QUỐC HỘI THÔNG QUA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ
Toàn cảnh phiên họp
Thảo luận tại Hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và khoáng sản với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, cần tiếp tục rà soát đối chiếu dự thảo Luật này với các luật có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thuế tài nguyên, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…
Các đại biểu cũng đánh giá, phần lớn quy định tại Điều 4 dự thảo Luật kế thừa quy định Luật Khoáng sản hiện hành, đồng thời bổ sung hai nội dung mới (nội dung tại khoản 4, khoản 8 Điều 4 dự thảo). Các đại biểu bày tỏ thống nhất với nội dung bổ sung này; thể hiện sự chia sẻ, hỗ trợ về mặt kinh phí nguồn lực cho địa phương có mỏ khoáng sản và hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân.
Nghiên cứu kỹ lưỡng quy định về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản
Góp ý cụ thể vào vấn đề trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản tại Điều 15, đại biểu Hoàng Thị Đôi – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, hiện có 02 loại ý kiến về nội dung này. Đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ 2, đề nghị quy định theo hướng: “Điều 15. Trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản: 1. Bộ Công Thương tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm I; 2. Bộ Xây dựng tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm II”.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La phát biểu
Đại biểu phân tích, Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ “Công tác quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa gắn kết… các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để sử dụng tối đa giá trị khoáng sản, bảo vệ môi trường”. Do đó, nếu “quy hoạch thăm dò, khai thác” tách biệt với “chế biến và sử dụng”, đồng thời giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì không phải là cơ quan quản lý về sản phẩm sẽ dẫn đến nhiều bất cập, khó có thể cân đối cung cầu trong nước và thị trường xuất, nhập khẩu để đảm bảo bình ổn giá cả thị trường, nhiều mặt hàng đưa vào diện quản lý bình ổn giá (xi măng, sắt thép…).
Trách nhiệm của các bộ chuyên ngành là Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng phải nắm chắc nguồn nguyên liệu đầu vào, khối lượng dự kiến sử dụng, công nghệ khai thác, chế biến. Do đó, với việc giao trách nhiệm quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng như luật hiện hành thì Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng đã phát huy công tác quy hoạch quản lý thống nhất, tập trung theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW và giải quyết được sản phẩm quy hoạch mang tính khoa học và khả thi trong thực tiễn.
Đồng thời, các bộ quản lý chuyên ngành là Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng thực hiện rà soát, điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu xây dựng là phù hợp với thực tiễn; giúp gắn kết hài hòa giữa việc thăm dò, khai thác với chế biến, sử dụng khoáng sản để đảm bảo nguồn nguyên liệu vừa đủ, cần thiết phục vụ sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng.Việc quy định này bảo đảm sự phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước; phát huy được tối đa năng lực, tổ chức của các cơ quan quản lý nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Vì vậy, việc giao Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng làm quy hoạch là phù hợp với các quy định hiện hành tại Luật Quy hoạch, Luật Khoáng sản và Luật Tổ chức Chính phủ, không gây mâu thuẫn chồng chéo với các quy định pháp luật khác.
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tham gia ý kiến
Cũng quan tâm đến nội dung về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, Điều 15 của dự thảo Luật quy định "Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức lập, trình quy hoạch khoáng sản nhóm I và nhóm II”. Đại biểu cho rằng việc khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II thuộc Bộ, ngành nào quản lý, khai thác thì Bộ ngành đó lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản và trình phê duyệt sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, quy định quy hoạch khoáng sản là quy hoạch ngành quốc gia gồm có quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I và nhóm II là quy định mới so với pháp luật hiện hành. Do vậy, đề nghị đánh giá tác động của việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản là quy hoạch ngành quốc gia.
Rà soát quy định về phương pháp xác định thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận quan tâm đến nội dung về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 103 của dự thảo Luật.
Về nội dung này, đại biểu đề nghị tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế là hợp lý nhất, vì các lý do sau:
Thứ nhất, việc tính tiền theo trữ lượng khoáng sản như hiện nay không đảm bảo chính xác. Thực tế hiện nay phần lớn là các doanh nghiệp khai thác nhiều hơn trữ lượng cấp phép dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước, mặt khác cũng có thể xảy ra các rủi ro cho tổ chức, cá nhân khi bị thanh tra, kiểm tra, điều tra.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu
Thứ hai, hiện nay có trường hợp doanh nghiệp đấu giá được quyền khai thác khoáng sản, được cấp phép và tiến hành nộp tiền nhưng trên thực tế doanh nghiệp trên không bao giờ khai thác được khoáng sản vì đất có trữ lượng khoáng sản đưa ra đấu giá phần lớn là đất của người dân, do vậy doanh nghiệp trúng đấu giá và chủ đất không thỏa thuận được thì không khai thác được. Như vậy rất khó cho tổ chức, cá nhân được cấp phép.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng và thu theo năm, quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế là phù hợp. Vì nộp tiền theo năm sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế chi phí tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Việc quyết toán tiền theo sản lượng thực tế sẽ công bằng hơn, vì có khi thăm dò sản lượng không được chính xác. Như vậy sẽ có lợi cho nhà đầu tư, cũng như Nhà nước khi trữ lượng khai thác có thể không chính xác lúc khảo sát, thăm dò.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng cho rằng, tài nguyên khoáng sản nằm trong lòng đất chưa thể phát hiện, đồng thời nhu cầu sử dụng thay đổi thực tế hàng năm, trong khi quy hoạch khoáng sản phụ thuộc vào nhu cầu phát triển kinh tế xã hội chung và của địa phương. Do đó, nhằm tránh ảnh hưởng đến sự phát triển chung, dự thảo Luật nên cân nhắc cho phép điều chỉnh, bổ sung hàng năm với các quy hoạch khoáng sản định kỳ, hàng năm.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và khoáng sản nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, hoàn thiện các quy định về đấu giá khai thác khoáng sản, thăm dò khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường phù hợp với thực tiễn, hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, tăng nguồn thu cho ngân sách và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia ý kiến vào nhiều điều, khoản cụ thể, cần nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo luật như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, phân nhóm khoáng sản, chính sách và trách nhiệm quản lý của Nhà nước về địa chất, khoáng sản, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác, quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa được khai thác; trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản, cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các trường hợp không đấu giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về quy hoạch khoáng sản và điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, điều tra địa chất về khoáng sản, thẩm quyền khoanh định, công bố quy hoạch khu vực có khoáng sản phân bố nhỏ lẻ, khu vực có trữ lượng khoáng sản, thực hiện dự án đầu tư, công trình tại các khu vực có dự trữ khoáng sản, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan, nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường, tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tại phiên họp
Các đại biểu tại phiên họp
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Các đại biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu giải trình
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận./.