NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA

18/06/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều ngày 18/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

LÀM RÕ QUY TRÌNH, THỦ TỤC VỀ GIÁM SÁT, THANH TRA, PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

Toàn cảnh Phiên họp

Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa…, và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có bố cục gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương 73 điều), cụ thể: Chương I. Những quy định chung; Chương II. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Chương III. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể;  Chương IV. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; Chương V. Bảo tàng; Chương VI. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa; Chương VII. Điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Chương VIII. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa; Chương IX. Điều khoản thi hành.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 159/NQ-CP.

Nêu ý kiến thẩm tra đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với những lý do được nêu tại Tờ trình số 119/TTr-CP của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy, hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, các quy định của dự thảo Luật cơ bản thống nhất với 03 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, hồ sơ dự án Luật kèm theo 07 dự thảo Nghị định và 07 dự thảo Thông tư quy định chi tiết theo đúng quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Các đại biểu tại Phiên họp

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, như Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chủ trương, đường lối tại các văn bản khác của Đảng. Đồng thời, phù hợp với Hiến pháp, cơ bản thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật...

Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bám sát, nội luật hóa các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa...

Xây dựng chính sách về di sản văn hóa có trọng tâm, trọng điểm

Liên quan đến nội dung về sở hữu di sản văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật chuyển từ quy định “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước” thành “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân” (khoản 1 Điều 4). Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ chưa đề cập lý do sửa đổi các hình thức sở hữu di sản văn hóa, chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu.

Do vậy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình nội dung này; đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có). Cùng với đó, rà soát, nghiên cứu quy định để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Đối với quy định về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật kế thừa nhiều chính sách tại Luật Di sản văn hóa hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định... Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và sự tham gia của cộng đồng, người dân; phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa. Đồng thời, tập trung rà soát các chính sách, nhất là chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… để bảo đảm cụ thể, minh bạch, hiệu quả và khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tiếp tục rà soát các Luật có liên quan

Riêng về cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động của chính sách, điều kiện, khả năng thực hiện; đồng thời nghiên cứu, quy định cụ thể về nguyên tắc xây dựng, vận hành, cập nhật, duy trì và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa để bảo đảm tính khả thi, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Phụ lục IV về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 100), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát: bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với “lập thiết kế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích” vào mục 194 của Phụ lục IV của Luật Đầu tư để thống nhất với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 76 dự thảo Luật; xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với lĩnh vực “di sản văn hóa” để thống nhất với quy định tại Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến giải thích khái niệm, từ ngữ như: số lượng khái niệm, từ ngữ được giải thích còn nhiều; nội hàm một số khái niệm chưa rõ; nội dung giải thích còn rải rác ở nhiều điều, khoản khác nhau trong dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị giải thích từ ngữ phải có một hoặc một số căn cứ, cơ sở: chính trị, pháp lý, khoa học, thực tiễn. Ngôn ngữ phải bảo đảm tính phổ thông, cách diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu, chính xác. Do vậy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý phù hợp…

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh 

Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Các đại biểu tại Phiên thảo luận

Vạn Xuân- Nghĩa Đức- Phạm Thắng