CẦN THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO CÔNG TÁC GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO HỌC SINH, SINH VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

17/06/2024

Thảo luận ở hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 tại Kỳ họp thứ 7, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần giải quyết vướng mắc về địa điểm, tên gọi của đối tượng thực hiện Chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác giáo dục, đào tạo học sinh, sinh viên, người lao động tại vùng dân tộc thiểu số.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 17/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA TÂY ĐOẠN GIA NGHĨA - CHƠN THÀNH

Toàn cảnh Phiên họp

Qua thảo luận, đa số các ý kiến tán thành với Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc; đồng thời cho rằng, nội dung Báo cáo đã phân tích, đánh giá khách quan, đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong việc điều chỉnh Chủ trương đầu tư. Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, góp phần hoàn thành mục tiêu của Chương trình đến năm 2025, trong bối cảnh Chương trình đang triển khai rất chậm.

Các đại biểu cho rằng thời gian qua, công tác giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên, người lao động tại vùng dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ban hành và thực hiện nhiều chính sách về đào tạo, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Chương trình đã tác động tích cực tới đời sống của nhân dân, đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các tỉnh vùng cao, biên giới.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, từ thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến công tác giáo dục, đào tạo học sinh, sinh viên, người lao động tại vùng dân tộc thiểu số.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay các Trường trung cấp, Cao đẳng, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện (các cơ sở đào tạo) tại các tỉnh thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có chức năng tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên theo quy định. Số người theo học có đến 80% học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số.

Đại biểu cho biết, việc học tại các cơ sở giáo dục của tỉnh giúp các em đi lại thuận tiện, giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi chính nhưng học sinh, sinh viên này đều thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Như vậy, sẽ giảm tỷ lệ bỏ học, thực hiện phân luồng học sinh sau học trung học cơ sở có hiệu quả mà vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó chính những học sinh, sinh viên này còn là nguồn nhân lực tại chỗ rất quan trọng góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh trăn trở, hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn rất thiếu. Ngân sách địa phương còn khó khăn, hầu hết nhận đầu tư từ trung ương, nên nguồn đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi các cơ sở giáo dục này còn là đối tượng được thực hiện Tiểu dự án 3 của Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng chỉ vì địa điểm của các cơ sở đào tạo nên cũng không thuộc đối tượng thụ hưởng các chính sách của Chương trình. Do vậy, đại biểu mong muốn Chính phủ bổ sung đối tượng này vào danh mục, tạo điều kiện để địa phương thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Các đại biểu tại Phiên họp

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho biết, hiện nay các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp công lập cấp huyện đã được sáp nhập và đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên theo hương dẫn tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ. Đồng thời tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu cụ thể mục tiêu đến năm 2025 “Hoàn thành sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục hướng nghiệp, Trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện”.

Tuy nhiên, tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 quy định đối tượng thực hiện Tiểu dự án 3 của Dự án 5 có: “Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Theo Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định nhiệm vụ và quyền hạn của các Trung tâm trong đó có nhiệm vụ thực hiện đào tạo người lao động như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo các đại biểu, như vậy có những trường hợp chỉ vì tên gọi chưa đúng nên không thuộc đối tượng thụ hưởng của dự án được quy định tại Quyết định 1719. Do vậy, đề nghị Chính phủ điều chỉnh đối tượng thực hiện Chương trình theo chức năng, không bắt buộc theo đúng tên gọi. 

Đại biểu Cầm Hà Chung- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Cũng quan tâm đến các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn các huyện, các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Cầm Hà Chung- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, theo quy định hiện hành thì chỉ có cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong vùng là thuộc diện đầu tư của Chương trình. Tuy nhiên, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau khi sát nhập từ 03 Trung tâm: Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp công lập cấp huyện, vẫn có chức năng giáo dục nghề nghiệp, được quy định rất rõ trong Thông tư liên tịch là hoạt động theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn các huyện, các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mặc dù chức năng vẫn có, nhưng chỉ vì tên gọi sau khi sáp mà không được vào diện đầu tư của Chương trình.

“Qua các buổi tiếp xúc cử tri, giải đáp thắc mắc, có ý kiến cử tri đề nghị đổi tên các Trung tâm để được vào diện đầu tư của Chương trình có được không? Chúng tôi rất băn khoăn không biết trao đổi, giải đáp như thế nào với cử tri. Trong thực tế, nhiều tỉnh bây giờ đang triển khai nội dung này. Trung tâm đáp ứng tiêu chuẩn là rất ít, trong khi đó nhu cầu về đào tạo nghề và nguồn vốn được giao lại rất lớn”, đại biểu Cầm Hà Chung nói.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đưa các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện có các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào diện đầu tư của Chương trình./.

Vạn Xuân- Nghĩa Đức- Phạm Thắng

Các bài viết khác