TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 26/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN Ở HỘI TRƯỜNG VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DƯỢC

26/06/2024

Chiều 26/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 26/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

Từ 14 giờ 00 đến 16 giờ 00: Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội để cử tri và Nhân dân theo dõi.

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngày 18/6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, với 72 lượt ý kiến phát biểu, 5 đại biểu gửi góp ý bằng văn bản. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp đầy đủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát biểu bên cạnh 6 vấn đề chung 8 vấn đề cụ thể đã được báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội nêu, các vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận một số nội dung:

Một là, vấn đề phát triển công nghiệp dược, dự thảo luật lần này đã đưa ra nhiều chính sách cụ thể, trong đó có những chính sách mang tính vượt trội, khác biệt so với pháp luật hiện hành, nhất là những chính sách về ưu đãi đầu tư; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng về nội dung này. 

Hai là, về các hình thức, phương thức kinh doanh dược mới, trong đó có chuỗi nhà thuốc. Trong những năm gần đây, thị trường dược Việt Nam xuất hiện một số mô hình hoạt động theo chuỗi, mặc dù có cùng tên thương hiệu chung, cùng chủ sở hữu nhưng các nhà thuốc trong chuỗi hoạt động tương đối độc lập và được cấp giấy phép độc lập. Do vậy, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến thảo luận kỹ lưỡng, làm rõ khái niệm tổ chức chuỗi nhà thuốc, hệ thống chất lượng thống nhất và hệ thống chất lượng do doanh nghiệp, tổ chức chuỗi nhà thuốc đặt ra có cao hơn các tiêu chuẩn thực hành tốt do Bộ Y tế quy định hay không?; trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn chuỗi nhà thuốc cũng như trách nhiệm của các nhà thuốc trong chuỗi như thế nào?

Ba là, vấn đề quản lý giá thuốc, với các quy định trong dự thảo luật sửa đổi lần này; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kê khai giá thuốc, quản lý giá thuốc đã phù hợp; đã thống nhất và minh bạch về giá duy trì bình ổn giá; đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác điều trị và nâng cao khả năng tiếp cận thuốc của người dân ở các vùng khó khăn?

Bốn là, vấn đề oxy y tế, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng nội dung này quy định trong dự thảo luật đã phù hợp chưa?

Năm là, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề dược, quy định đang giao một phần thẩm quyền cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp; một cá nhân có thể được cấp hai chứng chỉ hành nghề dược.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ tham gia giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu.

14h04: Đại biểu Lê Văn Cường  - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cần quy định cụ thể chính sách ưu đãi hỗ trợ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lê Văn Cường  - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, qua nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, dự án Luật lần này nếu được thông qua có thể giải quyết được hầu hết các vướng mắc, bất cập hiện có, giúp tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 

Đại biểu cho biết, khoản 5, Điều 1 dự thảo Luật đã bổ sung nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ưu đãi đầu tư, chính sách thuế, đào tạo nhân lực. Để các chính sách này có thể triển khai trên thực tế, cần quy định cụ thể những ưu đãi đó là gì, trình tự, thủ tục, hồ sơ, điều kiện để được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.

Về mặt kỹ thuật, có những chính sách không thể quy định cụ thể ngay trong luật, mà phải dẫn chiếu tới các quy định của các luật khác có liên quan. Tuy nhiên, tại Luật Dược hiện hành, cũng như dự thảo Luật chưa quy định rõ việc giao quy định chi tiết các chính sách này, hoặc chưa có dẫn chiếu tới quy định của luật khác có liên quan. Do vậy, đại biểu đề nghị đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật việc giao cho Chính phủ, hoặc các bộ, ngành có thẩm quyền quy định chi tiết các chính sách của Nhà nước về Dược. 

Đối với các quy định liên quan đến hình thức kinh doanh chuỗi nhà thuốc, dự thảo Luật có quy định bổ sung hình thức này, theo đó, chuỗi nhà thuốc là hệ thống các nhà thuốc hoạt động kinh doanh dược theo hệ thống chất lượng thống nhất do doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc đặt ra. Đại biểu cho rằng, theo dự thảo, chuỗi nhà thuốc do doanh nghiệp là chủ thể tổ chức thực hiện, trong khi trên thực tế, chuỗi nhà thuốc có thể có nhiều chủ thể, có thể bao gồm tổ hợp tác, hợp tác xã. Đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định này để không làm giới hạn quyền kinh doanh của các chủ thể khác khi họ đáp ứng đủ các điều kiện như luật định.

14h09: Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên nhận thấy, dự thảo Luật đã tiếp thu, sửa đổi nhiều nội dung, bổ sung thêm các điểm, khoản trong Điều, đặc biệt nhiều điểm, khoản đều phải sửa dẫn chiếu áp dụng, chưa tính đến nội dung rà soát với các quy định của pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Thuế giá trị giá tăng, Luật Xuất nhập khẩu…

Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều 32 về kinh doanh được, nguyên liệu làm thuốc bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức điện tử, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên nhất trí với nội dung bổ sung quy định trong dự thảo Luật này. Quy định này sẽ phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng. 

Do đó, đại biểu cho rằng, cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử. Đồng thời phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro phát sinh nhằm bảo vệ người sử dụng được an toàn.

14h15: Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Bổ sung một số nội dung đối với quy định về quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài và điều kiện lưu hành oxy y tế

Đại biểu Trần Khánh Thu bày tỏ sự thống nhất với việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Dược, đồng thời đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo đã nỗ lực xây dựng hồ sơ dự thảo Luật Dược trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Dự thảo Luật lần này đã thể chế 5 chính sách, 15 nội dung hợp phần và 29 giải pháp. Để hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật lần này, đại biểu Trần Khánh Thu tham gia đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài được bổ sung tại Điều 53a, đại biểu Trần Khánh Thu cơ bản nhất trí với việc bổ sung nội dung này theo hướng mở rộng một bước quyền của các cơ sở này trong dự thảo Luật để tạo sự minh bạch trong quản lý, thích ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, xu hướng mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và điều chỉnh nội dung của dự thảo Luật cho phù hợp và bảo đảm thống nhất giữa các quy định của dự thảo Luật với các quy định của pháp luật về thương mại, đặc biệt là nội hàm của hoạt động phân phối, vận chuyển, bảo quản,… đang được quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Thương mại.

Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên thảo luận

Thứ hai, về quy định điều kiện lưu hành oxy y tế điều chỉnh ở phạm vi dự thảo Luật Dược lần này, theo đại biểu Trần Khánh Thu, nếu quản lý oxy y tế như thuốc như hiện nay, không có cơ sở sản xuất nào trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu về Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP theo khuyến cáo của WHO đối với Oxy.

Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội đang thực hiện thanh toán oxy y tế theo danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế nhưng bên cạnh việc sử dụng oxy mua để dùng cho người bệnh thì các giường cấp cứu, xe cấp cứu hiện đang sử dụng máy tạo oxy cho người bệnh sẽ không nằm trong phạm vi của luật và sẽ không được thanh toán. Đồng thời, trong khám bệnh, chữa bệnh ngoài oxy y tế còn một số khí y tế khác (như khí carbon dioxide (CO2), khí nitơ (N2), khí nitơ monoxide (NO), khí dinitơ monoxide (N2O); cũng đang không có quy định quản lý.

Từ các lý do trên, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị không điều chỉnh sản phẩm oxy y tế tại dự thảo Luật lần này; nhưng để tránh tạo khoảng trống pháp lý, nguy cơ sai phạm trong chuyên môn khi bác sĩ chỉ định dùng oxy cho người bệnh, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Chính phủ sớm ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế. Trong thời gian chưa ban hành được, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo áp dung quản lý oxy y tế theo quy định tại Hiệp ước Asian về quản lý thiết bị y tế mà Việt nam là thành viên vì trong hiệp định có nội dung xây dựng thực hành sản xuất tốt với oxy y tế.

14h21: Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục phân phối qua thương mại điện tử

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Quan tâm đến quy định về áp dụng thương mại điện tử, bán thuốc online, đại biểu cho rằng, chúng ta quản lý nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà giờ lại tính tới bán thuốc online thì sẽ có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý. “Ở trên không gian mạng, theo tôi thấy, các nội dung của dự thảo Luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn rất đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi”, đại biểu nói. 

Đại biểu đề nghị, tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử. Còn đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn khi nền pháp lý của chúng ta đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn và trật tự hơn. Chứ như hiện nay, đại biểu cho rằng, chưa phải là giai đoạn chín mùi bởi công tác chuẩn bị chưa đầy đủ.

14h28: Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng: Tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận thuốc nhập khẩu chất lượng cao

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lã Thanh Tân cho biết, những năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước trong Luật Dược hiện hành, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phát triển, bước đầu ngành công nghiệp dược nội địa đã có kết quả. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc từ năng lực cạnh tranh, thủ tục hành chính trong đầu tư, kiểm soát thị trường, nguồn nguyên liệu.

Đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật được bổ sung khá nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước thông qua việc sửa đổi, bổ sung các điểm, khoản trong Điều 7, Điều 8 và Điều 10 của Luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát để các quy định được bổ sung có tính đồng bộ và giải quyết được những vấn đề tồn tại, khó khăn nhất trong phát triển ngành công nghiệp dược nội địa. Đồng thời vẫn tạo điều kiện thông thoáng để người dân dễ dàng tiếp cận và được sử dụng các nguồn thuốc nhập khẩu chất lượng cao và các loại thuốc, dược phẩm, dược liệu quý hiếm.

Liên quan tới kiểm soát thị trường thuốc kinh doanh qua các hệ thống quầy thuốc, đại biểu chỉ rõ, Luật hiện hành đang có nhiều quy định liên quan đến việc kiểm soát hoạt động mua bán thuốc tại các quầy thuốc. Tuy nhiên trên thực tế, việc mua bán các loại thuốc tại nhiều nhà thuốc, quầy thuốc vẫn khá thoải mái, kể cả những loại thuốc thuộc diện phải kê đơn của bác sĩ chuyên khoa. 

Việc người bán thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn và tư vấn cho người mua dù hoàn toàn không có bằng cấp chuyên môn tương ứng về lĩnh vực y, dược còn khá phổ biến. Từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khoẻ của người dân như dùng sai chỉ định, dùng quá liều, tác dụng phụ của thuốc... Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các quy định, chế tài cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vấn đề này trên thực tế.

14h33: Đại biểu Phạm Như Hiệp - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Cần cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc

Góp ý tại phiên họp về việc phát triển công nghiệp Dược, đại biểu Phạm Như Hiệp đề nghị cần tập trung đầu tư thuốc xã hội cần và có giá trị kinh tế cao như thuốc có nguồn gốc dược liệu, sinh học, vắc-xin sinh phẩm y tế, các thuốc sản xuất nhượng quyền… đồng thời duy trì đổi mới tư duy, đổi mới khoa học công nghệ trong vấn đề sản xuất thuốc, tạo ra các sản phẩm đặc thù.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu sản xuất thuốc gắn liền với nhu cầu của thị trường; các nhà khoa học cần phải gắn với doanh nghiệp để nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới của Việt Nam, sản phẩm nhược quyền, chuyển giao công nghệ… Cần có các chính sách ưu đãi về thuế, thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư y tế… Đại biểu Phạm Như Hiệp cũng đề nghị cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho ngành thuốc.

14h40: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Cân nhắc quy định hậu kiểm đối với hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng

Cho ý kiến về quy định thông tin và quảng cáo thuốc, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này.

Đại biểu cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế quản lý tiền kiểm đối với quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng. Trên thực tế, hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng vẫn tồn tại nhiều bất cập; nhiều quảng cáo phóng đại gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng tràn lan trên các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, đã gây bức xúc trong cử tri và Nhân dân.

Đại biểu đặt câu hỏi, thực hiện chế độ tiền kiểm mà chúng ta vẫn đang còn vướng khó quản lý như vậy liệu khi chuyển sang chế độ hậu kiểm, chúng ta có thể thực hiện quản lý tốt được hay không? Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo thuốc có tính chất rất khác với các nội dung đã từng đặt ra vấn đề hậu kiểm. Đại biểu nêu thực tế, có bao nhiêu người trong số những người xem quảng cáo có đủ trình độ chuyên môn để đánh giá xem một sản phẩm thuốc hình thành từ các thành phần khác nhau có công dụng như thế nào, có tác dụng đến đâu để đánh giá được quảng cáo đó có vi phạm, có phóng đại, có gây nhầm lẫn cho người sử dụng hay không. 

Vì vậy, dù quảng cáo thuốc có vi phạm, người tiếp cận quảng cáo cũng khó có thể phát hiện ra để phản hồi đến các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý, nên việc thực hiện chế độ hậu kiểm sẽ rất khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục duy trì chế độ hậu kiểm như hiện nay; đồng thời cũng cần tăng cường công tác hậu kiểm để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng trong thời gian tới.

Vấn đề thứ hai, đại biểu cho rằng, dự thảo luật còn quy định khá mờ nhạt trong lĩnh vực sản xuất thuốc đông y, trong khi sản xuất thuốc đông y là thế mạnh dược phẩm của Việt Nam và có truyền thống lâu năm. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung này đầy đủ và hoàn thiện hơn. 

Về quy định giao Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cấp Chứng chỉ hành nghề dược cho người phụ trách công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý, đại biểu cho rằng, để đảm bảo sự thống nhất về mặt quản lý chuyên môn, tránh phát sinh các thủ tục vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thống nhất một đầu mối là giao cho Bộ Y tế cấp Chứng chỉ hành nghề dược.

14h44: Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Chỉ nên thành lập Trung tâm dự trữ thuốc hiếm điều trị bệnh cấp cứu

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu liên quan đến Điều 3 về thống nhất thành lập Trung tâm dự trữ thuốc hiếm quốc gia, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng, theo Thông tư số 26 năm 2019 của Bộ Y Tế, có tới 214 danh mục thuốc điều trị bệnh hiếm gặp và 219 danh mục thuốc không có sẵn. Do đó, đại biểu Nguyễn Tri Thức nhận thấy, chỉ nên thành lập Trung tâm dự trữ thuốc hiếm điều trị bệnh cấp cứu, chứ không phải thuốc hiếm điều trị các bệnh mãn tính và bệnh hiếm gặp để tránh lãng phí.

Liên quan đến Điều 54 khoản 5 điểm b cho phép đăng ký lưu hành các thuốc nhập khẩu và nguyên liệu thuốc nhập khẩu, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị lưu ý thêm đối với những thuốc mà các thị trường lớn trên thế giới đã lưu hành, đã đưa vào bảng hướng dẫn điều trị áp dụng trên tất cả các nước như EU, Mỹ, Nhật Bản… thì cần xem xét không nhất thiết phải đăng ký lưu hành ở Việt Nam mà có thể cho lưu hành luôn để đảm bảo thời gian cho bệnh nhân kịp thời sử dụng các thuốc quý, hiếm và thuốc đặc trị tốt, kịp thời với sự phát triển của khoa học, công nghệ trên thế giới. Vì thực tế hiện nay đã có nhiều thuốc ung thư, tim mạch lưu hành và điều trị hiệu quả trên thế giới và vẫn phải đăng ký lưu hành ở Việt Nam, mất nhiều thời gian sau đó mới được công nhận ở Việt Nam.

Về Điều 56 khoản 1 điểm b quy định việc đăng ký lại giấy phép lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị quy định theo hướng: những thuốc đã đăng ký lưu hành thì khi đến thời điểm đăng ký lưu hành lại, không phải nghiễm nhiên được đăng ký lưu hành lại. Khi lưu hành lại thì phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo thông tư của thời điểm lưu hành lại.

14h50: Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Nghiên cứu, bổ sung một số quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Đại biểu Tráng A Dương đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đề góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Tráng A Dương tham gia đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tại điểm a khoản 4 Điều 1 về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 của Luật Dược, đại biểu Tráng A Dương đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về hoạt động giao dịch, mua bán theo phương thức thương mại điện tử, đồng thời quy định bổ sung thêm những hành vi nghiêm cấm đối với hoạt động này nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.

Thứ hai, tại điểm a khoản 5 Điều 1 về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 của Luật Dược quy định ưu đãi đầu tư đặc biệt, ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Đại biểu Tráng A Dương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết danh mục thuốc, nguyên liệu thuốc được ưu tiên.

Thứ ba, tại điểm b khoản 11 Điều 1 về sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 28 quy định người đã được cấp chứng chỉ hành nghề dược trong thời gian 12 tháng liên tục không thực hiện trong các phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề dược. Đại biểu Tráng A Dương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bỏ khoản 8 Điều 28.

Thứ tư, tại khoản 21 Điều 1 về bổ sung Điều 47a vào sau Điều 47 của Luật Dược quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc, đại biểu Tráng A Dương đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung thêm một khoản vào Điều 47a như sau: Bộ Y tế quy định chi tiết về hoạt động chuỗi nhà thuốc và tiêu chí, thủ tục công bố doanh nghiệp có tổ chức chuỗi nhà thuốc để đảm bảo sự thống nhất khi thực hiện.

14h54: Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Cần bổ sung quy định về việc ban hành danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà bày tỏ quan tâm đến vấn đề rà soát, bổ sung thuốc và danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Theo đại biểu, đây là một nội dung quan trọng thể hiện nhóm chính sách đã được thông qua khi đề nghị đưa dự thảo Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đây cũng là một trong những vấn đề mà cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay. Đó là danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, tỷ lệ được hưởng bảo hiểm y tế đối với những thuốc đồng chi trả và danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở. 

Đại biểu cho biết, hiện nay, danh mục này đang được quy định tại Thông tư 20 năm 2022 của Bộ Y tế. Thông tư này cũng chỉ bổ sung thêm 07 hoạt chất so với quy định tại Thông tư 30 năm 2018, nhưng những hoạt chất này chỉ được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong điều trị Covid- 19, trong khi các hoạt chất đó có thể được chỉ định điều trị trong nhiều trường hợp thiết yếu khác.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp dược đang có những tiến bộ về khoa học, có nhiều thuốc thế hệ mới hay một số dạng bào chế đặc biệt làm tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh. “Việc chậm ban hành và ít cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả sẽ làm ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận các phương thức điều trị mới tiên tiến trên thế giới, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, những người đang trông chờ vào bảo hiểm y tế để được khám bệnh, chữa bệnh. Tôi đề nghị luật hóa nội dung này”, đại biểu đề nghị. 

Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về việc ban hành danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Theo đó, nội dung quy định mới bao gồm các nguyên tắc, điều kiện đưa thuốc vào danh mục; quy trình, thủ tục rà soát, bổ sung thuốc vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần quan tâm việc cập nhật danh mục. Việc này phải được thực hiện hàng năm và giao Bộ Y tế quy định chi tiết.

15h01: Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Bảo vệ tối đa quyền lợi chính đáng của nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh ác tính

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ, danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế được ban hành bằng các Thông tư, nhưng từ năm 2011 đến nay mới có 4 lần ban hành. Như vậy, khoảng từ 3 đến 4 năm Bộ Y tế mới ban hành một Thông tư quy định danh mục thuốc mới, tại mỗi Thông tư, số thuốc được bổ sung cũng rất ít. Trong khi đó, khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ, các thuốc mới ra đời nhanh và nhiều, liên tục xuất hiện phác đồ điều trị mới làm thay đổi cơ bản chất lượng điều trị bệnh, nhất là các bệnh khó, bệnh ác tính,.. Chính vì vậy, sự chậm trễ trong việc bổ sung thuốc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị cho người bệnh. 

Do đó, đại biểu đề nghị lần sửa đổi này cần có thêm nội dung quy định danh mục thuốc là trách nhiệm của Bộ Y tế và cho cán bộ y tế sử dụng để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, danh mục này phải được bổ sung hàng năm. Thêm vào đó, Bộ Y tế cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng điều khoản quy định về điều chỉnh tỷ lệ chi trả hàng năm, qua đó bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh ác tính phải điều trị lâu dài.

Liên quan tới vấn đề quảng cáo thuốc, đại biểu nêu rõ, quảng cáo thuốc không được như chỉ định kê đơn và phải giao cho người có chuyên môn về loại thuốc đó thực hiện.

15h07: Đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp dược

Đại biểu Trần Văn Sáu cho biết, ngành dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về dược đã tạo cơ sở pháp lý cho phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, chính sách của nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược tại Điều 7 và Điều 8 là nội dung rất quan trọng, có liên quan trực tiếp đến an ninh y tế; cơ quan soạn thảo cần cân nhắc vấn đề này. 

Đại biểu cho biết, có một vài số liệu làm cho chúng ta chưa thật sự yên tâm như hiện nay số thuốc tân dược được sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 46% nhu cầu cho điều trị bệnh; số còn lại chúng ta phải nhập khẩu. Trong số 46% thuốc sản xuất trong nước, có đến 90% nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc đầu tư sản xuất hóa dược còn rất hạn chế; phát triển dược liệu đã được đề cập nhiều trong các văn bản luật, các chiến lược, nghị định… và được giao rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, đến nay phát triển dược liệu vẫn còn nhiều khó khăn với 5 thiếu cơ bản: thiếu tập trung, thiếu thị trường, thiếu cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho phát triển, thiếu công nghệ và thiếu mô hình tổ chức sản xuất phù hợp. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm đến vấn đề này.

Đại biểu cho biết, lĩnh vực dược liệu được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý thừa nhận có lợi thế cạnh tranh do Việt Nam có nhiều ưu thế ưu đãi, do vậy cần thiết phải nhìn nhận, xây dựng chiến lược, rà soát, bổ sung hoặc loại bỏ một số chính sách để tổ chức triển khai phát triển dược liệu ở Việt Nam nhằm thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, từ đó từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh về dược ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, để phát triển dược liệu đúng hướng, cần rà soát các cơ chế, chính sách ở các lĩnh vực trồng dược liệu, sản xuất sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam, phát triển chuỗi gắn với tổ chức kinh tế cộng đồng, du lịch cộng đồng, xây dựng vườn cây thuốc công nghệ cao; các chính sách vay vốn ưu đãi, đăng ký sản phẩm theo hướng đơn giản hóa, tăng đầu tư công trong lĩnh vực này…

15h13: Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Cần nghiên cứu, lựa chọn những loại cây dược liệu làm cây chủ lực quốc gia

Tham gia góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Chu Thị Hồng Thái bày tỏ quan tâm tới Chính sách của nhà nước về dược và phát triển công nghiệp Dược, tại Chương II của dự thảo Luật.

Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm ban hành và quan tâm đến các vấn đề về quy chế quản lý giống; hướng dẫn kỹ thuật; mức hỗ trợ đối với các chương trình, dự án trồng cây dược liệu sử dụng kinh phí nhà nước; việc phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; định hướng phát triển các nhà máy chế biến, tạo vùng nguyên liệu để các địa phương có kế hoạch triển khai phù hợp.

Bên cạnh đó, hiện nay việc phát triển cây dược liệu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, đầu ra không ổn định, chưa có nhiều vùng phát triển theo chuỗi giá trị, nhiều loại dược liệu được trồng theo quy hoạch nhưng khi thu hoạch lại không có thị trường đầu ra. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét có quy định về chính sách ưu đãi cụ thể hơn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện sản xuất theo liên kết chuỗi gắn với các vùng nguyên liệu dược.

Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban xã hội, trong đó có nội dung “cần thể hiện được tính đột phá, đủ mạnh, đồng bộ, khả thi về đầu tư, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu Việt Nam”. Để thực hiện được nội dung này, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, lựa chọn những loại cây dược liệu làm cây chủ lực quốc gia hoặc có thể gọi là cây “Quốc dược”, để hỗ trợ, đầu tư từ nghiên cứu khoa học, giống, kỹ thuật, vùng nguyên liệu đến thị trường có trọng tâm, trọng điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên thảo luận

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với loại dược liệu chủ lực quốc gia; bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT về lập danh sách loại dược liệu chủ lực quốc gia; trách nhiệm của Bộ Công thương về hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, xúc tiến quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường sản phẩm dược liệu chủ lực của Việt Nam; bổ sung về trách nhiệm của Bộ Khoa học và công nghệ về việc xúc tiến bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các loại dược liệu chủ lực của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

15h18: Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Thị Kiều thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đại biểu cũng cơ bản đồng tình với một số quy định mới của dự thảo Luật. Tán thành nhiều với chính sách của dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với các chính sách có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá về tính thực tiễn, việc tiếp cận về thuốc của người dân, mức độ đáp ứng nhu cầu về thuốc của các cơ sở y tế, khả năng kinh tế của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; đồng thời, đánh giá về sự hiệu quả, giá trị của dược liệu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, nghiên cứu bổ sung các chính sách đặc thù, mang tính thực tiễn hơn của Nhà nước để người đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận một cách tốt nhất về thuốc và có sự đầu tư thỏa đáng để phát triển dược liệu trong vùng dân tộc thiểu số.

Về một số nội dung có liên quan đến thủ tục hành chính tại Điều 24, 25, 26, 27 của Luật Dược hiện hành, đại biểu nêu rõ, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính. Do đó, việc cải cách thủ tục đề nghị cấp lại, điều chỉnh Chứng chỉ hành nghề dược là cần thiết. Vì vậy, cần rà soát, đánh giá tác động để đơn giản hóa một số giấy tờ, thời gian giải quyết đối với một số nội dung.

Ngoài ra, hiện nay đang bùng nổ việc bán thuốc, quảng cáo thuốc trên các nền tảng mạng xã hội với việc quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, “thổi phồng” tác dụng của thuốc, bán thuốc giả, đánh đồng giữa thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng …làm nguy hại đến sức khỏe của người dân, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng và một mức độ nào đó đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu xây dựng các quy phạm chặt chẽ hơn trong kinh doanh dược.

15h22: Đại biểu Nguyễn Công Hoàng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Cần quy hoạch vùng dược liệu để sản xuất thuốc

Đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Y tế, đại biểu Nguyễn Công Hoàng cho biết, ngay sau khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thông qua đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho ngành y tế trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đồng thời để đồng bộ giải quyết một số vấn đề bất cập về thuốc, điều trị, Bộ Y tế đã trình Quốc hội để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược năm 2016 về sản xuất, kinh doanh, quản lý, lưu hành, sử dụng thuốc, về nguyên liệu làm thuốc, ôxy y tế… Do đó, đại biểu đồng ý và thống nhất cao dự thảo Luật lần này.

Về sản xuất thuốc, đại biểu Nguyễn Công Hoàng nhận thấy, hàng năm nước ta nhập khoảng 60 nghìn tấn nguyên liệu làm thuốc, trong dó 80%-90% nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ, đôi khi các nguyên liệu này thì người dân trồng được nhưng không có pháp nhân, không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nên không bán được. Do đó, đại biểu mong rằng, Bộ Y Tế cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quy hoạch vùng dược liệu để sản xuất thuốc và có các quy chuẩn. Đồng thời cần quy hoạch phát triển các công ty dược trong nước, đầu tư hợp tác quốc tế công nghệ sản xuất thuốc…

Về kinh doanh thuốc, đại biểu Nguyễn Công Hoàng quan tâm đến giá thuốc và cho rằng, việc quản lý giá thuốc trong giai đoạn hiện nay còn lỏng lẻo và có nhiều giá. Người dân đi mua thuốc có thể bị đội giá lên rất nhiều. Do đó đại biểu đề nghị cần áp dụng chuyển đổi số vào quản lý giá thuốc đối với các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện.

Đối với vấn đề thương mại điện tử trong kinh doanh thuốc, đại biểu đề nghị cần cân nhắc và có quy định cẩn trọng vì hiện nay việc giao bán thuốc rất phức tạp và nhiều người đã mất tiền oan mà thuốc không chữa được bệnh…

15h30: Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn nữa các hoạt động kinh doanh dược trên môi trường điện tử

Đại biểu Dương Tấn Quân bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Dược nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dược, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm đảm bảo cung ứng thuốc kịp thời, có chất lượng cho Nhân dân. Đồng thời đổi mới mạnh mẽ quy trình thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường trách nhiệm của các đơn vị. 

Để hoàn thiện dự thảo Luật lần này, đại biểu Dương Tấn Quân tham gia đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tại khoản 29 Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 65, đại biểu bày tỏ sự tán thành cao đối với quy định này. Theo quy định khoản 1 Điều 65 Luật Dược hiện hành, các mẫu thuốc vi phạm chất lượng ở tất cả các mức độ đều được báo cáo kết quả về Bộ Y tế để xử lý và ra quyết định thu hồi, quy định này giúp Bộ Y tế nắm được tổng thể việc vi phạm chất lượng trong cả nước. Tuy nhiên, quy định này yêu cầu Bộ Y tế phải tiến hành xử lý số lượng báo cáo rất lớn và trong thời gian rất ngắn (trong vòng 24 giờ kể từ khi báo cáo của các trung tâm kiểm nghiệm của các tỉnh, thành phố gửi đến) dẫn đến quá tải cho Bộ Y tế, một số trường hợp không được xử lý kịp theo thời gian quy định dẫn đến việc chậm thu hồi thuốc vi phạm chất lượng trên địa bàn. 

Thứ hai, việc ban hành, thu hồi thuốc thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế nhưng trách nhiệm kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở vi phạm trên địa bàn vẫn thuộc trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh, thành phố. Do đó, đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng việc phân cấp, phân quyền cho địa phương là cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị Bộ Y tế cần tiến hành kiểm tra, đánh giá, có giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các trung tâm kiểm nghiệm tại các tỉnh để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện Luật.

Cuối cùng, đại biểu Dương Tấn Quân bày tỏ sự thống nhất với việc cần bổ sung việc kinh doanh dược theo hình thức thương mại điện tử vào dự thảo Luật lần này. Tuy nhiên, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ, cụ thể hơn các hoạt động giao dịch, kinh doanh dược trên môi trường điện tử nhằm đảm bảo việc thực hiện trong thực tiễn hiệu quả và khả thi hơn.

15h36: Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Cần có chính sách ưu tiên phát triển dược liệu, bài thuốc cổ truyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho biết, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, cận xích đạo, là một trong 25 điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu. Đa dạng sinh học ở Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới với trên 36.000 loài thực vật, động vật, vi tảo, vi sinh vật biển, trong đó có nhiều loài quý hiếm. “Nền y học cổ truyền, dược liệu của chúng ta hình thành và phát triển cho tới ngày nay đã ghi nhận tri thức sử dụng hơn 5000 loài thuộc 1823 chi của 362 họ thực vật có giá trị làm thuốc chữa bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Có nhiều loài cây dược liệu quý hiếm, đặc hữu, vừa có công dụng chữa bệnh vừa có giá trị kinh tế cao, được phân bố rộng khắp trên cả nước như: Sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Vũ diệp, cây bảy lá một hoa, lan kim tuyến, tam thất, bách hợp, thông đỏ…”, đại biểu nói. 

Với xu thế toàn cầu về việc sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên, đại biểu cho biết, dược liệu được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người như thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống thảo dược. Nhu cầu sử dụng dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao. 

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hiện nay chính sách về dược vẫn chưa đảm bảo, trong khi chúng ta có tiềm năng to lớn về dược liệu và nhu cầu của thị trường đang ngày càng mở rộng. Đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư đào tạo, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, phát triển chuỗi giá trị liên kết ưu tiên phát triển dược liệu, bài thuốc cổ truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, bổ sung ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ về bào chế, sản xuất, bảo tồn dược liệu quý hiếm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đại biểu, đây có thể sẽ là cơ hội phát triển rất tốt cho ngành dược của Việt Nam.

15h41: Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc qua thương mại điện tử

Góp ý về quy định liên quan tới thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung chứng chỉ hành nghề dược, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định rõ thời hạn là 20 ngày làm việc và 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Liên quan tới thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cũng quy định rõ thời hạn 30 ngày làm việc và 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. 

Về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có quy định chi tiết về việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử và có cơ chế kiểm soát thật chặt chẽ; mục tiêu đặt ra là người dân được mua thuốc dễ dàng, an toàn, bảo đảm có kê đơn của bác sĩ và được tư vấn đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi các phản ứng có hại của thuốc.

15h46: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn Quốc hội đã quan tâm tới ngành y tế nói chung và ngành dược nói riêng trong thời gian vừa qua, với nhiều chính sách phát triển ngành dược để ngành phát triển, đáp ứng các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bộ trưởng cho biết, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, đã có những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn đời sống về việc sửa đổi Luật Dược, đặc biệt sau dịch Covid-19. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Luật Dược để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo nguồn cung thuốc, phục vụ tốt nhất cho đời sống người dân.

Với ý kiến của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu để phối hợp cùng cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo Luật này trong thời gian tới để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội trong Kỳ họp tới. 

Về chính sách phát triển ngành dược, Bộ trưởng cho biết, Luật Dược hiện hành đã có các chính sách để đảm bảo tăng cường đảm bảo cung cấp đủ thuốc thiết yếu cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh. Đến nay, qua triển khai thực hiện Luật Dược năm 2016, lĩnh vực công nghiệp dược đã có bước phát triển, với 167 cơ sở sản xuất từ năm 2016 đã tăng lên thành 238 cơ sở năm 2023, giá trị sản xuất thuốc tăng từ 20% lên gần 50% giá trị thuốc sử dụng, sản xuất thuốc trong nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu thuốc thiết yếu, thuốc thông thường cho công tác phòng, chữa bệnh. 

Tuy nhiên, với mô hình bệnh tật thay đổi, với mục tiêu cao hơn cho ngành dược, để kịp thời giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, việc xây dựng các quy định để tập trung cho việc phát triển ngành dược, công nghiệp dược là nhu cầu thiết yếu. Ý kiến phát biểu của các đại biểu, từ ý kiến về phát huy tiềm năng của y học cổ truyền, dược liệu, doanh nghiệp dược trong nước đều thể hiện quyết tâm này. 

Bộ trưởng cho rằng, trong giai đoạn năm 2016, ngành dược còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tại thời điểm này, với các hệ thống chính sách ban hành và mục tiêu phát triển đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ định hướng, chúng ta đã có đủ điều kiện để phát triển ngành dược. Hiện nay chúng ta đã có Chiến lược phát triển ngành dược định hướng 2030 tầm nhìn 2045, đồng thời cũng đã có những quy định pháp luật liên quan tới đấu thầu thuốc, các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2023 về việc phát triển công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước là những điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp dược.

16h02: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua thảo luận có 18 đại biểu phát biểu ý kiến, đa số đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong chuẩn bị hồ sơ luật, kịp thời, kịp thời có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội và ý kiến thảo luận tại Tổ. Bộ trưởng Bộ Y tế đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo đã báo cáo làm rõ một số vấn đề quan trọng đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án luật có tính chuyên ngành rất cao, phần lớn đại biểu phát biểu công tác trong ngành y tế, nên các ý kiến phát biểu rất cụ thể về nhiều nội dung. Ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại tổ và phát biểu tại hội trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, bảo đảm tính minh bạch, dân chủ, khả thi trong từng quy định của dự thảo luật; kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề phát sinh để có hướng xử lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội