XEM XÉT PHÊ CHUẨN VĂN KIỆN GIA NHẬP CPTPP CỦA VƯƠNG QUỐC ANH TẠI KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV
Toàn cảnh phiên họp
Sau khi nghe Tờ trình, Báo cáo thuyết minh và Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Vương quốc Anh, các đại biểu đã tiến hành thảo luận về nội dung này.
Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, toàn bộ hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội về nội dung này đã được gửi đến đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến, Chính phủ đã tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc trình Quốc hội phê chuẩn văn kiện ngay tại Kỳ họp này.
Đa số ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Vương quốc Anh. Đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; đánh giá rất cao nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong thời gian qua đã làm việc liên tục với Vương quốc Anh để thống nhất một số nội dung rất quan trọng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Vương quốc Anh là một thành viên của các cơ chế chính trị, an ninh ở tầm khu vực và toàn cầu, cũng là một ủy viên quan trọng trong 5 thành viên của Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên trong nhóm G7 có GDP hiện nay đứng thứ 6 trên thế giới. Do đó, việc đồng ý để Vương quốc Anh sớm gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm cơ hội cho 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len cũng đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến quyết định của Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Việt Nam sớm thông qua dự thảo nghị quyết sẽ là một trong những nước thành viên CPTPP phê chuẩn đồng ý đang gia nhập, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế Việt Nam trong hợp tác quốc tế. Để phát huy hơn nữa tiềm năng, những sự mong đợi về lợi ích đem lại từ việc tham gia CPTPP, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta cần làm tốt hơn công tác xây dựng pháp luật, công tác thể chế và đặc biệt nâng cao năng lực cạnh tranh. Bộ Công Thương cần có thêm những thông tin hướng dẫn cụ thể hơn, nhất là việc định hướng cho thị trường, tạo ra những cơ hội để doanh nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
“Việc tham gia Hiệp định CPTPP có thêm nước Anh nếu không tận dụng cơ hội sẽ rất lãng phí. Do đó, Chính phủ cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp chuyển đổi xanh, yêu cầu thân thiện với môi trường”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Tham gia ngay từ đầu vào quy trình thẩm tra việc phê chuẩn văn kiện này, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc phê chuẩn văn kiện này hay việc thực hiện CPTPP chỉ là 01 trong 16 FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đại biểu mong muốn, việc thực hiện các Hiệp định FTA trong thời gian tới sẽ được cải thiện tốt hơn. “Tôi rất mong chờ trong năm 2024 Bộ Công Thương có thể ban hành được bộ chỉ số FTA để là thước đo thực hiện ở các địa phương; là “kim chỉ nam” cho các các địa phương thực hiện; cũng là căn cứ để Quốc hội giám sát và có những điều chỉnh tốt hơn trong tương lai”, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh khẳng định Vương quốc Anh là đối tác giáo dục hàng đầu của Việt Nam, với 74 chương trình giáo dục xuyên quốc gia ở 23 trường đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của Vương quốc Anh hết sức quan trọng. Việt Nam ủng hộ và thuộc 6 nước đầu tiên tham gia cho thấy tầm quan trọng; là thời cơ, cơ hội tốt cho Việt Nam thể hiện thiện chí của mình; đồng thời tiếp nhận thiện chí của Vương quốc Anh trên rất nhiều lĩnh vực.
Cho ý kiến về sự cần thiết phê chuẩn, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, bên cạnh Hiệp định CPTPP, Việt Nam và Vương Quốc Anh có Hiệp định thương mại tự do UKVFTA và hiệu lực từ ngày 1/5/2022. Trong hiệp định thương mại tự do này cũng có nhiều nội dung liên quan trong nội dung của Hiệp định CPTPP. Vì vậy, sau khi được Quốc hội phê chuẩn hiệp định này, đại biểu đề nghị đẩy mạnh việc thông tin, đặc biệt là thông tin về những điểm khác biệt giữa Hiệp định CPTPP và Hiệp định UKVFTA để doanh nghiệp biết và lựa chọn những lợi thế nhất để áp dụng trong thực tiễn.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đối với, các cam kết về lao động, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí với việc chúng ta tiếp tục duy trì cam kết về lao động trong CPTPP, tuy nhiên Việt Nam đang tham gia đàm phán khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) và có 4 trụ cột. Các cam kết về lao động trong khuôn khổ này sẽ có tác động về nhiều mặt với Việt Nam; một số các trụ cột trong 4 trụ cột này đã kết thúc đàm phán. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm cung cấp thông tin để đại biểu Quốc hội nắm được để chuẩn bị trước trong quá trình nội luật hóa, cũng như trong quá trình phê chuẩn các khuôn khổ này trong tương lai.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, sau khi có Hiệp định EVFTA và CPTPP, qua khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành chuyển đổi công nghệ rất nhanh. Vì vậy, để tận dụng cơ hội này, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa để số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi công nghệ cao hơn. Trong đó, có chính sách hỗ trợ vốn và làm tốt công tác phòng vệ thương mại, tránh ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến phát biểu thống nhất cho rằng, hồ sơ trình Quốc hội đầy đủ; các ý kiến cũng hoàn toàn nhất trí với việc Quốc hội ra Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP ngay tại kỳ họp này; việc phê chuẩn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan tiếp tục hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội phê chuẩn nghị quyết vào cuối kỳ họp. Chính phủ khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết, bao gồm sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, hoàn thiện các văn bản pháp lý cần thiết của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương. Chỉ đạo phát huy tốt nhất những thuận lợi, vượt qua những khó khăn, thách thức để đẩy mạnh toàn diện việc hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước sau khi Quốc hội phê chuẩn hiệp định.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Toàn cảnh Quốc hội Quốc hội thảo luận ở hội trường về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu
Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu
Các đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường