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với việc đưa các quy định về tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vào Luật, bao gồm cả các quy định về đăng ký, cấp phép, khai thác, sử dụng, đình chỉ chuyến bay, tạm giữ, thu giữ, chế áp cũng như xuất khẩu, nhập khẩu, thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Tuy nhiên, dự thảo luật lại chưa có quy định về nghiên cứu, sản xuất đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Từ tình hình thực tế của địa phương, các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị Ban chỉ đạo PKND tỉnh báo cáo rõ hơn những vi phạm của loại hình phương tiện bay siêu nhẹ, tàu bay không người lái, đồng thời có những đề xuất cụ thể để phục vụ việc hoàn thiện dự thảo Luật, vừa chặt chẽ trong quản lý, bảo đảm quốc phòng, an ninh, lại vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.

Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trưởng Đoàn khảo sát phát biểu kết luận buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định

Trung tướng Đỗ Quang Thành, Trưởng Đoàn khảo sát cho rằng, quy định về tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ là vấn đề lớn trong dự thảo Luật, đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục nghiên cứu để có những kiến nghị sát với thực tế. “Chính các đồng chí là những người tổ chức thực hiện mới thấy được những vướng mắc từ thực tiễn để mà kiến nghị trong dự thảo Luật. Vì vậy, các đồng chí phải trả lời được câu hỏi, liệu dự thảo Luật đã giải quyết được vấn đề thực tiễn chưa? Với những quy định như vậy, với những trang bị, phương tiện, tổ chức biên chế như hiện nay thì khả năng hoàn thành của các đồng chí như thế nào?”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đặt vấn đề.

Trưởng Đoàn khảo sát cũng đề nghị tỉnh Bình Định cần có những kiến nghị cụ thể về các vướng mắc, bất cập, đề xuất các quy định trong dự thảo Luật để Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý. Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trưởng Đoàn khảo sát nhấn mạnh, đây chính là cơ hội tốt để đại phương cùng với Cơ quan chủ trì thẩm tra, Ban soạn thảo nghiên cứu, đóng góp xây dựng luật Phòng không nhân dân, để luật sau khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới sẽ có sức sống, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và tránh tình trạng các quy định lại “bó”, lại “trói” so với thực tiễn./.

Khắc Phục

Các bài viết khác