TIẾP THU, CHỈNH LÝ VÀ GIẢI TRÌNH THUYẾT PHỤC ĐỂ HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ

11/06/2024

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, sáng 11/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Đường bộ đã được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại hội trường và nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự thảo Luật.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ

Toàn cảnh Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, sáng 11/6, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi mở một số nội dung thảo luận tại Phiên họp.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Đường bộ đã được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại hội trường và nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự thảo Luật. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật như: về phân loại đường bộ theo cấp quản lý (Điều 8), về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 12), về phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ (Điều 17), về chi phí quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 41), về đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc (Điều 47), về phí sử dụng đường cao tốc (Điều 50)…

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, tiếp tục rà soát, đặc biệt liên quan đến Điều 7 để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và không xung đột với các luật liên quan như Luật Đầu tư công hay Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); liên quan đến quy mô các tuyến đường cao tốc; liên quan đến hệ thống giao thông thông minh…

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, sát sao và trách nhiệm đối với Cơ quan soạn thảo cũng như Cơ quan chủ trì thẩm tra để dự thảo Luật Đường bộ hiện nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Và những ý kiến này rất xác đáng, nhiều nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu và tiếp thu một cách toàn diện nhất. Về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp thu và hoàn thiện các nội dung.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, báo cáo giải trình rõ hơn một số nội dung sau đây:

Về phân loại đường bộ theo cấp quản lý, đề nghị rà soát khoản 3, khoản 4 Điều 8 về phân cấp quản lý để thống nhất với Điều 28 khoản 3, khoản 4 về phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương.

Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 12), đề nghị rà soát kỹ quy định bảo đảm tính khái quát, không quá chi tiết như trong Luật hiện nay, phù hợp với từng loại đô thị, phù hợp với điều kiện hiện nay và có lộ trình thực hiện cũng như dự báo trong tương lai, phù hợp với đô thị mới, đô thị cũ, nghiên cứu để quy định các điều kiện chuyển tiếp đồng bộ với các Nghị quyết của Quốc hội về phân loại đô thị.

Đồng thời Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo chỉnh lý Điều 12 khái quát, không quy định quá chi tiết tránh vướng mắc khi thực hiện.

Liên quan đến phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ (Điều 17), theo ý kiến của Ban soạn thảo, việc quy định chiều cao của đường dây điện đi trên đường bộ không nhỏ hơn 5,5 mét nhằm bảo đảm an toàn cho đường dây điện và phương tiện tham gia giao thông phù hợp với thực tiễn. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công thương sớm tiếp thu, giải trình, làm rõ nội dung này, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thống nhất với quy định của Luật Điện lực (dự kiến được sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Về đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc, vấn đề giao thông thông minh và những vấn đề cần bổ sung, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung thêm.

Liên quan đến thu phí sử dụng đường cao tốc, đề nghị bổ sung khoản 3 Điều 50 giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc.

Về một số nội dung khác như rà soát khoản 3, khoản 4 Điều 28 cho thống nhất với khoản 4 Điều 8 và không xung đột với Luật Đầu tư công. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh nghiên cứu, tính toán việc này, liệu có sửa điều gì trong Luật Đầu tư công cho tương thích, phân loại cho các cấp địa phương quản lý, đầu tư, xây dựng.

Ngoài ra, về trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 37), Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải thống nhất với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung về giao thông thông minh trong lĩnh vực đường bộ cho đầy đủ, rà soát các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7 cho tương thích và thống nhất với Bộ luật Hình sự; rà soát các loại biển lắp đặt trong phạm vi hành lang bảo vệ, an toàn đường bộ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Phiên họp 

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu để bổ sung cho rõ về quy định biển tuyên truyền cổ động, biển báo, biển quảng cáo hoặc có thêm gì để gắn với truyền thống lịch sử thì cần tính toán; Ngoài ra, rà soát Điều 61 về trách nhiệm của doanh nghiệp có người lao động, doanh nghiệp kinh doanh có người vi phạm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, sau cuộc họp này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng để có dự thảo thông báo kết luận, đồng thời chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ và Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp với nhau thật chặt chẽ để tiếp thu, chỉnh lý và giải trình cho thuyết phục, có căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn; sớm hoàn thành để chuẩn bị cho Quốc hội xem xét thông qua vào chiều ngày 26/6 tới.

Trước đó, ngày 21/5/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đường bộ; đã có 23 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu; 01 ĐBQH gửi ý kiến góp ý bằng văn bản. Ngay sau Phiên thảo luận, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và cá cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại Phiên họp này, ngoài những nội dung đã giải trình, tiếp thu tại Báo cáo số 839 /BC-UBTVQH15, ngày 19/5/2024 của UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ gửi các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có Báo cáo đầy đủ về 06 nội dung Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo của UBTVQH Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật dài 22 trang trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường kèm theo các loại tài liệu trong hồ sơ theo quy định.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi mở một số nội dung thảo luận tại Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh góp ý về quy định biển tuyên truyền cổ động, biển báo, biển quảng cáo trong dự thảo Luật Đường bộ

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền; vấn đề quy mô các tuyến đường cao tốc; liên quan đến hệ thống giao thông thông minh…/.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác