TĂNG LƯƠNG NHƯNG CẦN CÓ BIỆN PHÁP HIỆU QUẢ KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

26/06/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 26/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Các ý kiến đề nghị tăng lương nhưng cần có biện pháp hiệu quả để kiểm soát lạm phát giá các mặt hàng thiết yếu đang có xu hướng tăng lên nhằm đảm bảo ý nghĩa của việc tăng lương, tăng thu nhập.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 26/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN Ở HỘI TRƯỜNG VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DƯỢC

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024 đã được Quốc hội thảo luận tại Tổ. Để tiếp tục hoàn thiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận các vấn đề đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra; tập trung thảo luận về cơ sở, căn cứ, sự phù hợp, mức độ đáp ứng yêu cầu các nội dung về cải cách tiền lương, mức độ và đối tượng điều chỉnh lương hưu, trợ cấp; sự cần thiết, tính khả thi việc đảm bảo nguồn lực và các điều kiện khác để thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp và các nội dung khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Cần thiết thực hiện lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, các khoản trợ cấp từ ngày 1/7/2024.

Phát biểu về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước thận trọng, chắc chắn, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu nhận thấy, từ thực tiễn chuẩn bị bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương còn bất cập do đưa phụ cấp công vụ 25% hiện nay vào bảng lương mới, dẫn đến lương cơ bản của công chức tăng bình quân 23,5%, thấp so với viên chức tăng bình quân là 54,3% và của lực lượng vũ trang tăng trên 43%. Tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng 30% và lực lượng vũ trang tăng 51,93%, đại biểu cho rằng, như vậy là chưa bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, chưa phù hợp với bảng lương mới theo dự kiến.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc tính lương theo vị trí, việc làm cần phải sửa đổi rất nhiều quy định về chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở hiện hành. Đồng thời cần phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới. “Khi bỏ phụ cấp nghề thâm niên của một số công chức, viên chức chuyên ngành, họ rất tâm tư khi không còn phụ cấp nữa. Có nhiều trường hợp phụ cấp rất cao nhưng khi sắp xếp theo mức lương mới thì sẽ bị giảm rất nhiều, nhất là ở vùng cao, vùng khó khăn. Đây là những vấn đề rất khó và phức tạp. Mặc dù hiện nay nhiều bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm, nhưng theo báo cáo còn chưa đảm bảo tính đồng bộ, chưa được tương đồng với nhau”, đại biểu nêu rõ.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng thuận việc Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục thực hiện lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ, chính sách là rất cần thiết.

Tăng lương nhưng phải có biện pháp kiểm soát lạm phát giá các mặt hàng thiết yếu

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Kết luận số 83-KL/TW năm 2024 của Bộ Chính trị sao cho phù hợp.

Nêu dẫn chứng quá trình tăng mức lương cơ sở tác động đến lạm phát, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ: Trong vòng 20 năm, chúng ta đã có 14 lần tăng mức lương cơ sở, trong đó, năm 2005, khi tăng lương cơ sở 20,7% thì lạm phát giảm từ 8,5% xuống 8,4%. Năm 2006, khi tăng lương cơ sở 28,57% thì lạm phát giảm từ 7,5 xuống 6,3%. Năm 2012, tăng lương cơ sở 26,5% thì lạm phát giảm từ 18,6% xuống còn 9,2%. Năm 2016, tăng lương cơ sở 5,2% thì lạm phát giảm từ 6,6% xuống 2,7%. Và năm 2023, tăng lương cơ sở 20,8% thì lạm phát giảm còn 3,25%.

Đại biểu nhận thấy, có 2 lần tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát, đó là năm 2008, khi tăng lương cơ sở 20% thì lạm phát tăng từ 6,3% lên 23%. Và năm 2011, khi tăng lương cơ sở lên 13,7% thì lạm phát tăng từ 9,2% lên 18,6%. Tuy nhiên năm 2008 và năm 2011, việc lạm phát này không chỉ do tăng lương cơ sở mà do lạm phát thế giới và giá dầu thế giới tăng, cộng với tỉ giá trong nước tăng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Thời gian tới chúng ta đã có bài học kinh nghiệm để hạn chế lạm phát khi tăng lương cơ sở, do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến một số nội dung sau:

Thứ nhất, chính sách tiền tệ, chủ động linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và giữ ổn định tỷ giá.

Thứ hai, việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh phải giãn ra, không cùng một lúc và cách xa ngày 01/7/2024.

Thứ ba, phải chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo cung hàng hóa, không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất.

Thứ tư, quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, té nước theo mưa và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh các vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

Cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề đối với các nhà giáo

Đồng tình cao với Báo cáo 329 ngày 21/6/2024 của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, với quan điểm và nguyên tắc khi triển khai chính sách cải cách tiền lương và các chính sách có liên quan cần có lộ trình phù hợp, từng bước thận trọng, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và khả năng chi trả của ngân sách thì việc Chính phủ đề xuất tăng mức lương cơ sở lên 30% vào thời điểm từ ngày 01/7/2024 là hợp lý, khả thi và có thể thực hiện ngay trong thời gian tới đây.

Cử tri ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ trong việc triển khai chính sách cải cách tiền lương trong thời gian qua trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn khi vừa vượt qua đại dịch COVID-19. Giải pháp điều chỉnh tăng lương cơ sở đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khu vực công từ 1,8 triệu đồng lên 2.340.000 đồng (tăng 30%), bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản sẽ áp dụng từ ngày 01/7/2024 tới đây đã đáp ứng được một phần sự mong mỏi của cử tri. Tuy nhiên, đại biểu Dương Minh Ánh nhận thấy, do chưa áp dụng chính sách cải cách tiền lương nên chúng ta vẫn tiếp tục áp dụng thang bảng lương, chế độ phụ cấp như hiện hành, vì vậy một số bộ phận công chức, viên chức khu vực công, trong đó có công chức, viên chức ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều tâm tư và băn khoăn.

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

“Chỉ có chính sách tiền lương đối với nhà giáo đã được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (đó là lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hệ thống lương hành chính sự nghiệp), sau 11 năm đến nay vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai. Trong suốt thời gian qua, các nhà giáo vẫn luôn hy vọng rồi một ngày nào đó sẽ có sự thay đổi lớn về chính sách tiền lương đối với nhà giáo”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.

Do đó, đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị với Quốc hội, Chính phủ khi nghiên cứu chính sách cải cách tiền lương tới đây cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng bằng luật hoặc các văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề đối với các nhà giáo.

Liên quan đến việc xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm để thực hiện chính sách tiền lương, đại biểu cho biết, hiện nay các bộ ngành, địa phương đã phê duyệt đề án vị trí, việc làm nhưng vẫn còn mang tính hình thức, thiếu rất nhiều ngành nghề, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị triển khai thực hiện. Vì vậy, đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành bổ sung danh mục vị trí việc làm theo lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình, lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị, tổ chức, cá nhân để sớm hoàn thiện danh mục này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, các ý kiến của các đại biểu phản ánh đa dạng, sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm với tinh thần xây dựng cao, cơ bản đồng tình với các Báo cáo của Chính phủ về cải cách tiền lương, về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp chính sách người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, các đại biểu đã nêu lên một số hạn chế, vướng mức trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới. Bộ Nội vụ đã có Báo cáo 3668 phát hành ngày 26/6 để giải trình các nội dung liên quan đến cải cách chính sách tiền lương…

Cảm ơn các ý kiến về vấn đề cải cách chính sách tiền lương rất xác đáng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn về vấn đề này để thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW cũng như các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, việc tăng lương lần này phải quan tâm đến kiểm soát được giá, đến cung cầu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước tiếp thu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp thực sự khả thi để thực hiện triệt để nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội thống nhất trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, các khoản trợ cấp từ ngày 01/7/2024 để đảm bảo đời sống cho công chức, viên chức, người lao động, người nghỉ hưu và các đối tượng chính sách.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Quốc hội khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền để cải cách toàn diện tiền lương, lương hưu, trợ cấp theo chủ trương của Đảng, trước mắt cần triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị đảm bảo thống nhất công bằng, công khai, minh bạch, tăng thu nhập cho người hưởng lương và trợ cấp. Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về nguồn lực từ ngân sách nhà nước từ Quỹ bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện đảm bảo các văn bản hướng dẫn, công tác phổ biến tuyên truyền để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Các đại biểu đề nghị cần hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương thu nhập, chế độ nâng lương, chế độ tiền lương gắn với tinh giản bộ máy, biên chế, vị trí việc làm. Đồng thời đề nghị cùng với việc tăng lương thu nhập, cần có biện pháp hiệu quả kiểm soát lạm phát giá cả các mặt hàng thiết yếu đang có xu hướng tăng lên để đảm bảo ý nghĩa của việc tăng lương, tăng thu nhập.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan liên quan tổng hợp các ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường để tiếp thu, giải trình đầy đủ và đưa các nội dung cần thiết, phù hợp vào Nghị quyết Kỳ họp trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng - Nghĩa Đức