BẢO VỆ NỀN TẢNG, TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG (BÀI 1): KHÔNG NGỪNG PHÁT HUY DÂN CHỦ, XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

22/06/2024

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là tư tưởng, quan điểm xuyên suốt trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch ngày càng có nhiều hành vi chống đối, phá hoại Đảng, Nhà nước, nhằm gây hoang mang trong dư luận, lung lay tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Vì vậy, chủ động nhận diện và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi người dân Việt Nam.

HỘI THẢO: QUỐC HỘI TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THEO TINH THẦN VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tư tưởng ấy đã được thể hiện trong nhiều bài viết, bài phát biểu và chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng chứng là chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, vào 3/9/1945 Hồ Chủ tịch đã họp và đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước, trong đó Người đề nghị “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.

Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã  đề nghị “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mô hình bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân được thể hiện sâu sắc trong các văn kiện pháp lý quan trọng của đất nước do chính Người chỉ đạo xây dựng và ban hành. Tư tưởng nhà nước pháp quyền đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng và phát triển trong từng thời kỳ và ngày càng hoàn thiện đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới của đất nước.

Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá, xuyên tạc bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thế nhưng với mục tiêu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng, thời gian qua trên các diễn đàn khác nhau, các blog, trang web nước ngoài… các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo, đưa thông tin sai lệch nhằm phá hoại bản chất nhà nước Việt Nam.

Ngay trong những ngày trước, trong khi Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đang diễn ra (20/5-28/6), các thế lực phản động tăng cường các hoạt động chống phá và liên tục rêu rao rằng Nhà nước ta là độc trị và xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng ta, cho rằng “chế độ một Đảng cầm quyền sẽ không phát huy được dân chủ, trái với nguyên tắc pháp quyền, độc tài, áp đặt…. Đặc biệt, các thế lực thù địch còn lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, đã thông tin sai sự thật về nền dân chủ ở Việt Nam để tạo tâm lý hoang mang, dao động trong một bộ phận nhỏ người dân.

Trước mỗi kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, lợi dụng tự do ngôn luận, những thông tin này lại được các đối tượng phản động đăng tải dày đặc trên các trang blog cá nhân, các diễn đàn trực tuyến. Tuy nhiên, những luận điệu phản động này hoàn toàn bịa đặt, có ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước và quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo, đưa thông tin sai lệch nhằm phá hoại bản chất nhà nước Việt Nam (nh internet)

Những thế lực thù địch, phản động cũng nêu nhiều luận điệu sai trái làm sai lệch bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam và cho rằng, chỉ có nhà nước pháp quyền của các nước tư bản và đây là giá trị của chủ nghĩa tư bản; Việt Nam nêu chủ trương xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hướng đi tư sản chủ nghĩa và phủ nhận vai trò của Đảng cầm quyền và hô hào xây dựng chế độ đa đảng, đòi sửa đổi Hiến pháp năm 2013, sửa đổi thể chế Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo mô hình “tam quyền phân lập”.

Có thể nói, những luận điệu xuyên tạc, sai lệch đã cho thấy mưu đồ của các thế lực thù địch, phản động nhằm phủ nhận sự tồn tại và bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Mục đích nhằm “hướng lái” con đường phát triển của Việt Nam theo các nước tư bản chủ nghĩa. Đó là xây dựng nhà nước theo mô hình của các nước tư bản, thực hiện “tam quyền phân lập”. Đây là âm mưu rất thâm độc, hòng chống phá những vấn đề căn cốt của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bài viết của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với tựa đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã khẳng định: Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhà nước pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số Nhân dân.

Chúng ta nhận thức rằng, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số Nhân dân.

Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân. Đồng thời, chúng ta xác định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam; không ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo.

Khái quát lại quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua các thời kỳ, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, nhìn lại lịch sử có thể thấy, tại Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khóa 7 năm 1994, Đảng ta đã xác định quan điểm phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Sau đó, đến Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa VII 1995 đã thống nhất ban hành Nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Từ đó, toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển Nhà nước ở nước ta thực hiện theo quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Với thành quả xây dựng Nhà nước pháp quyền từ đó đến nay đã có kết quả lớn, đặc biệt là việc hoàn thiện bộ máy bao gồm chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; đổi mới hoạt động của Quốc hội. Quốc hội đã tập trung vào thực hiện chức năng lớn là lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hệ thống Nhà nước.

Trên tinh thần này, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được bổ sung và phát triển trong bản Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Trong đó, Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự phát triển của quan điểm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được Đảng nêu ra qua thời kỳ trước và đánh dấu một bước phát triển căn bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cụ thể, Điều 2. Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) 

Phát triển các quan điểm nêu trên, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 đã thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trước khi ban hành nghị quyết, Bộ Chính trị đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề cương hoàn thiện nhà nước pháp quyền trong thời kỳ mới và được thảo luận rất kỹ lưỡng.

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, có một quan điểm rất lớn đó là xây dựng Đảng phải gắn liền với xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, trong đó hết sức chú ý xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây là quan điểm rất cơ bản mà Đại hội Đảng XIII, nên hiện nay chúng ta cần nắm vững quan điểm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, trong đó cốt lõi là hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây cũng là điều đã được ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 2011).

Có nhiều năm công tác và làm việc trong cơ quan dân cử, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một thành tố trung tâm của hệ thống chính trị nước ta. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Điều này đã được khẳng định rõ trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội 

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, nhận thức về mô hình tổ chức quyền lực nhà nước đã có sự phát triển về chất để chỉ đạo quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Từ Nhà nước hành chính, quan liêu bao cấp, tổ chức và hoạt động theo mô hình tập quyền xã hội chủ nghĩa sang tổ chức quyền lực nhà nước theo mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với những nguyên tắc tổ chức và hoạt động mới, là một bước đột phá về nhận thức tư duy, lý luận để từng bước chỉ đạo quá trình cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Qua hơn 35 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có bước phát triển mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đã từng bước được đổi mới, phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế. Bộ máy nhà nước được sắp xếp ngày càng tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế; hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn trước.

Cùng với đó, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước tiến rõ rệt. Nền hành chính quốc gia đã được cải cách theo hướng phục vụ Nhân dân, phục vụ doanh nghiệp. Tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, như tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp.

Có thể thấy, với sự kiên định mục tiêu, con đường mà Đảng đã đề ra, chúng ta đã kết quả đáng ghi nhận, đó là nhận thức về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ngày càng đầy đủ, rõ nét, góp phần đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện lạm dụng, tha hóa quyền lực trong bộ máy Đảng và Nhà nước, mà đặc biệt là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, được Nhân dân và dư luận xã hội đồng tình và ủng hộ. (còn tiếp)

Bài 2: CỤ THỂ HÓA VÀ LÀM SÂU SẮC HƠN BẢN CHẤT VÀ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI

Lan Hương - Bích Lan