Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 30/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh được quy định tại Điều 22 của dự thảo Luật. Nhiều ý kiến đồng tình với sự cần thiết thành lập Quỹ, có đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn; đặc biệt, mới đây, tại Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 24/4/2024 đã chỉ đạo cần nghiên cứu thành lập Quỹ phục vụ nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQP, AN). Qua đó, nhằm tập trung huy động nguồn lực, có cơ chế linh hoạt, chủ động cho xây dựng, phát triển CNQP, AN nhất là thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, rủi ro cao, đồng thời quy định để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội thể hiện sự đồng tình với dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội
Nhấn mạnh việc thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh là cần thiết, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho rằng, công nghiệp quốc phòng và an ninh có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi nền tảng khoa học quân sự, vũ khí công nghệ cao là một trong những yếu tố then chốt để phòng ngừa và giành lợi thế sau các cuộc chiến. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều thành lập quỹ tài chính để phục vụ cho lĩnh vực này.
Do đó, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nhận thấy, việc huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhằm xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ góp phần giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Thời gian vừa qua, việc triển khai các chương trình, dự án đặc biệt thường phải vận dụng qua cơ chế của Quỹ dự trữ ngoại hối và phải áp dụng các cơ chế đặc thù do cấp có thẩm quyền quyết định. Các chương trình, đề án đặc biệt hiện đang triển khai đều được cấp có thẩm quyền yêu cầu phải xây dựng cơ chế pháp lý đồng bộ và bảo đảm chặt chẽ. Đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhất là các nhiệm vụ cấp bách, rủi ro cao rất cần thiết cho sự chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ của công việc.
Đại biểu cho rằng, hình thành một quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp cơ chế đặc thù vượt trội và có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị có ý nghĩa chiến lược. Vì vậy, việc thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh là cần thiết và có đủ cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn như Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị.
Theo thống kê, giai đoạn 2012-2021 nguồn tài chính cho công nghiệp quốc phòng, ngân sách hàng năm cấp và bảo đảm cho quốc phòng vẫn chưa đủ để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, chiến lược đột phá. Theo đó, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho rằng, cần có nguồn lực lớn hơn để phát triển. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đa số đều tán thành việc thành lập Quỹ này và giao Chính phủ quy định.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhận thấy, dự thảo Luật trình tại Kỳ họp này đã thể hiện việc thành lập Quỹ tại Điều 22 với những nội dung cơ bản nhất về Quỹ này như mục đích, nguồn hình thành, nguyên tắc hoạt động của Quỹ và giao Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ.
Đồng thời, để đảm bảo tránh chồng lấn nhiệm vụ chi của Quỹ này với các quỹ khác, khoản 1 của Điều 22 đã quy định rõ mục đích của Quỹ, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhất trí cao và cho rằng việc quy định Quỹ này tại Điều 22 của dự thảo Luật là hoàn toàn cần thiết, có đủ cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn, nhất là để thể chế hóa chỉ đạo mới nhất của Bộ Chính trị tại Kết luận số 75-KL/TW ngày 24/4/2024.
Cùng quan điểm với ý kiến của các đại biểu đã nêu, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng nhất trí với việc thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định
Đồng tình với sự cần thiết và các cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu rõ:
Về cơ sở chính trị, đó là Kết luận số 75- KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị chỉ đạo cần nghiên cứu thành lập Quỹ phục vụ nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh.
Về cơ sở thực tế, đại biểu nhận thấy, thứ nhất là ngân sách hằng năm chưa đủ, thứ hai là huy động vốn ngoài ngân sách còn vướng mắc, thứ ba là các loại quỹ liên quan đến lĩnh vực này không phát huy hiệu quả, không đủ nguồn lực, thứ tư là kinh nghiệm quốc tế các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều có quỹ. Như vậy, thực tế vấn đề này còn rất nhiều khó khăn.
Về cơ sở pháp lý, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết, hiện nay chúng ta đang phải vận dụng, sử dụng quỹ đặc biệt theo cơ chế đặc thù do cấp có thẩm quyền quyết định cho các chương trình, dự án đặc biệt. Như vậy, việc này rất vướng trong thủ tục khi triển khai những chương trình, dự án đặc biệt.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 22 cũng quy định để nhiệm vụ chi của Quỹ công nghiệp quốc phòng an ninh không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Như vậy điều này không vi phạm khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước về nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước.
Từ những lý giải nêu trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhất trí với quy định tại Điều 22 của dự thảo Luật về Quỹ Công nghiệp quốc phòng và an ninh.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, đây là một nội dung được các đại biểu quan tâm và khẳng định, việc thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng và an ninh là rất cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh mà các sản phẩm này có tính mới, rủi ro rất cao.
“Nếu chúng ta sử dụng ngân sách theo quy trình sử dụng ngân sách Nhà nước cũng có những trường hợp không đáp ứng được tính thời sự của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và độ bảo mật cũng hạn chế hơn rất nhiều. Học tập ở các nước phát triển công nghiệp trên thế giới, người ta đều có quỹ này. Tôi xin nói thêm tính đặc thù của Quỹ để chúng ta khi cần có thể sử dụng được ngay”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận
Toàn cảnh phiên thảo luận ở hội trường
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp
Các đại biểu tại phiên thảo luận ở hội trường
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Các đại biểu tại phiên thảo luận ở hội trường
Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa
Quang cảnh phiên họp
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình, làm rõ các nội dung đại biểu nêu
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận./.